Công cụ đắc lực chống tham nhũng hiệu quả

PV.

Nạn tham nhũng tồn tại trong hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Phòng chống rửa tiền (PCRT) đang và sẽ ngày càng trở thành công cụ quan trọng để chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đối với nước ta, tăng năng lực PCRT, nhất là tiền có nguồn gốc tham ô, tham nhũng càng cần phải gắn bó chặt chẽ với cuộc chiến chống tham nhũng, suy thoái và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng và bộ máy quản lý Nhà nước.

Nhận diện tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng

Tham nhũng là một vấn đề toàn cầu. Nạn tham nhũng tồn tại trong hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Tham nhũng đặc biệt trở nên phổ biến khi nền kinh tế đang ở giai đoạn ‘tăng trưởng nóng’ do các cơ chế kiểm soát và cơ sở hạ tầng không đáp ứng được những thay đổi của hoạt động kinh tế.

Theo Luật Phòng chống tham nhũng được Quốc hội nước ta thông qua ngày 29/11/2005, tham nhũng được hiểu là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Điều 1- Luật Phòng, chống tham nhũng – TLTK5). Theo định nghĩa gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tham nhũng là ‘lạm dụng quyền được giao để tư lợi” (IMF, 2005 – TLTK3). Như vậy, bản chất của tham nhũng là dùng các tài sản công, có thể là tài sản của Nhà nước hoặc tổ chức, để tư lợi cho cá nhân. Tham nhũng có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như việc hối lộ, gian lận, các khoản chi bất hợp pháp hoặc các hình thức rửa tiền. Tham nhũng có thể được thực hiện dưới hình thức cơ bản là sự trao đổi tiền, nhưng cũng có thể dưới những hình thức phức tạp hơn như sử dụng ảnh hưởng cá nhân để có được những lợi ích khác.

PCRT đang và sẽ ngày càng trở thành công cụ quan trọng để chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Các biện pháp chống rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng cần tiếp tục được thực hiện đồng bộ, kịp thời và nghiêm minh theo quy định của pháp luật, trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc PCRT để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngày 18/06/2012, Quốc hội nước ta đã ban hành Luật PCRT. Trong đó xác định rõ, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, việc lợi dụng các hoạt động kinh doanh, thương mại, ngân hàng để rửa tiền đã được một số đối tượng lợi dụng nhằm rửa tiền phạm tội mà có (như tiền nhận hối lộ, tham nhũng, tiền mua bán ma túy…). Để ngăn chặn hiện tượng này, Luật PCRT quy định:  PCRT là trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan nhà nước. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động PCRT; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia PCRT;  Ban hành chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong PCRT; Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCRT được Nhà nước khen thưởng (Điều 6 Luật PCRT năm 2012).

Cùng với công cụ quan trọng để kiểm soát hữu hiệu hoạt động rửa tiền là Luật PCRT, tiếp đó là hàng loạt các văn bản khác như: Nghị định 116/2013/NĐ-CP, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN… ra đời, nhằm hướng dẫn các biện pháp PCRT, các quy định mà các thể chế, định chế phải chấp hành để phục vụ công tác PCRT. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động quản lý tiền tệ, làm trong sạch hệ thống tiền tệ và các dòng tiền ở Việt Nam. 

Tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng cũng được nhận diện và truy tố, xét xử theo Bộ luật Hình sự. Theo khoản 1, Ðiều 324 về "Tội rửa tiền" Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), người bị cáo buộc tội rửa tiền khi có một trong các hành vi sau: "a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có".

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực nêu trên đã được ban hành, như các quy định về nêu gương; kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật đảng; kiểm soát tài sản của cán bộ; thẩm quyền và trách nhiệm của ủy ban kiểm tra đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng; về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử...

Trong bối cảnh hiện nay, tăng năng lực chống rửa tiền, nhất là tiền có nguồn gốc tham ô, tham nhũng càng cần phải gắn bó chặt chẽ với cuộc chiến chống tham nhũng, suy thoái và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng và bộ máy quản lý Nhà nước. Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhấn mạnh: “Về cơ chế, chính sách cần tăng cường hiệu quả công tác PCRT, chuyển mạnh từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt… Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng, giảm tài sản của cán bộ, đảng viên…”. Chống rửa tiền có nguồn gốc tham ô và tham nhũng là công cụ quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và tăng thu hồi tài sản tham nhũng; là hành động cụ thể hóa cam kết của Việt Nam về cuộc chiến chống rửa tiền quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chống tham nhũng phải gắn chặt với phòng, chống rửa tiền

