Giải pháp góp phần giảm thiểu tỷ trọng sử dụng tiền mặt trong thanh toán

PV.

Hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội cũng không ít thách thức về sự an toàn của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cho ngành Ngân hàng. Thực tế này đòi hỏi cần sớm giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần giảm thiểu tỷ trọng sử dụng tiền mặt trong thanh toán; hạn chế rủi ro cho ngân hàng, bảo toàn tài sản khách hàng, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.

Tăng cường giao dịch điện tử

Song hành cùng với tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới của đất nước, toạt động thanh toán không dùng tiền mặt và công nghệ, dịch vụ ngân hàng cũng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế thanh toán của khu vực và trên thế giới. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo đó được thúc đẩy phát triển mạnh và đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng.

Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 được Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu cụ thể: Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán.

Ngoài ra, đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt 200 triệu giao dịch/năm. Thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Giao dịch có giá trị phải thông qua ngân hàng

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, để phát triển thanh toán điện tử thì cần đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần nghiên cứu triển khai một số biện pháp hành chính kết hợp với các biện pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế. Nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách để khuyến khích thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thanh toán phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ…

Để đề án triển khai đúng tiến độ, mục tiêu, Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị chức năng ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời, ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với việc tăng cường kiểm soát thanh toán, phát hành hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, chống thất thu thuế…

Ngoài ra, rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán; ban hành quy định giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt là xây dựng, phát triển các hệ thống và dịch vụ thanh toán bán lẻ như: Tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ, phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.

Khuyến cáo khách hàng tăng tính bảo mật thông tin trong thanh toán

Để thực hiện được các mục tiêu trên, các cơ quan quản lý cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cần thiết phải quan tâm vấn những đề sau:

Một là, đối với cơ quan quản lý. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020 ban hành kèm theo Quyết định 1490/QĐ-NHNN ngày 29/7/2014.

Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động quản lư rủi ro thanh toán; Thực hiện giám sát toàn diện các hệ thống thanh toán tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, phù hợp với các điều kiện của Việt Nam nhằm đảm bảo sự ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia.

Hai là, đối với đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán. Cần xây dựng quy trình quản lý rủi ro cho hệ thống thanh toán tích hợp và hiệu quả để phát hiện, phân loại, xử lý và phòng tránh rủi ro có hiệu quả ở tất cả các khâu trong quá trình giao dịch thanh toán.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng công nghệ, trang thiết bị thanh toán để phòng tránh các rủi ro về lỗi kỹ thuật hay hạn chế năng lực quản lý của con người trong quá trình vận hành và thực hiện các giao dịch thanh toán.

Mặt khác, khuyến cáo khách hàng tăng tính bảo mật thông tin trong thanh toán, để hạn chế rủi ro phát sinh liên quan đến dịch vụ thẻ hay thanh toán điện tử.