Vụ Quản lý quỹ:

Đi đầu trong sáng kiến và ứng dụng chuẩn mực quốc tế vào quản lý

PV.

Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, các sản phẩm và dịch vụ của Thị trường chứng khoán ngày càng nhiều, nghiệp vụ của các công ty quản lý quỹ ngày càng phức tạp, đòi hỏi trình độ giám sát, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao. Vụ Quản lý quỹ đang nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi kinh nghiệm quản lý để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự phát triển của Thị trường chứng khoán Việt Nam thời kỳ mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ra đời trong bối cảnh Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ở giai đoạn đầu của sự phát triển và ngành quản lý quỹ (QLQ) còn hoàn toàn mới mẻ, Vụ Quản lý quỹ là một đơn vị trong Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có nhiệm vụ chính là: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của các công ty QLQ , quỹ đầu tư chứng khoán (ĐTCK); thực hiện công tác quản lý, giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của các công ty và quỹ này.

Trong suốt quá trình hoạt động từ khi thành lập đến nay, Vụ Quản lý quỹ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và vinh dự được các cấp lãnh đạo, trao tặng các danh hiệu như: Tập thể Lao động xuất sắc 7 năm liền (từ năm 2008 đến năm 2014), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính năm 2010 và Cờ thi đua của Bộ Tài chính năm 2013.

Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho ngành quản lý quỹ

Tại thời điểm năm 2007, trong giai đoạn mới thành lập (được tách từ Ban Quản lý kinh doanh chứng khoán), tập thể Vụ Quản lý quỹ đã tập trung nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn của nước ngoài, tham gia các khóa học, tập huấn với chuyên gia nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ được phân công là xây dựng khuôn khổ pháp lý cho ngành QLQ.

Khi đó, TTCK Việt Nam và các nhà đầu tư mới bắt đầu quen với những khái niệm như “cổ phiếu”, “trái phiếu”, những “lệnh bán” và “lệnh mua” và những đợt tăng giảm liên tục của thị trường. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, phát triển thiếu bền vững và tiềm ẩn rủi ro do thiếu bóng dáng của các nhà đầu tư tổ chức. Khi đó, Vụ Quản lý quỹ bắt đầu tiến hành nghiên cứu các vấn đề “phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức để phát triển bền vững TTCK”, “phát triển các loại hình quỹ ĐTCK theo thông lệ quốc tế”.

Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính và UBCKNN, với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài và sự nỗ lực nghiên cứu của tập thể công chức Vụ Quản lý quỹ, các văn bản đầu tiên điều chỉnh hoạt động của các công ty QLQ, quỹ ĐTCK và Văn phòng đại diện của các công ty QLQ nước ngoài tại Việt Nam lần lượt được ra đời, là cơ sở ban đầu cho các tổ chức tài chính này thành lập, hoạt động và phát triển.

Trong giai đoạn này, các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng dưới dạng các quy chế hoạt động ban hành kèm theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các văn bản nổi bật gồm có Quy chế thành lập và hoạt động của công ty QLQ ban hành theo Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC, Quy chế thành lập và hoạt động của quỹ ĐTCK ban hành kèm theo Quyết định số 45/2007/QĐ-BTC.

Cùng với sự phát triển của TTCK, theo thời gian yêu cầu đặt ra đối với ngành QLQ là phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống khung pháp lý để phù hợp với thực tiễn hiện tại cũng như hạ tầng kỹ thuật của TTCK trên cơ sở các thông lệ quốc tế.

Trong các năm 2011 - 2013, Vụ Quản lý quỹ đã nghiên cứu soạn thảo và trình Bộ Tài chính ban hành một hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ, hoàn chỉnh và theo thông lệ quốc tế. Các quy chế trước đây đã được xây dựng thành các thông tư hướng dẫn cụ thể, hệ thống và toàn diện hơn về các vấn đề liên quan đến ngành QLQ. Điển hình là Thông tư 212/2012/TT-BTC (Thông tư 212) thay thế Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC, các quy định mới trong Thông tư 212 thể hiện rõ hơn chủ trương thúc đẩy sự phát triển một cách có chọn lọc, có định hướng cả về định tính và định lượng đối với các công ty QLQ.

Cụ thể, đặt ra tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập công ty QLQ cao hơn, có chọn lọc hơn, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trong việc nắm giữ quyền sở hữu chi phối các công ty QLQ.

Ngoài ra, với sự ra đời của các Thông tư 183/2011/TT-BTC, Thông tư 227/2012/TT-BTC, Thông tư 228/2012/TT-BTC, Thông tư 229/2012/TT-BTC, thị trường đã có các sản phẩm quỹ đầu tư mới theo thông lệ quốc tế như quỹ mở, công ty ĐTCK, quỹ đầu tư bất động sản (REIT), quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Có thể nói những văn bản quy phạm pháp luật về ngành QLQ là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của ngành QLQ, giữ vai trò quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và TTCK. Từ các văn bản nền móng này, các công ty QLQ và quỹ ĐTCK đã được thành lập, đa dạng hóa hình thức các tổ chức kinh doanh chứng khoán hoạt động trên TTCK Việt Nam, mang lại cho các nhà đầu tư những kênh đầu tư mới bắt nhịp với thông lệ quốc tế.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát

Tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các công ty QLQ song song với việc xây dựng các văn bản pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của Vụ Quản lý quỹ. Mục tiêu của công tác quản lý, giám sát là củng cố hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty của các công ty QLQ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK.

