“Chiêu trò” rửa tiền qua thị trường chứng khoán

PV.

Rửa tiền được quốc tế ghi nhận là một loại tội phạm phi truyền thống, gắn với những lĩnh vực kinh tế - xã hội mới, phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng interne và lỗ hổng kiểm soát pháp luật... Thị trường chứng khoán cũng có thể trở thành mảnh đất màu mỡ để cho các đối tượng lợi dụng rửa tiền từ lĩnh vực này.

Nhận diện một số thủ đoạn

Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Cùng với sự phát triển đó, TTCK cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro dễ bị tội phạm lợi dụng kẽ hở để thao túng, rửa tiền.

Nhiều ý kiến cho rằng, TTCK có thể trở thành mảnh đất màu mỡ mà tội phạm rửa tiền hướng đến để “rửa sạch” các đồng “tiền bẩn” có được từ hoạt động phạm tội.

Theo đó, bọn tội phạm đưa tiền mặt bất hợp pháp đến các trung tâm giao dịch chứng khoán để mua cổ phiếu chứng khoán, trái phiếu chính phủ. Các hành vi này của bọn tội phạm cũng giống như thủ đoạn chia nhỏ đồng tiền bằng cách mua nhiều cổ phiếu, sau đó gom các cổ phiếu lại để thành một khoản lớn.

Thậm chí, tội phạm còn mua cả cổ phần giả tạo do chính các công ty bình phong phát hành. Bởi chúng thường không quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khi lựa chọn để đầu tư, do đó, chúng mua cổ phần chứng khoán bằng mọi giá.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ tính riêng trong quý III/2017, cơ quan này đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.275 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện50 cuộc thanh tra, kiểm tra qua đó đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên tới 1.675 tỷ đồng.

Sai phạm của các doanh nghiệp chứng khoán chủ yếu là hành vi thao túng giá, chào bán chứng khoán ra công chúng mà không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; thực hiện quy định xung đột lợi ích với các bên có liên quan, báo cáo vi phạm giao dịch ký quỹ công ty chứng khoán…

Từ những phát hiện đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử lý kịp thời các vi phạm, góp phần hỗ trợ công tác quản lý giám sát và bảo đảm thực thi pháp luật về chứng khoán, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức và cá nhân tham gia trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Tăng cường khả năng giám sát

Đặc điểm của TTCK là mỗi ngày một khách hàng có thể thực hiện hàng trăm, thậm chí hàng nghìn giao dịch. Từ thực tế này đặt ra bài toán là làm thế nào để có thể truy nguồn tiền của nhà đầu tư. Đây là vấn đề tương đối khó khăn cho các công ty chứng khoán nhất là hiện nay nhiều công ty chứng khoán đã thực hiện giao dịch tự động. Theo đó, nhà đầu tư có thể tự đặt lệnh mua, bán để tự nó chạy mà không cần phải đến tận nơi để giao dịch.

Theo đại diện một công ty chứng khoán từng chia sẻ, để truy được nguồn tiền của nhà đầu tư, công ty chứng khoán phải xác định ngay từ đầu vào, đó là lúc khách hàng mang tiền đến gửi thì công ty chứng khoán đã phải có sự xác thực từ phía Bộ Công an hay từ Ngân hàng Nhà nước.

Để giảm thiểu rủi ro trên TTCK nói chung và ngăn chặn vấn nạn rửa tiền, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý phải tăng cường khả năng giám sát, nhất là hoạt động phòng, chống thao túng giá nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, cũng như ổn định thị trường. Quan trọng hơn, bản thân các nhà đầu tư cũng phải cẩn trọng để lựa chọn những doanh nghiệp có “lý lịch đẹp”.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất để có thể xử lý nghiêm minh các hành vi rửa tiền nói chung và rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng.

Đối với các công ty chứng khoán, lực lượng Công an cần phổ biến, cung cấp các phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng phạm tội để các công ty chứng khoán có biện pháp nhận biết khách hàng của mình.

Đồng thời, các định chế tài chính cũng phải thường xuyên cung cấp các thông tin, tài liệu nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội rửa tiền để lực lượng Công an có phương hướng, biện pháp xác minh và điều tra khám phá khi có dấu hiệu tội phạm.