Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

Minh Thư

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thị trường các-bon là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Thị trường các-bon là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước
Thị trường các-bon là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước

Biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ này so với nhiệt độ trung bình toàn cầu thời kỳ tiền công nghiệp.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ, thị trường các-bon như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Để quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ô-dôn, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường các-bon.

Nghị định quy định đối tượng tham gia, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước; xác nhận tín chỉ các-bon được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước; trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch thị trường các-bon trong nước; hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; trách nhiệm của các cơ quan trong việc phát triển thị trường các-bon.

Cụ thể, đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước gồm các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon.

Lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước, gồm 02 giai đoạn:

Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon, thị trường các-bon trong nước theo quy định. Để có thể trao đổi trên sàn giao dịch, hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon cần phải được xác nhận.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn, bao gồm: Lượng tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này.

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính quy định tại khoản 2 Điều 12 được giao dịch trên sàn. 01 đơn vị hạn ngạch phát thải khí nhà kính bằng 01 tấn CO2 tương đương.

Tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được phép chuyển đổi thành đơn vị bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên sàn giao dịch. 01 tín chỉ các-bon bằng 01 tấn CO2 tương đương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Về trách nhiệm phát triển thị trường các-bon trong nước, theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tổ chức vận hành thí điểm và vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon phục vụ quản lý và theo dõi, giám sát thị trường các-bon; quy định các hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới; quy định thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; xây dựng tài liệu tuyên truyền, thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực cho các đối tượng tham gia thị trường các-bon.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính thực hiện quy định và các hoạt động thúc đẩy việc phát triển thị trường các-bon; tổ chức phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của cộng đồng về thị trường các-bon.