Thụy Điển tiến tới không dùng tiền mặt

Theo Phạm Triệu Lập/baoquocte.vn

Quốc gia Bắc Âu này đang đi đầu xu hướng thanh toán qua thẻ và điện thoại di động, vốn vẫn còn mới mẻ với phần lớn thế giới.

Tiền mặt không còn được sử dụng nhiều ở Thụy Điển. (Nguồn: AFP)
Tiền mặt không còn được sử dụng nhiều ở Thụy Điển. (Nguồn: AFP)

Hiện tại, Thụy Điển là quốc gia sử dụng tiền mặt ít nhất trên thế giới. Theo ngân hàng trung tâm Riksbank, trị giá lưu thông của đồng Krona Thụy Điển vào năm 2016 là 65 tỷ (khoảng 8 tỷ USD), nhưng chỉ 1% giá trị của tất cả các khoản giao dịch được thực hiện bằng tiền xu hoặc tiền giấy, nhỏ hơn rất nhiều so với 7% ở EU và Mỹ.

Vậy nước Bắc Âu này đã làm như thế nào để loại dần tiền mặt trong giao dịch kinh tế?

Thẻ và thanh toán di động “lên ngôi”

Tại một quán cà phê Kungsholmen ở phía Tây thành phố Stockholm, có một bảng thông báo gây nhiều sự chú ý cho người đi đường "Không nhận tiền mặt". Những biển hiệu như vậy đang xuất hiện ngày càng nhiều tại thủ đô của Thụy Điển.

Bà Victoria Nilsson, quản lý 2 trong số 16 cửa hàng cà phê của thành phố, chia sẻ: “Chúng tôi muốn giảm thiểu nguy cơ trộm cướp và giao dịch sẽ nhanh hơn nếu khách hàng trả bằng thẻ. Phản ứng của khách hàng nhìn chung là tích cực. Tại Stockholm, chúng tôi thích sử dụng thẻ hơn”.

Cũng theo Ngân hàng Riksbank, Thụy Điển hiện chỉ sử dụng dưới 20% tiền mặt trong các giao dịch bán lẻ. Tiền xu và tiền giấy đã bị cấm sử dụng trên xe buýt từ nhiều năm qua, sau khi các công đoàn bày tỏ mối lo ngại về an toàn cho tài xế. Ngay cả tại những điểm thu hút khách du lịch như khách sạn Pop House ở Stockholm và Bảo tàng Abba, trung tâm triển lãm cho nhóm nhạc biểu tượng của Thụy Điển, các giao dịch cũng đều được thanh toán bằng thẻ.

Ngay cả những người buôn bán nhỏ cũng tham gia vào xu hướng này qua việc tận dụng công nghệ đọc thẻ tín dụng iZettle do một công ty Thụy Điển vừa chế tạo. Đầu đọc thẻ di động này đã cho phép các nhà buôn nhỏ ở chợ, hoặc ngay cả những người vô gia cư, những người cung cấp tạp chí từ thiện có thể chấp nhận thanh toán bằng thẻ mà không gặp khó khăn gì.

Senobar Johnsen, một trong những khách hàng của quán cà phê, cho biết: “Tôi đã đưa các con đến một khu vui chơi giải trí và ngay cả một người bán bóng bay cũng có đầu thu tiền bằng thẻ”.

Sự xuất hiện của Swish - một hệ thống thanh toán bằng điện thoại di động, cũng đã được hơn một nửa trong số 10 triệu dân của quốc gia này sử dụng. Được các ngân hàng lớn hỗ trợ, Swish cho phép khách hàng gửi tiền an toàn qua điện thoại di động cho bất cứ ai có ứng dụng đó. Các ứng dụng được sử dụng rộng rãi trong các chợ, trường học và cũng là một cách chuyển tiền thường xuyên giữa bạn bè.

Giáo sư Học viện Công nghệ Hoàng gia Stockholm, ông Niklas Arvidsson giải thích: “Người tiêu dùng Thụy Điển rất quan tâm đến công nghệ mới và luôn áp dụng chúng một cách nhanh chóng. Thêm vào đó, Thụy Điển vốn là một quốc gia nhỏ, hội nhập nhanh trong Liên minh châu Âu (EU), mức độ tham nhũng thấp. Đây là điều kiện lý tưởng để thử nghiệm các đổi mới. Hơn nữa, người Thụy Điển có khuynh hướng tin vào các ngân hàng, các tổ chức và không sợ ai đó theo dõi họ hoặc có thể gian lận với thanh toán điện tử”. Giáo sư Arvidsson dự đoán rằng đến năm 2020, thanh toán bằng tiền mặt sẽ giảm xuống còn rất ít và hoàn toàn biến mất vào năm 2030.

Những lo ngại thực tế

Nhưng không phải ai cũng hài lòng với xu thế mới này. Cựu Giám đốc Interpol Bjorn Eriksson, người sống ở vùng ngoại ô Alvik cho hay, tại Thụy Điển, vẫn có những quán cà phê chấp nhận cách trả tiền truyền thống, nhưng một số ngân hàng đã không cho phép gửi và lấy ra bằng tiền mặt.

"Tôi thích dùng những tấm thẻ này, nhưng có khoảng một triệu người già, khách du lịch, người nhập cư không thể dùng thẻ. Các ngân hàng đã không quan tâm vì những nhóm người này không mang lại lợi nhuận”, ông Eriksson nói.

Nhiều người quan ngại sâu sắc, các hành vi trộm danh tính, nợ tiêu dùng gia tăng và các cuộc tấn công mạng có thể dễ dàng cắt đứt hệ thống thanh toán bằng thẻ.