Việt Nam tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu trái cây có lợi thế cạnh tranh

Trang Nguyễn

Nhóm cây ăn quả của Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò động lực trong tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước.

Sản lượng chanh dây Việt Nam đạt 163.000 tấn/năm.
Sản lượng chanh dây Việt Nam đạt 163.000 tấn/năm.

Việt Nam hiện có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm; hơn 50 loại cây ăn quả phân bố khắp các vùng miền.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong các loại cây ăn quá có 4 loại trái cây: chanh dây, chuối, dứa, dừa hội tụ nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu.

Cụ thể, năm 2024, cây chuối có diện tích 161.000ha, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 380 triệu USD. Sản phẩm chuối Việt Nam có mặt tại các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Năm 2024, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu chuối lớn thứ 9 thế giới.

Cây dứa có diện tích hơn 52,5 nghìn ha, dự kiến sản lượng đạt 807.000 tấn vào năm 2026. Các sản phẩm từ dứa đã xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia…

Chanh dây Việt Nam có sản lượng đạt 163.000 tấn/năm, chủ yếu sản xuất tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Việt Nam top 10 quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn trên thế giới.

Cây dừa Việt Nam có diện tích hơn 202 nghìn ha canh tác, sản lượng hằng năm đạt hơn 2,28 triệu tấn. Việt Nam đang đứng thứ 4 về xuất khẩu dừa tại châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 thế giới. Năm 2024, dừa và các sản phẩm từ dừa xuất khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD (trong đó, dừa tươi đạt 391 triệu USD). Dừa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Hàn Quốc… và liên tục được mở rộng thị trường.

Bên cạnh tiềm năng, lợi thế, ngành trái cây Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu như kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...

Theo các chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững ngành hàng trái cây chủ lực, các cơ quan quản lý nhà nước cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng; tăng cường quản lý giống; cần cập nhật, quản lý chặt chẽ quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ các thị trường lớn; xây dựng vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến và thương hiệu cho trái cây Việt.