Thêm biện pháp khuyến khích người dân thanh toán không sử dụng tiền mặt

Kim Hà

Hiện tại, số người sử dụng dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động ở các cửa hàng tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn bất cứ nước nào ở khu vực châu Á. Các phương thức thanh toán hiện đại đang dần đi sâu vào cuộc sống, lan tỏa tới tận vùng sâu, vùng xa, góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân.

Đến 2025, tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán xuống 8%

Việc sử dụng phổ biến tiền mặt trong các giao dịch kinh tế rất dễ tạo môi trường phát sinh kinh tế ngầm; rửa tiền, tài trợ khủng bố và trốn thuế… Nhằm để hạn chế tình trạng trên, Chính phủ Việt Nam đã và đang  nỗ lực trong đề ra các giải pháp, hướng tới nền kinh tế không tiền mặt. Chính phủ Việt Nam đã ban hành văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đưa ra các biện pháp mới nhằm khuyến khích người dân thanh toán không sử dụng tiền mặt (TTKDTM).

Triển khai chủ trương trên, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu, đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và xuống 8% vào cuối năm 2025. Cùng với đó, yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code.

NHNN cũng phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích TTKDTM đối với các giao dịch về bất động sản. Cùng với đó, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 222/2013/NĐ - CP về TTKDTM trong quý IV/2019.

Bộ Tài chính cũng đang nỗ lực điện tử hoá trong quản lý thuế. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ – CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, với mục đích công khai minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường giám sát của cơ quan chức năng.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công

Ngày 20/8/2019, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản số 6422/NHNN-TT yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số công việc để đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công.

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành trên địa bàn để triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công theo Quyết định số 241/QĐ-TTg của Chính phủ và Quyết định số 923/QĐ- NHNNcủa Thống đốc NHNN với ưu tiên trong thời gian tới cho lĩnh vực y tế, giáo dục.  

Cụ thể, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn tham mưu, đề xuất xây dựng và ban hành kế hoạch hành động của UBND tỉnh, thành phố về triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP và Quyết định số 241/QĐ-TTg của Chính phủ; kế hoạch hành động cần gắn với những giải pháp, mục tiêu cụ thể và yêu cầu về thời hạn hoàn thành cũng như đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm triển khai.

Ngoài ra, kiến nghị UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn (cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan bảo hiểm xã hội, công ty nước sạch, điện lực, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính,..) xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng có khả năng kết nối với phần mềm ứng dụng của các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tổ chức, cá nhân sử dụng phương thức TTKDTM đối với dịch vụ công.

Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đề xuất giải pháp với UBND tỉnh, thành phố và phối hợp với các sở, ban ngành và tổ chức cung ứng dịch vụ công trên địa bàn áp dụng các phương án triển khai TTKDTM đối với dịch vụ công, như trường học, bệnh viện và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thông báo số tài khoản của đơn vị mình mở tại ngân hàng để tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán dịch vụ công bằng các dịch vụ thanh toán mà ngân hàng đang cung ứng (chuyển tiền qua mobile, thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử...).

Văn bản cũng nêu rõ, các trường học, bệnh viện và đơn vị cung ứng dịch vụ công lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR để cho phép phụ huynh, học sinh, người bệnh, người dân,.. sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán (tương tự như việc thanh toán tiền mua hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị).

Đồng thời, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép ghi nhận thông tin cần thanh toán (số tiền, mã hồ sơ/khách hàng,..) để người sử dụng truy cập các ứng dụng trên internet, mobile và thực hiện trả tiền thông qua các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng tương tự như việc thanh toán hóa đơn tiền điện, cước viễn thông... hiện nay.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiên cứu, áp dụng chính sách phí dịch vụ thanh toán hợp lý và triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến mại.

Chẳng hạn như: miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng, các cơ sở y tế, giáo dục, đơn vị cung ứng dịch vụ công trong thời gian đầu triển khai; áp dụng các chương trình tặng quà, tích điểm, hoàn tiền, tham gia quay số trúng thưởng... cho những khách hàng đăng ký, sử dụng dịch vụ TTKDTM... Từ đó, để khuyến khích các đơn vị cung ứng dịch vụ công và khách hàng ưu tiên lựa chọn sử dụng dịch vụ TTKDTM khi thực hiện thanh toán dịch vụ công.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn xây dựng các chương trình truyền thông về đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công, tập trung trước hết cho lĩnh vực y tế, giáo dục.

Mặt khác, thường xuyên cập nhật, nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật, cơ chế chính sách và các văn bản chỉ đạo của NHNN về hoạt động thanh toán để tổ chức triển khai. Thực hiện kiểm tra, chủ động theo dõi nắm bắt tình hình thực hiện đối với hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán đối với dịch vụ công trên địa bàn và báo cáo NHNN về những khó khăn, vướng mắc phát sinh để theo dõi, tổng hợp và phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xử lý.