Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài


Ngày 14/10, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn nước ngoài của các địa phương 09 tháng đầu năm 2020. Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn nước ngoài
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn nước ngoài

Tham dự hội nghị về phía Bộ Tài chính có lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, Vụ Đầu tư, Vụ Hành chính sự nghiệp, Vụ Ngân sách nhà nước và các đơn vị trực thuộc Bộ, về phía khách mời có Đại diện Bộ Kế hoạc và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, về phía địa phương, tại các điểm cầu có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Thông báo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 9 tháng đầu năm 2020, ông Trương Hùng Long cho biết, tốc độ giải ngân vốn vay và cấp phát của 9 tháng đầu năm đã tăng 30,4% so với 22% của 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vẫn còn trong tình trạng chưa khả quan.

Đặc biệt, tình trạng trả lại vốn tiếp tục tăng, cụ thể, trong 8 tháng đầu năm các địa phương trả lại vốn vay khoảng 4.700 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên khoảng 5.500 tỷ đồng; Tiến độ giải ngân đã có tiến triển, tuy nhiên, khối lượng công việc đã hoàn thành để chuyển hồ sơ cho Kho bạc Nhà nước là khá thấp, trong khi tình trạng điều chỉnh dự án còn nhiều.

Bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại báo cáo tại hội nghị
Bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại báo cáo tại hội nghị

Tại hội nghị, bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thông báo về nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương tính đến ngày 30/9/2020, số giải ngân (bao gồm cả số giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước), đạt tỷ lệ 29% so với dự toán được giao. Trong đó, số giải ngân trong tháng 9/2020 tăng thêm 8% so với tỷ lệ giải ngân tính đến 31/8/2020.

Đối với nguồn vốn trung ương cho vay lại cho địa phương, bà Thảo cho biết hiện 60/62 địa phương được giao dự toán vốn vay nước ngoài đã nhập và phân bổ trên 50% dự toán được giao trên Tabmis, trong đó 43/62 địa phương đã nhập Tabmis 100%, tăng so với thời điểm ngày 31/8/2020 là 18 địa phương... 

Về giải ngân dự toán vốn đầu tư công năm 2019 kéo dài, theo kế hoạch vốn 2019, phần được chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện đến 31/12/2020 của các địa phương đạt 71,6% so với dự toán 2019 được chuyển nguồn (bao gồm cả số vốn giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước).

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng đưa ra một số kiến nghị về giải pháp thúc đẩy giải ngân, cụ thể: Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các Ban quản lý dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản đặc biệt này.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ trao đổi với các đối tác tiếp tục tạo thuận lợi cho phương thức thanh toán trực tiếp; Xử lý nhanh các đơn rút vốn đủ điều kiện thanh toán của các dự án; Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để ký hợp đồng cho vay lại; Góp ý về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư của các dự án.