Cục quản lý Công sản: Phát huy tốt vai trò quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công

Hải Đỗ

Những năm qua, hầu hết các cơ chế, chính sách do Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành đều xoay quanh mục tiêu“tiết kiệm, hiệu quả và khai thác nguồn lực”. Các chính sách nói trên đã góp phần tăng hiệu quả đầu tư cho xã hội cũng như sự bền vững của cơ cấu tài chính nhà nước.

Cục Quản lý Công sản kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua do Chính phủ trao tặng ( tháng 4/2015)
Cục Quản lý Công sản kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua do Chính phủ trao tặng ( tháng 4/2015)

Tài sản công là nguồn lực nội sinh của đất nước, là yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất và quản lý xã hội, là nguồn lực tài chính tiềm năng cho đầu tư phát triển, phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Tài sản công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân”.

Trong những năm qua, cơ chế quản lý tài sản công đã được quan tâm xây dựng và chỉnh đốn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác nguồn nội lực to lớn này, đặc biệt là giai đoạn phát triển mới của đất nước. Từ thực tế đó, nhiệm vụ quản lý tài sản công đã được xác định và đặt vào vị trí quan trọng.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng thì việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công chính là bước đột phá quan trọng. Nguồn lực từ tài sản công được khai thông sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và điều hành kinh tế vĩ mô. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công được triển khai thực hiện với những tài sản có khối lượng và giá trị lớn: nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; kết cấu hạ tầng giao thông; đất đai và tài nguyên thiên nhiên; tài sản tịch thu và tài sản xác lập sở hữu nhà nước… Hầu hết các cơ chế, chính sách do Cục Quản lý Công sản tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong giai đoạn này đều xoay quanh “tiết kiệm, hiệu quả và khai thác nguồn lực”. Cụ thể:

Chính sách đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Nghị định số 14/1998/NĐ-CP nói riêng và của công tác quản lý công sản nói chung ở giai đoạn trước, Cục Quản lý Công sản đã chủ trì, trình Bộ báo cáo Chính phủ xây dựng và báo cáo Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, cũng như tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 để thực hiện Luật. Điểm đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quan trọng nhất được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đó là thực hiện cơ chế giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính như đối với doanh nghiệp, và đơn vị sẽ có quyền được sử dụng tài sản để cho thuê, liên doanh, liên kết, góp vốn, kể cả giá trị quyền sử dụng đất; bảo toàn, phát triển vốn và tài sản nhà nước được giao quản lý, sử dụng.

Với quy định này, hiệu quả của công tác quản lý tài sản nhà nước đã được phát huy và còn góp phần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước (NSNN), nâng cao chất lượng dịch vụ công. Ngoài ra, khi bán, chuyển nhượng tài sản nhà nước phải tuân theo nguyên tắc thị trường và cơ bản thực hiện theo hình thức đấu giá. Đồng thời, để tiết kiệm chi cho NSNN, Cục Quản lý Công sản đã báo cáo và hướng dẫn thực hiện thí điểm mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau gần 7 năm triển khai thí điểm tại 33 bộ, ngành, địa phương, việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung đã chứng tỏ rõ những hiệu quả quan trọng và cho thấy đây là một hướng đi đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trong 5 năm, chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm của các bộ, ngành, địa phương tham gia thí điểm là hơn 467 tỷ đồng. Hiệu quả này không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chỗ chất lượng đầu vào tốt, giá mua thống nhất, tương đồng về kỹ thuật. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng thì số tiền chênh lệch và hiệu quả mua sắm công sẽ lớn hơn rất nhiều.

Chính sách sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước do Cục Quản lý Công sản quản lý, riêng đối với đất đai do các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng khoảng 1,5 tỷ m2 đất với tổng giá trị gần 594 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng giá trị tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất có diện tích lớn. Phần lớn nhà, đất do các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước đang quản lý sử dụng nằm tại các vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, tình trạng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích còn diễn ra.

