Sử dụng thẻ thanh toán và tiền điện tử tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

PV.

Thanh toán không dùng tiền mặt giờ đây không chỉ còn là xu hướng mà đã được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn thay cho hình thức chi trả tiền mặt thông thường. Việc khi sử dụng tiền điện tử đã giúp người dân linh hoạt hơn trong giao dịch, an toàn trong chi trả.

Đóng góp của lưu hành thẻ vào GDP Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD

Theo Bộ Công Thương (2015), Việt Nam với dân số lên đến hơn 90 triệu dân, trong đó 49% sử dụng internet và 34% sử dụng di động để truy cập internet. Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được đánh giá là đầy tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Đến năm 2015, hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong cả nước cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng ATM và POS có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Năm 2015, giá trị mua hàng trực tuyến ước tính đạt khoảng 160 USD/người. Tổng doanh thu bán hàng qua các hình thức TMĐT tại Việt Nam năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, tuy nhiên, mới chỉ chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Như vậy, tiềm năng phát triển TMĐT còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tính đến tháng 7/2016, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Số lượng đối tác kinh tế, thương mại của Việt Nam thông qua FTA sẽ lên đến gần 60 đối tác. Việc ký kết các FTA nói chung sẽ giúp TMĐT của Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.

Tính chung giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng thẻ điện tử ở Việt Nam ngày càng tăng, đã giúp việc tiêu thụ hàng hóa tăng 0,22% và đóng góp của lưu hành thẻ vào GDP Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD. Vào cuối năm 2015, giá trị giao dịch ATM đã đạt mức 1.564 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Với việc tất cả các chỉ số về thanh toán thẻ như tổng giá trị giao dịch qua các máy ATM, các tài khoản thanh toán cá nhân hay qua POS đều tăng. Có thể, nói xu hướng sử dụng thẻ trong thanh toán của người Việt đang ngày càng phổ biến.

Kể từ khi thị trường Việt Nam phát hành thẻ ngân hàng lần đầu tiên (vào năm 1996), đến tháng 6/2016, số lượng thẻ phát hành đã đạt mức trên 106 triệu thẻ (tăng gấp 3,4 lần so với cuối năm 2010) với 48 ngân hàng phát hành.

Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 90,66%, thẻ tín dụng chiếm 3,53%, thẻ trả trước là 5,81%.Về mạng lưới, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán thẻ ngân hàng được cải thiện, số lượng các máy POS có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đến cuối tháng 6/2016, trên toàn quốc có trên 17.300 ATM và hơn 239.000 POS được lắp đặt.

Cùng với sự gia tăng về số lượng thẻ và đầu tư cơ sở hạ tầng thanh toán, hiện nay, các ngân hàng đã cung cấp khá tốt các tiện ích cơ bản trên ngân hàng điện tử như: Chuyển khoản, thanh toán hoá đơn dịch vụ điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm…

Kết quả điều tra, khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT năm 2015 của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho thấy, trong các hình thức thanh toán chủ yếu người mua hàng trực tuyến thực hiện có 48% người mua (tham gia khảo sát) sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 20% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng các loại thẻ thanh toán; Đối với doanh nghiệp, có 97% doanh nghiệp được khảo sát chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 16% doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng thẻ thanh toán.

Một vài đề xuất, khuyến nghị

Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách mở rộng khuyến khích đầu tư đối với các nhà đầu tư tài chính. Đây cũng chính là tiền đề để các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phương thức thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử tại Việt Nam, thời gian tới, các giải pháp cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, đánh giá lại hiệu quả các giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán, để điều chỉnh cơ chế chính sách. Thanh toán điện tử đang là xu thế tiêu dùng toàn cầu, thế nhưng ở Việt Nam, giao dịch tiền mặt vẫn là chủ yếu, chiếm tới 65% tổng phương thức thanh toán.

Hiện có thể 80% người tiêu dùng trẻ tuổi ở Việt Nam thích thanh toán bằng thẻ, điều này đang là lợi thế để bắt kịp với xu hướng trên toàn cầu cho các giao dịch không dùng tiền mặt. Việc thanh toán bằng thẻ tín dụng hay thẻ trả trước không còn mới lạ tại Việt Nam nhưng hình thức này đang tập trung vào khối người tiêu dùng có mức thu nhập cao.

Tuy nhiên, phương thức này cũng gặp một số khó khăn trong các giao dịch hàng ngày như phải gánh một phí dịch vụ không nhỏ, trong khi, chất lượng và giá cả của dịch vụ ngân hàng luôn có những khoảng cách chênh lệch nhất định. Do vậy, cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả các văn bản pháp luật đã ban hành đối với lĩnh vực này.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 ngày 27/12/2011, với mục tiêu cụ thể: (i) Đến cuối năm 2015, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11%; (ii) Đến cuối năm 2015, tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng lên mức 35 - 40% dân số; (iii) Thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1073/QĐ-TTg ngày 12/7/2010; (iv) Phát triển dịch vụ thanh toán thẻ, trọng tâm là phát triển thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ.

Đến năm 2015, toàn thị trường có khoảng 250.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; (v) Áp dụng một số hình thức thanh toán mới, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 222/2013/NĐ-CP quy định về thanh toán bằng tiền mặt. Trong đó, quy định các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp; các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.

Ngày 22/9/2015, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 7179/NHNN-TT yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện triển khai thanh toán điện tử trong phối hợp thu ngân sách nhà nước...

Các chủ trương, chính sách trên của Chính phủ đã thực thi được nhiều năm, cần được đánh giá lại hiệu quả, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa lại để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình, góp phần hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán trong thời gian tới.

Thứ hai, khuyến khích các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cung cấp nhiều dịch vụ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Để khuyến khích người dân sử dụng thẻ thanh toán, Chính phủ và doanh nghiệp cần cung cấp nhiều dịch vụ hơn đối với sử dụng thẻ thanh toán; Các ngân hàng thương mại cần đưa ra một chính sách phí hợp lý liên quan đến việc sử dụng thẻ nhằm khuyến khích nhiều cá nhân tham gia vào sử dụng thẻ thanh toán; Tiếp tục đẩy mạnh số lượng POS phục vụ cho nhu cầu thanh toán hàng ngày của người dân.

Thứ ba, cần tăng cường đảm bảo an toàn và bảo mật thanh toán. Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, phát triển hạ tầng cơ sở và đầu tư công nghệ hiện đại là vấn đề sống còn đối với mỗi ngân hàng.

Điều này cũng đã được hệ thống ngân hàng Việt Nam chú trọng với việc không ngừng đầu tư các công nghệ bảo mật an toàn dữ liệu. Trong năm 2015, tại Việt Nam, nhiều vụ việc liên quan đến mất tiền trong thẻ ngân hàng đã trở thành vấn đề được dư luận quan tâm.

Các tổ chức tín dụng, bên cạnh việc không ngừng đầu tư, nâng cấp, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo tiện tích cho khách hàng thì yếu tố an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán cũng cần được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng và cả khách hàng.