Các quy định cơ bản về phòng, chống rửa tiền của Liên Bang Nga

PV.

(Tài chính) Trước bối cảnh tội phạm rửa tiền ngày càng gia tăng, Liên Bang Nga đã tội phạm hóa hành vi rửa tiền trong Bộ luật Hình sự từ năm 1997. Đến năm 2001, Liên Bang Nga đã tiến hành sửa đổi lần thứ nhất các quy định về phòng, chống rửa tiền (PCRT) đồng thời xây dựng Luật PCRT. Các năm tiếp theo lần lượt sửa đổi, bổ sung các quy định mới về PCRT và tài trợ khủng bố, hướng tới phát triển hành lang pháp lý hoàn chỉnh về loại tội phạm này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Quy định về tội phạm rửa tiền trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga

Điều 174, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga (BLHS Nga) năm 1997 quy định tội rửa tiền, với tên gọi là: "Hợp pháp hóa (tẩy rửa) tiền hoặc tài sản có được một cách bất hợp pháp", quy định hành vi “tiến hành các nghiệp vụ tài chính và các giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản có được một cách bất hợp pháp, cũng như sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác” là hành vi phạm tội. Hình phạt áp dụng đối với tội danh này mức thấp nhất là phạt tiền từ 500 lần đến 700 lần mức lương, mức thu nhập tối thiểu hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 5 đến 7 tháng và cao nhất là mười năm tù giam.

Mặc dù hành vi rửa tiền bước đầu đã được tội phạm hóa trong BLHS, nhưng việc áp dụng luật trong thực tiễn đã gặp phải nhiều khó khăn. Thứ nhất, điều luật không chỉ rõ đối tượng tác động của tội phạm là tiền, tài sản do phạm tội mà có, mà chỉ quy định chung là tiền, tài sản có được một cách phi pháp. Thứ hai, hàm ý của các thuật ngữ "nghiệp vụ tài chính" hoặc "các giao dịch khác" cũng không được định nghĩa và giải thích rõ ràng.

Những khiếm khuyết này làm cho điều luật không bao hàm được một số lượng lớn hành vi rửa tiền đang xảy ra ở Nga hoặc có khả năng xuất hiện trong quá trình chuyển đổi kinh tế, dẫn đến việc thực thi điều luật không chỉ kém hiệu quả mà còn không phù hợp.

Năm 2000, Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) lo ngại với tình trạng khống chế không hiệu quả hoạt động rửa tiền ở Nga, FATF đã đưa Nga vào danh sách 15 quốc gia “không có hệ thống biện pháp ngăn ngừa và chống rửa tiền hữu hiệu”, đồng thời khuyến nghị các tổ chức quốc tế, các công ty của các quốc gia, các tổ chức tài chính áp dụng các biện pháp phòng bị cần thiết khi có các giao dịch liên quan tới 15 quốc gia nói trên. Các biện pháp nói trên đã dẫn đến những khó khăn cho công dân và pháp nhân Nga trong tiến hành các hoạt động kinh doanh và mở các tài khoản giao dịch ở các nước công nghiệp chủ yếu. Mặt khác, việc bị đưa vào danh sách các quốc gia “không có hệ thống biện pháp ngăn ngừa và chống rửa tiền hữu hiệu” đã ảnh hưởng đến vị thế chính trị của nước Nga trên trường quốc tế.

Trước áp lực đó, tổng thống Nga Putin đã phải áp dụng một loạt các biện pháp sửa đổi, trong đó quan trọng nhất là sửa đổi các quy định trong Điều 174 BLHS Nga về hành vi rửa tiền, đồng thời thông qua Luật PCRT. Các quy định mới về PCRT đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2002.

Nội dung sửa đổi chủ yếu trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga

Căn cứ Luật sửa đổi chế định pháp luật chống rửa tiền liên bang số 121-FZ năm 2001, Điều 174, BLHS Nga được sửa đổi như sau: Điều 174. Hợp pháp hóa (tẩy rửa) các nguồn tài chính hoặc tài sản khác do người khác thông qua hoạt động phạm tội mà có. 1. Thực hiện các hoạt động tài chính và hoặc các giao dịch khác liên quan đến các nguồn tài chính hoặc tài sản khác biết rõ do người khác có được thông qua hoạt động phạm tội (…) với mục đích tạo một bề ngoài hợp pháp để sở hữu, sử dụng hoặc quản lý các các nguồn tài chính nói trên thì bị phạt tiền đến 120.000 rúp hoặc số tiền tương đương với mức lương, mức thu nhập tối thiểu hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian đến một năm... Khoản 2, 3, 4 quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù.

Ngoài ra, BLHS Nga còn bổ sung Điều 174.1 quy định về hành vi tự rửa tiền cụ thể như sau: Điều 174.1. Hợp pháp hóa (tẩy rửa) các nguồn tài chính hoặc tài sản khác do chính mình thông qua hoạt động phạm tội mà có. 1. Thực hiện các hoạt động tài chính hoặc các giao dịch khác liên quan đến các nguồn tài chính hoặc tài sản khác có được từ kết quả hoạt động phạm tội của chính mình hoặc sử dụng các nguồn tài chính hoặc tài sản này tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, thì bị phạt tiền đến 120.000 rúp, hoặc số tiền tương đương với mức lương, mức thu nhập tối thiểu hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian đến một năm...

Các quy định sửa đổi này là những bước tiến quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về chống rửa tiền của Liên Bang Nga. Nó được đánh giá là phù hợp ở mức độ cao (largely compliant) với yêu cầu tại Điều 3 Công ước Viên, Điều 6 Công ước Palermo và Khuyến nghị số 1 trong 40 Khuyến nghị của FATF về chống rửa tiền.