Có một bệnh viện như thế

Theo Quân đội Nhân dân

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của ta, địch cho xây dựng tuyến phòng thủ từ Cửa Việt theo Đường 9 lên Nam Lào, ý đồ nhằm cắt đứt đường tiếp tế và chi viện từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam. Dự đoán trước tình hình chiến sự khốc liệt giữa ta và địch ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào sẽ diễn ra, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần đã giao cho Cục Quân y khẩn trương thành lập Viện Quân y 112 mà tiền thân là Đội Điều trị 83 Tây Trị Thiên và Đội Điều trị 51 ở B5-T8 khu vực Khe Sanh cùng một số cán bộ của Đội Điều trị 20, Đoàn 503.

 Có một bệnh viện như thế
Đại tá Phạm Khuể (ngồi giữa) cùng Ban liên lạc Bệnh viện 112
Viện đóng quân trên 7 thôn thuộc địa bàn 5 xã của hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình), nơi mưa bom, bão đạn do địch đánh phá hằng ngày. Đã vậy thiên nhiên lại khắc nghiệt, mùa mưa thì lụt lội, mùa khô thì thiếu nước, anh chị em đã phải đi vài cây số lấy nước từ đập Cẩm Li về để phục vụ sinh hoạt cho thương bệnh binh.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng khốc liệt, số lượng thương bệnh binh từ các chiến trường B4, B5, mặt trận Đường 9-Nam Lào và nhân dân trong khu vực phụ cận chuyển về ngày càng tăng. Đại tá Nguyễn Bá Đạt, Viện phó Y vụ lúc đó bồi hồi kể lại: “Trung bình thu dung tại viện 1.500 thương bệnh binh/ngày, chỉ tính riêng năm 1972 số thương bệnh binh trung bình 2.700 người/ngày, có ngày lên tới 4.300 người. Có những ngày Viện nhận 400 ca nặng nằm bất động tại giường mới chỉ được sơ cứu từ tuyến trước. Không những vậy, hàng nghìn người dân địa phương và vùng lân cận bị thương cũng được chuyển đến… Đó là chưa kể những lần Viện bị địch ném bom, bắn pháo làm kho tàng, nhà cửa bị thiêu cháy, nhiều cán bộ, y sĩ, y tá, nhân viên, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong lúc dập lửa cứu kho, cứu thương bệnh binh”.

Trong điều kiện như vậy, cán bộ, chiến sĩ Viện Quân y 112 đẩy mạnh phong trào thi đua “Bốn giỏi” (chữa bệnh giỏi, xây dựng giỏi, vận tải giỏi và văn nghệ giỏi), đề ra phương án vừa phục vụ tốt thương bệnh binh, xây dựng, nâng cao trình độ bằng cách coi trọng phát huy sáng kiến, chỉ dạy lẫn nhau, tự lực giải quyết những vết thương, bệnh tật khó.

Nhiều sáng kiến khoa học được áp dụng như cấy “vi sinh” vào vết thương rồi mới điều trị kháng sinh; dùng xe đạp để tạo dòng điện đi-na-mô để mổ trong lúc không có điện; việc điều chế huyết thanh, thuốc giảm đau, thuốc bổ, tái sử dụng dây truyền thuốc; chưng cất rượu thành cồn 70 độ, nấu cao từ lá, cây, quả như cây mộc quả, sim, mua, ổi để rửa vết thương…

Ngoài ra, Viện còn tổ chức các khóa học tiếng Anh ngắn ngày và tập huấn kỹ thuật tại chỗ cho hàng trăm y sĩ, y tá, hộ lý chuyên khoa để luôn kịp thời có nguồn lực phục vụ thương bệnh binh và nhân dân. Anh chị em Viện còn có sáng kiến đổ cát vào thùng xe, trải ni-lông để chở được nhiều thương bệnh binh hơn chở cáng trong điều kiện dưới sông thì ngư lôi, trên trời thì pháo sáng, bom đạn từ máy bay địch và pháo bầy từ biển bắn vào.

Đại tá Phạm Khuể, nguyên Phó chính ủy bệnh viện nhớ lại: Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, thương bệnh binh từ các chiến trường dồn dập chuyển về, cán bộ, chiến sĩ và nhân viên của Viện đã gồng mình lên, mỗi người làm việc gấp 5-6 lần. Trung bình một y tá phục vụ ăn uống, tắm giặt cho 40 thương bệnh binh. Đội văn nghệ của Viện đem lời ca tiếng đàn băng qua nhiều đồi dốc để phục vụ thương bệnh binh, kỷ lục có y sĩ đã hát 35 lần trong một ngày.

Nhiều trung đội, dân công và bà con đã đến giúp đỡ Viện, xây dựng một hệ thống giao thông hào dày đặc và hàng trăm hầm kèo với diện tích trên 500m2 làm phòng mổ, hồi sức cấp cứu, hậu phẫu và các phòng kỹ thuật nằm sâu dưới lòng đất từ 2-4m. Không có tre gỗ làm hầm, huyện Lệ Thủy đã cho 2 xã An Thủy, Xuân Thủy chặt những cây phi lao hai bờ sông Kiến Giang rồi trưng dụng hàng trăm thuyền, xe kéo trong các xã để giúp vận chuyển lương thực, thực phẩm, thương bệnh binh đi các tuyến được nhanh chóng và kịp thời.

Huyện Quảng Ninh còn cho dỡ kho muối Vạn Ninh để lấy gỗ làm hầm. Không những vậy, hai huyện còn tuyển dụng, bổ sung thêm quân số cho viện để đào tạo nhân viên quân y tại chỗ. Các mạ, các chị, anh chị em thanh niên, phụ nữ đã chăm sóc cơm nước, giặt giũ quần áo, nhường nhà, nhường hầm cho thương bệnh binh.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, do yêu cầu nhiệm vụ Viện 112 giải thể, cán bộ, chiến sĩ của Viện lại lên đường đến những đơn vị quân y khác nhau trên mọi miền Tổ quốc, hoặc theo những cánh quân tiếp quản những cơ sở mới. Với những chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 20/1/2011, Chủ tịch nước Cộng hóa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho tập thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Viện quân y 112.