Trên cơ sở kết quả đạt được khi thực hiện thí điểm tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ, việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được Cục Quản lý Công sản xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Đến hết tháng 10/2014, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 153.279 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích khoảng 2.970,5 triệu m2 đất và 136 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.894,9 triệu m2 đất; 101 triệu m2 nhà. Tổng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các địa phương trên phạm vi cả nước là trên 30 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, với việc sớm hoàn thành xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đặc biệt tập trung vào sắp xếp nhà đất của các doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng cổ phần hóa đảm bảo phù hợp với tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nước.

Chính sách khai thác, quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng

Quán triệt chủ trương “Hạ tầng cần phải đi trước một bước, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”; nhằm khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Cục Quản lý Công sản đã đề xuất áp dụng phương thức bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được đổi mới theo hình thức khoán bảo trì thay cho hình thức thanh toán khối lượng thực tế. Việc thực hiện cơ chế này đã huy động được nguồn lực tài chính rất lớn từ xã hội để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và giảm chi đáng kể cho NSNN. Hiện Cục Quản lý Công sản đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu, xây dựng cơ chế khai thác đối với các tài sản kết cấu hạ tầng khác như: cảng biển, cảng hàng không, đường sắt...

Chính sách tài chính đất đai

Triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2003, nay là Luật Đất đai năm 2013, trong hơn 10 năm qua, Cục Quản lý Công sản đã báo cáo Bộ, trình Chính phủ ban hành các nghị định về tài chính đất đai. Các chính sách tài chính đất đai đã từng bước được thể chế hoá theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thu hẹp sự phân biệt giữa tổ chức trong nước và tổ chức ngoài nước.

Để chủ động trong khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai cũng như tài sản nhà nước, Cục đã trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2174/QĐ-TTg ngày 17/11/2013 phê duyệt Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2013-2020. Những mục tiêu, giải pháp trong công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và tài chính đất đai tại Đề án là cơ sở quan trọng, định hướng cho công tác quản lý tài sản công nói chung và hoạt động của Cục Quản lý Công sản nói riêng trong một giai đoạn dài.

Đến nay, nhiều giải pháp tại Đề án đã được thể chế hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nhất là trong lĩnh vực tài chính đất đai sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành như: Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về thu tiền sử dụng đất, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa, Quyết định số 990/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 về việc thí điểm cho hộ nông dân góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hợp tác đầu tư thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các chính sách này góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn thu ổn định cho NSNN; hỗ trợ sản xuất và thị trường bất động sản; tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện các quyền của người sử dụng đất; giảm bớt gánh nặng nghĩa vụ tài chính cho các hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng...; khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước trong các lĩnh vực xã hội hóa giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Chính sách xử lý tài sản dự án, tài sản tịch thu và tài sản xác lập quyền sở hữu của nhà nước

Bên cạnh việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/2007/CT-TTg ngày 25/7/2007 về tăng cường công tác quản lý tài sản của các ban quản lý dự án, trình Bộ ban hành Thông tư số 116/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản của các dự án khi dự án kết thúc hoạt động (sau này được thay thế bởi Thông tư 87/2010/TT-BTC ngày 15/6/2010, Thông tư số 198/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013), Cục Quản lý Công sản đã chủ trì giúp Bộ thực hiện công tác kiểm tra, báo cáo tình hình trang bị, sử dụng, quản lý tài sản thuộc các dự án, đồng thời đề xuất phương án xử lý tài sản của các dự án đã kết thúc theo quy định. Nhờ đó, công tác quản lý, sử dụng và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước ngày càng đi vào nề nếp, tiết kiệm và có hiệu quả.

Riêng đối với xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản xác lập sở hữu nhà nước, Cục Quản lý Công sản đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện bàn giao, tiếp nhận để lưu giữ, bảo quản lâu dài.

Trong những năm qua, việc quản lý tài sản công đã gắn với các nguyên tắc chung về quản lý kinh tế - xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời, thực hiện mục tiêu: tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản công đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch; từng bước nắm được (hạch toán) một cách đầy đủ tổng số, cơ cấu tài sản công của quốc gia cả về hiện vật và giá trị, gắn việc quản lý tài sản công với công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, NSNN và huy động nguồn lực; tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả quản trị tài sản công.