Hệ lụy của rửa tiền đối với nền kinh tế

Trang Anh

Kinh tế - xã hội càng phát triển cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện nhiều loại tội phạm tinh vi, nguy hiểm. Tội phạm rửa tiền là một trong những loại tội phạm đó. Hệ lụy từ tội phạm rửa tiền đối với nền kinh tế là rất nghiêm trọng và là vấn đề nhức nhối hiện nay của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giao dịch quốc tế ngày càng đa dạng cùng với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ thông tin, tội phạm rửa tiền trở nên ngày càng tinh vi và khó phát hiện để hô biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch”.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, tội phạm này có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia và gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế bằng những thủ đoạn tinh vi để hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm thành tiền và tài sản hợp pháp.

Thị trường tài chính – tiền tệ được nhận định có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công và gây bất ổn. Hoạt động rửa tiền sẽ gây ra sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm, từ đó dẫn đến những đột biến trong cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam khi quan hệ thương mại với nước ngoài phụ thuộc vào ngoại tệ. Nguy hiểm hơn, tình trạng này sẽ làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến việc điều hành kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn thậm chí là lệch lạc.

Hệ thống các tổ chức tài chính cũng gặp phải nguy cơ bị thao túng bởi các băng nhóm tội phạm. Theo đó, tội phạm rửa tiền sẽ gây bất ổn hệ thống tổ chức tài chính làm mất uy tín, giảm chất lượng đội ngũ nhân viên, gây mất cân bằng cơ cấu nợ và tài sản của các tổ chức tài chính, làm mất ổn định cho hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Không những thế, rửa tiền còn tác động tiêu cực đến định hướng đầu tư, tạo ra nhiều rủi ro. Tiền từ các hoạt động rửa tiền sẽ không được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ cho phát triển kinh tế, các lĩnh vực kinh doanh đem lại nhiều giá trị gia tăng, mà chỉ được đầu tư vào các tài sản mang tính chất che đậy như góp vốn vào các công ty bình phong hoặc mua các loại hàng hóa xa xỉ… Các hoạt động này làm suy giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, gây mất lòng tin đối với thị trường.

Từ những hệ lụy có thể gặp phải, công tác phòng, chống rửa tiền là vấn đề được đặt ra hàng đầu hiện nay. Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác này, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về phòng, chống rửa tiển.

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật hình sự về tội rửa tiền. Trong đó, Nghị quyết đã quy định cụ thể về tội phạm nguồn. Theo đó, Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền như: Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội mua bán người; Tội mua bán người dưới 16 tuổi; Tội cướp tài sản; Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội khủng bố; Tội đánh bạc; Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...

Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng thời, cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm.

Theo Nghị định, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.

Nghị quyết cũng quy định chi tiết về một số tình tiết định tội và một số tình tiết định khung hình phạt. Nghị quyết được ban hành đã đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, minh bạch tài sản, thu nhập; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Việt Nam trong công tác chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.