Rửa tiền và tài trợ khủng bố: Nên hiểu thế nào?

PV.

Hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề rửa tiền và tài trợ khủng bố và mối quan hệ giữa rửa tiền và tài trợ khủng bố thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết phân tích làm rõ các hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố trong bối cảnh hiện nay.

Rửa tiền: Vấn nạn toàn cầu

Rửa tiền là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách tạo ra vẻ bên ngoài hợp pháp cho các khoản tiền hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội. Rửa tiền đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế, được cộng đồng thế giới rất quan tâm, vì nó gây ra hậu quả kinh tế, xã hội nghiêm trọng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và uy tín quốc tế của quốc gia, làm suy yếu nền kinh tế, cũng như cải tổ nền kinh tế.

Rửa tiền không chỉ giúp cho tội phạm che giấu được nguồn gốc của những khoản tiền bất hợp pháp mà còn tạo ra cơ sở cho chúng hưởng thụ và sử dụng những đồng tiền đã được tẩy rửa để phục vụ cho những hoạt động tội phạm khác.

Theo quan điểm của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền (FATF), rửa tiền là toàn bộ những hoạt động được tiến hành nhằm cố ý hợp thức hóa những khoản tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội.

Trong khi đó, Công ước Viên (1988) và Công ước Palemo (2000) của Liên Hợp quốc cho rằng, rửa tiền là các hoạt động chuyển hoán hoặc chuyển nhượng tài sản khi biết tài sản đó có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội, hoặc tham gia vào hành vi nhằm mục đích giấu giếm hoặc che đậy nguồn gốc phi pháp của tài sản hoặc tiếp tay cho bất kỳ cá nhân nào tham gia vào hành vi này, hoặc giấu giếm hoặc che đậy bản chất thực, nguồn gốc, địa điểm, việc định đoạt, sự chuyển dịch, các quyền liên quan đến tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản khi biết rằng tài sản đó có được từ hành vi phạm tội, hoặc có được, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản khi tại thời điểm tiếp nhận nó đã biết rằng tài sản này có được từ hành vi phạm tội.

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thì rửa tiền và tài trợ cho khủng bố thường thể hiện những đặc tính giao dịch giống nhau, đó là phần lớn phải được thực hiện bằng thủ đoạn che đậy.

Những kẻ rửa tiền, gửi tiền bất hợp pháp qua các kênh hợp pháp để che giấu nguồn gốc phạm tội của chúng, còn những kẻ tài trợ cho khủng bố thì chuyển tiền với nguồn gốc có thể là hợp pháp hoặc bất hợp pháp theo cách để che đậy nguồn gốc và mục đích sử dụng cuối cùng của số tiền này – đó là hỗ trợ cho khủng bố.

Nỗ lực chống tài trợ khủng bố

Tài trợ cho khủng bố là sự hỗ trợ tài chính dưới bất kỳ hình thức nào cho khủng bố hoặc cho những kẻ khuyến khích, lập kế hoạch hoặc tham gia thực hiện hành vi khủng bố.

Liên minh quốc tế hiện tại đang nỗ lực đấu tranh chống tài trợ cho khủng bố. Việc phát hiện và phá hủy hệ thống tài trợ cho khủng bố là một trong số những nỗ lực quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của cộng đồng quốc tế.

Trong cuộc chiến chống tài trợ cho khủng bố, Liên Hợp quốc đã thiết lập một quy trình để xem xét những đề nghị từ phía các quốc gia thành viên trong việc ghi tên các cá nhân và tổ chức phi bị phong tỏa tài sản vào một danh sách thống nhất được quản lý bởi Uỷ ban Trừng phạt 1267. Các thành viên Liên Hợp quốc buộc phải thực hiện một số biện pháp nhất định đối với những người hoặc tổ chức bị nêu tên trong danh sách này, bao gồm phong tỏa tài sản, cấm vận vũ khí và cấm đi lại.

Liên Hợp quốc cũng đã yêu cầu tất cả các quốc gia ngăn chặn và trấn áp việc tài trợ cho các hoạt động khủng bố (Nghị quyết 1373 của Hội động Bảo an Liên Hợp Quốc); Đồng thời, phong tỏa tài sản của các cá nhân và tổ chức có liên quan đến các tổ chức khủng bố như Usama bin Laden, nhóm Taliban, al-Qaida… (Nghị quyết 1267 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Nghị quyết 1526 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc…).

Bên cạnh đó, Liên Hợp quốc đã thiết lập một quy trình để xem xét những đề nghị từ phía các quốc gia thành viên trong việc ghi tên các cá nhân và tổ chức phi bị phong tỏa tài sản vào một danh sách thống nhất được quản lý bởi Uỷ ban Trừng phạt 1267. Các thành viên Liên Hợp quốc buộc phải thực hiện một số biện pháp nhất định đối với những người hoặc tổ chức bị nêu tên trong danh sách này, bao gồm phong tỏa tài sản, cấm vận vũ khí và cấm đi lại.

Đặc biệt, trong 9 khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ cho khủng bố, ngay tại khuyến nghị đầu tiên, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã khuyến nghị mỗi nước cần tiến hành ngay những biện pháp để phê chuẩn và thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc năm 1999 về chống tài trợ cho khủng bố. Các nước cũng cần thực hiện ngay những nghị quyết của Liên Hợp Quốc liên quan đến các đạo luật về phòng, chống tài trợ cho khủng bố, đặc biệt là Nghị quyết 1373 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Các khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ của FAFT còn bao gồm: Hình sự hoá hành vi tài trợ cho khủng bố và rửa tiền kèm theo; Phong tỏa và tịch thu tài sản của các đối tượng khủng bố; Báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến chủ nghĩa khủng bố; Theo dõi loại hình chuyển tiền thay thế; Giám sát các tổ chức phi lợi nhuận và  kiểm soát người vận chuyển tiền tệ.

Các khuyến nghị của FATF đã trở thành tiêu chuẩn hành động quốc tế để giải quyết vấn đề tài trợ cho khủng bố. Chúng cung cấp kế hoạch chi tiết cho những quốc gia đang cần sửa đổi hệ thống luật pháp và tài chính cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Khả năng công khai danh sách các quốc gia với các biện pháp chống rửa tiền kém hiệu quả của FATF góp phần khuyến khích các nước đưa những cơ chế chống rửa tiền mạnh hơn vào hoạt động. Nhờ có sự công khai này mà hệ thống pháp luật ở nhiều nước như Nigeria, Ukraina và Philipinnes được đánh giá là đã tiến bộ vượt bậc.