4 điểm nhấn kinh tế thế giới tuần từ 28/11-02/12/2016

PV.

Lạm phát Eurozone được dự báo tăng kỷ lục trong 31 tháng, kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi, niềm tin tiêu dùng tại Anh giảm thấp nhất trong 4 tháng, OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ... là những điểm nhấn kinh tế quốc tế tuần qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi

Lợi nhuận của ngành công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 10/2016 tăng 9,8% lên 616,1 tỷ NDT (tương đương 89,1 tỷ USD), cao hơn mức tăng 7,7% trong tháng 9/2016, do doanh số bán và giá sản phẩm đều tăng, cho thấy nền kinh tế nước này tiếp tục phục hồi. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận ngành công nghiệp Trung Quốc tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn so với mức tăng 8,4% trong 9 tháng. Trong đó lợi nhuận của ngành khai thác than và chế tạo Trung Quốc tăng lần lượt 112,9% và 12,3%.

Niềm tin tiêu dùng tại Anh giảm thấp nhất trong 4 tháng

Trong tháng 11/2016, niềm tin tiêu dùng tại Anh giảm mạnh xuống -8, mức thấp nhất từ tháng 7/2016, từ mức -3 của tháng 10, do những quan ngại về sự bất ổn của nền kinh tế nước này; chỉ số đo lường sức mua hàng lớn giảm từ 14 điểm của tháng 10 xuống 5 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016.

OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ

Ngày 30/11, lần đầu tiên sau 8 năm, các nước OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ sau quá trình thương lượng được đánh giá là đầy khó khăn diễn ra tại Vienna, Áo. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, các nước OPEC sẽ giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày từ mức chính thức 33,6 triệu thùng/ngày hiện nay. Kết quả trên đã đạt được sau khi Saudi Arabia đồng ý thực hiện mức cắt giảm lớn nhất.

Lạm phát Eurozone được dự báo tăng kỷ lục trong 31 tháng

Ngày 30/11, Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố dự báo tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 11/2016 là 0,6% - mức kỷ lục trong 31 tháng qua. Yếu tố góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát của khu vực này tăng cao là do giá cả ngành dịch vụ tăng mạnh với mức tăng 1,1%, tiếp theo là sự tăng giá của thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá với mức tăng 0,7%. Trong khi đó, giá năng lượng ghi nhận mức giảm 1,1%.