Ngăn chặn hoạt động rửa tiền tại Việt Nam: Cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

PV.

Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc các tài sản do phạm tội mà có. Thông qua hành vi rửa tiền, các khoản tiền hoặc tài sản có nguồn gốc từ hành vi vi phạm pháp luật được che giấu nguồn gốc và “biến hóa” thành tiền sạch hay tài sản hợp pháp. Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cộng thêm đặc thù giao dịch tài chính ở nước chủ yếu là tiền mặt và xu hướng công nghệ phát triển như vũ bão, Việt Nam dễ trở thành miền đất hứa cho tội phạm rửa tiền hoạt động.

“Nhận diện” các hình thức rửa tiền tinh vi hiện nay

Thông thường, hoạt động rửa tiền thường núp bóng dưới hình thức đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có. Tiền từ các hoạt động rửa tiền sẽ không được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế, các lĩnh vực kinh doanh đem lại nhiều giá trị gia tăng và tỷ suất sinh lời cao, mà chỉ được đầu tư vào các tài sản mang tính chất che đậy như góp vốn vào các công ty bình phong hoặc mua các loại hàng hóa xa xỉ. Kinh nghiệm trong nước và quốc tế cho thấy, hiện nay các hình thức rửa tiền rất đa dạng và tinh vi, cụ thể:

Thứ nhất, tiền bẩn có thể được tẩy rửa và sử dụng ngay trong nước mà không cần chuyển vòng vèo ra nước ngoài. Thông thường, đây là quá trình mà số tiền bất hợp pháp được hình thành, được tẩy rửa như được tái đầu tư qua hệ thống tài chính…

Thứ hai, tiền bẩn được hình thành trong nước, sau đó được chuyển ra nước ngoài để tẩy rửa trong hệ thống tài chính khác và cuối cùng đem trở lại lưu thông trên thị trường trong nước. Hoạt động rửa tiền có thể thực hiện bằng cách sử dụng thông qua đánh bạc trực tuyến, qua xổ số và cá cược hợp pháp, qua đầu tư chứng khoán…

Thứ ba, tiền bẩn được hình thành ở nước ngoài, được tẩy rửa ở nước đó, hay nước khác và cuối cùng được đầu tư cho các nước đang phát triển.

Với thủ đoạn tinh vi như vậy, cơ quan chức năng đang ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc xác định nguồn tiền, tài sản của các đối tượng phạm tội được “rửa” để thu hồi. Điều đáng lo là hiện nay, các phương thức rửa tiền sẽ ngày càng trở nên kín kẽ, phức tạp hơn với sự xuất hiện của các loại tiền ảo, các hình thức game đánh bạc trực tuyến…, càng khiến cho hoạt động rửa tiền càng trở nên khó kiểm soát, trong khi các quy định của pháp luật thường không thể theo kịp được với những thay đổi thực tiễn. Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc sử dụng đồng tiền bitcoin để giao dịch, đặc biệt là những giao dịch lớn, trong đó không loại trừ khả năng có những giao dịch bất hợp pháp thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi không một ai có thể kiểm soát được đồng tiền đi đâu, giá trị hàng hóa trao đổi như thế nào, chính vì vậy nó sẽ tăng nguy cơ lợi dụng lỗ hổng để vi phạm, "trong đó không loại trừ khả năng rửa tiền, tài trợ khủng bố".

Đồng bộ nhiều giải pháp

Với sự ra đời của Luật Phòng chống rửa tiền 2013, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các quy định về thuế, kiểm soát tài sản phục vụ công tác phòng chống rửa tiền, Việt Nam có khá đầy đủ khuôn khổ pháp lý trong cuộc chiến cam go này. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vẫn cần tiếp tục hoạt thiện các quy định trước bối cảnh nền kinh tế số, công nghệ số; Đề xuất tiếp tục tăng các chế tài xử phạt nhằm tạo sức răn đe...

Ngoài ra, để hoạt động chống rửa tiền đạt được hiệu quả cao hơn, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các bên liên quan cũng như khuyến khích việc tố giác, tố cáo và cung cấp thông tin từ quần chúng nhân dân. Trong cuộc chiến này, vai trò của các tổ chức tài chính, tín dụng cần “đậm nét” hơn nữa nhằm nâng cao khả năng phát hiện, giám sát các giao dịch nghi ngờ, các giao dịch bất thường, không rõ nguồn gốc để báo cáo với các cơ quan liên quan…

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng cần chủ động, tích cực hơn trong hoạt động phối hợp cung cấp thông tin và tổ chức triển khai các giải pháp, tránh những trường hợp như vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ với các tội danh như rửa tiền, tổ chức đánh bạc... mà phải mất một thời gian dài mới bị phát hiện. Ngoài ra, cần chú trọng nâng cao trình độ năng lực, kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho cán bộ làm công tác chuyên trách không chỉ trong ngành Công an mà cả ngành Ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử… qua đó có thể công khai và kiểm soát được các giao dịch đáng ngờ, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống rửa tiền.