Phòng, chống rửa tiền: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thanh Vân

Chống rửa tiền có nguồn gốc tham ô và tham nhũng là một biện pháp quan trọng để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống rửa tiền là góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả toàn diện của cuộc phòng, chống tham ô và tham nhũng ở Việt Nam.

Trên thực tế, tham ô và tham nhũng thường được biểu hiện qua hành vi nhận tiền hối lộ, quà tặng có giá trị; đồng thời thông qua các thủ đoạn như mua bất động sản, tài sản, chuyển cho người thân, đầu tư kinh doanh, lập doanh nghiệp, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp hoặc chuyển trái phép ra nước ngoài… để biến đổi các khoản thu nhập nguồn gốc phi pháp thành "tiền sạch".

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm trên toàn thế giới đã mất khoảng 1.000 tỷ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng; đồng thời hàng nghìn tỷ USD có nguồn gốc phi pháp được "rửa" qua nhiều kênh. Tại Việt Nam, tình trangjtham nhũng cũng là vấn đề nhức nhối và theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng rửa tiền từ tham nhũng cũng đang có những diễn biến phức tạp.

Hành lang pháp lý về phòng chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền tại Việt Nam đã được hoàn thiện và được quy định cụ thể tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Phòng, chống rửa tiền cũng như các văn bản pháp quy dưới luật. Tuy nhiên, thực tế xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua cho thấy, cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác định nguồn tiền, tài sản của các đối tượng phạm tội được “rửa”, chuyển hóa như thế nào; được chuyển cho ai, bằng cách nào để có hình thức phong tỏa tài sản phù hợp nhằm thu hồi.

Theo báo cáo Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, một trong những điểm đáng lưu ý là công tác thu hồi tài sản tham nhũng rất khó khăn và kết quả thu hồi là rất nhỏ bé so với khối tài sản các đối tượng tham nhũng. Cụ thể, trong những năm qua chỉ thu hồi được 7,82% số tiền và 54,75% về đất so với hàng trăm ngàn tỷ đồng cho Nhà nước bị thất thoát, tham nhũng.

Đánh giá của Bộ Công an về những hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực là: Nghoài việc gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước, tình trạng tham nhũng còn làm nảy sinh nguy cơ gây mất ổn định hệ thống tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế quốc gia. Đặc biệt, các nguồn tiền tham nhũng này đã được “rửa sạch” qua nhiều kênh đầu tư.

Cùng với việc rửa tiền trong nước thì tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài để rửa cũng là vấn đề nóng trong những năm gần đây khi ngày càng tăng dần về lượng và thủ đoạn cũng tinh vi hơn. Thông tin do Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NRA) công bố cuối năm 2017 cho biết, người Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước hàng đầu có công dân mua nhà ở Mỹ; Thống kê cũng cho thấy, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt Nam đã chi khoảng 3,06 tỷ USD để mua bất động sản ở nước ngoài, chủ yếu tại Mỹ. Ngoài ra, còn rất nhiều cách chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các hình thức đầu tư trá hình để được cấp thẻ xanh; chuyển tiền thông qua nhập khẩu thiết bị y tế, phần mềm....

Cũng với hình thức rửa tiền qua đầu tư bất động sản trên, tình trạng rửa tiền qua đầu tư, giao dịch tiền ảo cũng là kênh được các đối tượng nhắm đến, Theo thống kê cho biết, trên một số sàn giao dịch BTC lớn nhất trên thế giới, lượng truy cập từ Việt Nam luôn nằm trong top 5 và có lượng truy cập tăng nhanh theo thời gian.

Tiền ảo sẽ là phương thức rửa tiền mới, an toàn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn khi chảy máu ngoại tệ với số lượng lớn và rất khó để ngăn chặn... đối với Việt Nam.

Mặc dù, Luật phòng chống rửa tiền 2013 và Điều 324 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Rửa tiền” cũng như các quy định về thuế, kiểm soát tài sản phục vụ công tác phòng chống rửa tiền đã có những quy định cụ thể. Tuy nhiên, dường như còn chưa đủ mạnh để khắc chế được các hành vi phạm pháp và tổ chức triển khai thực hiện chưa nghiêm.

Đơn cử như yêu cầu cá nhân, tổ chức có sự giải thích, chứng minh hợp lý về nguồn gốc tài sản của mình vẫn còn chưa nghiêm túc, chưa triệt để và công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện này vẫn còn bỏ ngỏ.

Một ví dụ nữa có thể minh chứng cụ thể hơn cho tình trạng này là Chính phủ đã có đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%. Đây là chủ trương rất đúng và có tầm nhìn dài hạn trong bối cảnh công nghệ phát triển và diễn biến tham nhũng, rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp. Thực tế cho thấy, mục tiêu này còn chưa thực sự khả thi, việc kiểm soát dòng tiền hiện nay rất khó khăn, nguy cơ rửa tiền còn rất cao.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phẩn, bất kể cá nhân nào cũng có thể dễ dàng đem gửi những khoản tiền mặt số lượng lớn lớn vào ngân hàng mà không bị bắt buộc yêu cầu chứng minh nguồn gốc và tính hợp pháp của số tiền. Thậm chí, gửi tiền càng lớn, ngân hàng càng phục vụ tốt các yêu cầu của người gửi. Điều này, tưởng đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đối tượng rửa tiền biến thành kênh rửa những đồng tiền bất chính an toàn.

Đánh giá về tình trạng rửa tiền đang ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân là các cơ quan chức năng chưa thực sự coi công tác phòng chống rửa tiền là nhiệm vụ chính trị để quyết liệt, quyết tâm thực hiện. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai thực hiện phòng, chống rửa tiền chưa được chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả.

Để chủ động và bảo đảm hiệu quả, hiện nay Bộ Công an đã và đang nghiên cứu, thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu về tiền giả và rửa tiền nhằm chủ động phục vụ kịp thời các yêu cầu công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cần phải nâng cao trình độ năng lực, kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho cán bộ làm công tác chuyên trách; sự phối hợp của Bộ Công an với các cơ quan có liên quan. Đặc biệt, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rõ được tác hại của rửa tiền và cùng với các cơ các quan hữu quan tham gia vào “cuộc chiến” phòng chống tham nhũng và phòng chống rửa tiền. Chỉ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì công tác phòng chống rửa tiền mới phát huy hiệu quả.