Chống rửa tiền là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Trước vấn nạn rửa tiền xuyên quốc gia ngày càng tinh vi, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang phải đương đầu với tội phạm rửa tiền nên hoạt động PCRT ngày càng trở nên cấp bách.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm trên toàn thế giới đã mất khoảng 1.000 tỷ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng; đồng thời hàng nghìn tỷ USD có nguồn gốc phi pháp được "rửa" qua nhiều kênh. Chống rửa tiền trở thành mặt trận nóng bỏng, đòi hỏi sự vào cuộc của mọi quốc gia nhằm chống tội phạm tham nhũng trên phạm vi toàn cầu.

Từ tháng 5-2007, Việt Nam trở thành thành viên của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền của FATF. Năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo PCRT theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 13/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020, nhằm xây dựng cơ chế PCRT và tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong APG... Quá trình hoàn thiện pháp luật về PCRT ở Việt Nam thường xuyên được FATF và Nhóm Châu Á/Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) rà soát, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị phù hợp. Hàng loạt những điều chỉnh lớn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam thời gian qua đã thể hiện thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong việc đáp ứng những yêu cầu của các khuyến nghị.

Những nghiên cứu cho thấy, các cơ chế kiểm soát truyền thống được dỡ bỏ trong quá trình hội nhập cũng tạo ra cơ hội cho nhiều vấn đề tiềm ẩn phát sinh, trong đó phải kể đến nguy cơ đến từ các hoạt động rửa tiền. Bản thân hoạt động rửa tiền là một hành vi phạm pháp khó kiểm soát, do đó khi hoạt động này thâm nhập vào hệ thống tài chính với sự hiện diện của hệ thống các tổ chức tín dụng lại càng trở nên phức tạp cho các cơ quan quản lý để nhận diện và xử lý.

Thực tế cho thấy, công tác chống rửa tiền nguồn gốc tham nhũng rất phức tạp, khó khăn về chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng số giao dịch "đáng ngờ" trong năm 2012 là 51.000 tin (trong đó, NHNN đã chuyển sang Bộ Công an 160 vụ) với tổng số tiền giao dịch khả nghi hơn 50.900 tỷ đồng.Từ năm 2013 đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố hàng nghìn vụ án thuộc 73 tội danh "tiền thân" của tội rửa tiền theo Luật PCRT. Tuy nhiên, kết quả thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng còn nhiều hạn chế: trong 3 năm (2010 - 2013), tổng giá trị tài sản tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng gây ra trên cả nước là 17.000 tỷ đồng, song giá trị thu hồi chỉ được 5.000 tỷ đồng, đạt khoảng 29,4%. Năm 2014, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra của cả nước là 6.740 tỷ đồng, giá trị thu hồi là 1.500 tỷ đồng, đạt mức 22,3%. Ðiều này cho thấy chống rửa tiền đang và sẽ trở thành công cụ quan trọng để chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tăng năng lực chống rửa tiền, nhất là tiền có nguồn gốc tham ô, tham nhũng là biện pháp không thể tách rời với nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, của Ðảng, Nhà nước ta nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức lối sống những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Ðảng và bộ máy quản lý nhà nước. Các biện pháp chống rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng phải thực hiện đồng bộ, kịp thời và nghiêm minh theo quy định của pháp luật, trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế, thanh toán qua ngân hàng, hệ thống kê khai tài sản toàn diện và phải được giám sát chặt chẽ; bổ sung những quy định mới về nhận quà biếu có giá trị lớn; về nghĩa vụ chứng minh, quyền và căn cứ xác minh tài sản, thu nhập và xử lý tài sản không minh bạch, không rõ nguồn gốc; và tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; phát triển tình báo, thanh tra tài chính trong việc xác định, phong tỏa và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm nâng cao năng lực PCRT của các ngân hàng thương mại. Nhận diện và quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại có liên quan trong hoạt động rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng.

Hoạt động rửa tiền có quan hệ gắn bó chặt chẽ với các hành vi phạm pháp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, là một vấn đề được điều chỉnh bởi toàn bộ hệ thống pháp luật… Ngăn chặn được tội phạm rửa tiền đồng nghĩa với khả năng hạn chế được nhiều hành vi phạm pháp luật khác trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Tính hiệu quả của việc áp dụng pháp luật trong PCRT vì thế không chỉ dựa trên cơ sở của một bộ phận pháp luật đơn lẻ mà cần một cơ chế thống nhất