TP. Hồ Chí Minh tìm cách "gỡ băng" cho các dự án phát triển nhà ở mới

Theo Nam Phong/ttvn.vn

Chánh Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan vừa ký Thông báo khẩn 168/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến tại cuộc họp về việc lập danh mục các dự án phát triển nhà ở trong Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm của TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát các danh mục nhà ở ban hành kèm theo Quyết định 5087/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND TP. Hồ Chí Minh về phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020; tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh cập nhật, bổ sung các dự án nhà ở đã có chủ trương thực hiện nhưng thiếu sót, chưa có trong danh mục này làm cơ sở thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư; công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư cho các dự án trên địa bàn Thành phố.

Sở Xây dựng chịu trách nhiệm trước UBND TP. Hồ Chí Minh nếu có thiếu sót phát sinh  do có dự án chưa nằm trong danh mục phát triển nhà ở của TP. Hồ Chí Minh. 

Đối với các dự án nhà ở đang xin chủ trương thực hiện giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Tư pháp rà soát quy định pháp luật hiện hành để tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh giải quyết theo quy định, trường hợp cần thiết có văn bản báo cáo xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng để làm cơ sở thực hiện.

Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Điều 15 Luật Nhà ở năm 2014, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng Chương trình phát triển nhà ở của địa phương bao gồm cả tại đô thị và nông thôn cho từng giai đoạn 5 năm và 10 năm hoặc dài hơn để trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi phê duyệt. UBND cấp tỉnh phải tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm trên địa bàn.

Ngoài ra theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, nội dung chương trình phát triển nhà ở của địa phương bao gồm thực trạng các loại nhà ở (số lượng, loại nhà, tổng diện tích sàn xây dựng), nhu cầu về diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở… Quy định tại khoản này không có nội dung về số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở và danh mục các dự án đầu tư nhà ở trên địa bàn.

Cũng tại Khoản 3 Điều 3 nghị định này, nội dung kế hoạch phát triển nhà ở địa phương bao gồm: số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, tổng diện tích sàn xây dựng cần đầu tư, tỷ lệ các loại nhà ở cần đầu tư, nguồn vốn huy động cho phát triển các loại nhà ở… Quy định này không có nội dung về danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà trên địa bàn.

Sở dĩ Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh phải phát công văn hỏi ý kiến Bộ Xây dựng do hiện nay nhiều dự án nhà ở chưa được xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư do chưa rõ có hay không có trong danh mục dự án kèm theo Chương trình phát triển nhà ở của TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó, theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, khi xem xét, tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh về quyết định chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư đối với các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn phải phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 đã được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt; phù hợp với giải pháp phát triển nhà ở theo từng khu vực với các nội dung ưu tiên hoặc hạn chế.

Nếu yêu cầu các dự án nhà ở phải có trong danh mục các dự án phát triển nhà ở ban hành kèm Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố thì mới xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư, là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Hơn nữa, đối với các dự án mới xin chủ trương để thực hiện thì không thể biết và đưa vào danh mục được. Việc này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xin chủ trương để thực hiện dự án phát triển nhà ở cũng như các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng.

Đối với các dự án chưa có trong danh mục các dự án nhà ở đang triển khai thực hiện, Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, phù hợp với Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2016-2020, đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư xây dựng.

Đồng thời phối hợp với các quận huyện rà soát cụ thể tình trạng pháp lý các dự án trên địa bàn các quận huyện, cập nhật vào danh mục các dự án nhà ở đang thực hiện để theo dõi, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình phát triển nhà ở trên địa bàn, phục vụ cho việc xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.

Đối với các dự án chưa có trong danh mục các dự án nhà ở dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 (dự án chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý, khả năng hoàn thành trước năm 2020 không khả thi), Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các quận, huyện để đánh giá kết quả thực hiện.

Nếu dự án hoàn thành trước 2020, sẽ cập nhật vào danh mục các dự án nhà ở hoàn thành từ nay đến 2020, phục vụ cho việc tổng hợp kết quả hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Các dự án nhà ở sau khi được UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định chủ trương đầu tư sẽ được công bố công khai theo tinh thần của Luật Nhà ở.

Tuy nhiên, cũng theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy hiện nay nhiều dự án nhà ở đã triển khai qua rất nhiều thủ tục nhưng đang bị ngưng trệ do chưa có trong "danh mục phát triển nhà ở" nên chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án. Theo Sở Xây dựng, các kiến nghị trên cũng đã được các sở, ngành liên quan đồng ý tại một cuộc họp do sở này chủ trì.

Trên cơ sở đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết dự án nhà ở phải phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của TP đã được duyệt; quá trình xem xét để công nhận chủ trương đầu tư từng dự án phải xét đến nhiều yếu tố năng lực chủ đầu tư, kết nối hạ tầng, chỉ tiêu dân số…

Những dự án nào đã được công nhận chủ trương đầu tư thì cần công khai cho dân biết theo tinh thần của Luật Nhà ở. Về quan điểm của Sở Xây dựng cho rằng, không cần danh mục cụ thể từng dự án trong danh mục dự án kèm theo Chương trình phát triển nhà ở để xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư cho từng dự án, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Tư pháp rà soát báo cáo để UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp