Việt Nam mới tái chế được 10-35% phụ phẩm nông nghiệp thải ra
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, mỗi năm Việt Nam thải ra hơn 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp bao gồm rơm rạ, vỏ trấu, chất thải chăn nuôi... Song, một lượng phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái chế bị thải ra môi trường gây ô nhiễm do tỷ lệ tái chế, tái sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp mới chỉ đạt từ 10% - 35%.

Nông nghiệp là ngành đứng thứ 2 sau ngành năng lượng có lượng phát thải khí CO2e. Năm 2022, đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho thấy, nông nghiệp Việt Nam thải hơn 104 triệu tấn CO2e, chiếm khoảng 18% tổng khí nhà kính cả nước.
Để giảm rác thải phụ phẩm nông nghiệp, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong các lĩnh vực thế mạnh sản xuất như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi lên 70% vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, phụ phẩm nông nghiệp có giá trị sử dụng. Việc đẩy mạnh gia tăng tái chế phụ phẩm nông nghiệp không chỉ tăng giá trị sản phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp sạch, xanh.
Theo đó, rơm rạ có thể làm thức ăn cho gia súc, phân compost hoặc viên nén sinh khối; Trấu để sản xuất than hoạt tính, vật liệu cách nhiệt, hoặc phân viên; Xử lý nước gạo, nước thải trong chế biến thành dinh dưỡng nuôi cá, men vi sinh cho nông nghiệp sạch; cám gạo có thể làm nguyên liệu đầu vào cho mỹ phẩm...
Thực hiện gia tăng tỷ lệ tái chế phụ phẩm nông nghiệp thải ra, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang đấy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật hiện đại cho doanh nghiệp và hợp tác xã trong hoạt động thu gom, xử lý, tái tạo phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp.