World Bank: Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến

PV.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hằng ngày.

Chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hàng ngày tại các quốc gia phát triển

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hằng ngày.

Tỷ lệ tiền mặt trong tổng lượng tiền của nền kinh tế chỉ chiếm khoảng 7,7% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng Euro vào năm 2016. Hầu hết các nước đã và đang triển khai công cuộc cải cách hệ thống thanh toán hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân.

Điển hình tại Thụy Điển cho thấy, tiền mặt chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng tiền trong nền kinh tế. Con số này cho thấy Thụy Điển là quốc gia người dân rất ít giao dịch bằng tiền mặt trong khi con số tương tự của toàn thế giới là 75%.

Trả tiền bằng thẻ tín dụng là hình thức thanh toán phổ biến nhất ở Thụy Điển, với gần 2,4 tỷ giao dịch qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong năm 2013, so với 213 triệu giao dịch trước đó 15 năm. Tuy nhiên, ngay cả thẻ nhựa (bao gồm thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ) cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, do số lượng người Thụy Điển dùng ứng dụng để giao dịch tài chính tăng mạnh.

Hiện nay, ngày càng nhiều chính phủ kêu gọi tiến tới chuyển đổi các giao dịch từ tiền mặt sang  thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán điện tử được khuyến khích bởi những hoạt động thanh toán này sẽ để lại dấu vết điện tử mà nhà chức trách có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát.

Người dân sẽ không phải đến ngân hàng để rút tiền, giữ tiền và có thể thanh toán ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc điện thoại. Giao dịch trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, góp phần kích thích hoạt động thương mại.

Nở rộ thanh toán qua thẻ và thanh toán điện tử

Ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng thẻ thông minh trong các ngành dịch vụ khác nhau. Có thể kể đến như thẻ sim tích hợp thanh toán trong viễn thông, các ứng dụng trong việc tự động hóa thanh toán vé xe bus, tàu điện trong giao thông, chứng minh thư điện tử trong lĩnh vực quản lý nhà nước, hay các loại thẻ thanh toán của ngành ngân hàng… Trong đó, ngành Viễn thông được đánh giá là Ngành sử dụng thẻ thông minh nhiều nhất (dưới dạng thẻ sim).

Trong lĩnh vực ngân hàng, liên minh thẻ EMV (Euro Pay, MasterCard và Visa) được xem là nền tảng để nhiều ngân hàng đầu tư và triển khai giải pháp phát hành thẻ thông minh. Hầu hết các nước trên thế giới đã chuyển đổi sang sử dụng hệ thống EMV. Tiên phong chuyển đổi sử dụng hệ thống thẻ EMV là châu Âu (chuyển đổi từ năm 1996), mà điển hình là Pháp và Anh.

Ở khu vực châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tiến hành từ những năm 2003-2004. Ở Đông Nam Á, Malaysia và Singapore là những quốc gia đầu tiên chuyển đổi hệ thống thanh toán thẻ sang chuẩn EMV từ năm 2005, tiếp sau đó là Thái Lan, Indonesia, Philipines và Việt Nam.

Ban đầu, thanh toán thẻ xuất hiện dưới hình thức là quẹt thẻ thanh toán, sau đó các hình thức thanh toán online, bao gồm cổng thanh toán và ví điện tử. Tiếp đó, các hình thức thanh toán trên nền tảng website được phát triển thêm như Alipay, Braintree, Paymentwall… Về thanh toán thông thường thì có các thiết bị chấp nhận thẻ (POS).

Từ năm 2010 trở lại đây, khách hàng có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để chi trả cho những giao dịch trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm… Các hình thức thanh toán tăng lên với tốc độ chóng mặt, ngoài Visa, Master Card, Paypal còn có các hình thức mới áp dụng công nghệ như QR Code, NFC và mPOS; Internet Banking và Mobile Web Payment.

Như vậy, dịch vụ ngân hàng điện tử đã và đang ngày càng thu hút nhiều khách hàng, doanh nghiệp sử dụng do tính tiện dụng, nhanh chóng, khả năng phục vụ mọi lúc, mọi nơi và ngày càng đa dạng.