Để thực hiện công tác này, Vụ Quản lý quỹ thường xuyên thực hiện việc giám sát từ xa đối với hệ thống các công ty QLQ thông qua chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo thường niên của các công ty QLQ, quỹ ĐTCK. Áp dụng hệ thống chấm điểm CAMEL để xác định rõ điểm yếu, điểm mạnh của từng công ty, xác định và nhận diện sớm các mức độ và hình thức rủi ro tiềm ẩn đối với TTCK, từ đó xác định mục tiêu giám sát, kiểm tra, đối tượng, quy mô và phạm vi thanh, kiểm tra đối với các công ty QLQ. Thông qua việc giám sát từ xa, Vụ Quản lý quỹ đã kịp thời phát hiện, cảnh báo những thiếu sót, sai phạm, rủi ro xảy ra không đáng có của các công ty QLQ.

Bên cạnh việc giám sát từ xa, hàng năm Vụ Quản lý quỹ cũng thực hiện tốt chương trình kiểm tra trực tiếp của UBCKNN đối với các công ty QLQ và kiến nghị xử lý các công ty QLQ vi phạm quy định. Đặc biệt trong năm 2014, Vụ Quản lý quỹ đã thực hiện kiểm tra trực tiếp và kiến nghị xử phạt đối với 03 công ty QLQ có vi phạm trong tổ chức hoạt động với tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.

Đi đầu trong đề xuất sáng kiến quản lý

Do lĩnh vực QLQ là lĩnh vực còn khá mới mẻ, Vụ Quản lý quỹ luôn chủ động trong đề xuất các sáng kiến, ứng dụng chuẩn mực quốc tế vào điều hành quản lý, như sáng kiến về hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện để xử lý kịp thời nguy cơ đổ vỡ các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Đây là một bước đột phá trong công tác hiện đại hóa hệ thống quản lý, giám sát các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo các chuẩn mực quốc tế đã được công nhận; hoặc sáng kiến về cảnh báo về các rủi ro vĩ mô trước dòng lưu chuyển vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ việc thực hiện tổng hợp đầy đủ thông tin về dòng lưu chuyển vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, từ đó, đề xuất các giải pháp dài hạn nhằm định hướng chính sách đối với dòng vốn này, bảo đảm vừa tận dụng được nguồn vốn để phát triển kinh tế, vừa chủ động ngăn chặn từ xa các nguy cơ tiềm ẩn đồng hành cùng dòng vốn này. Các đề xuất này được đề cập tại Đề án quản lý và thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Vụ Quản lý quỹ đã chủ động và được lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước giao chủ trì, xây dựng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo chuẩn mực BASEL II áp dụng đối với các công ty chứng khoán, công ty QLQ và được thể chế hóa tại Thông tư số 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Sau đó, Vụ Quản lý quỹ tiếp tục phát triển và xây dựng hệ thống các tiêu chí kỹ thuật theo chuẩn mực CAMEL nhằm cảnh báo sớm rủi ro trong hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán áp dụng cho cả công ty chứng khoán và công ty QLQ. Đây là các bước đột phá nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, giám sát các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo các chuẩn mực quốc tế, nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia, đồng thời tạo cơ sở để triển khai thực hiện công tác tái cấu trúc TTCK.

Vụ Quản lý quỹ đã có nhiều công sức, đóng góp không chỉ trong công tác xây dựng thể chế, cơ chế chính sách và công tác quản lý, giám sát các công ty QLQ, công ty chứng khoán mà còn được lãnh đạo UBCKNN tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì, thường trực các tổ công tác và phối hợp với các đơn vị khác xây dựng cơ chế chính sách cho cả ngành chứng khoán.

Điển hình như việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án chống khủng hoảng, Đề án phát triển TTCK đến năm 2020, Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp, Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong giai đoạn 2010-2014, Vụ Quản lý quỹ đã thực hiện các bước đi thận trọng theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt tại Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ sở nhà đầu tư được đa dạng hóa theo hướng tập trung phát triển mạnh hệ thống nhà đầu tư có tổ chức. Các loại hình quỹ mới gồm quỹ mở và quỹ ETF lần lượt được cấp phép hoạt động, ngoài ra hệ thống văn bản pháp lý cho các quỹ đầu tư bất động sản (REIT), công ty ĐTCK, quỹ hưu trí cũng đã và đang được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Kết quả của quá trình tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư thể hiện bằng việc hệ thống các quỹ ĐTCK đã thay đổi rõ rệt, các quỹ đóng, quỹ thành viên được thay thế dần bằng hệ thống quỹ mở, quỹ ETF hoạt động linh hoạt hơn, minh bạch hơn và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn. Có 06 quỹ đóng hoạt động không hiệu quả đã thực hiện các thủ tục hủy niêm yết, đóng quỹ và thay vào đó là sự xuất hiện của 15 quỹ mở, 02 quỹ ETF vào thời điểm cuối năm 2014.

Sự xuất hiện của 02 quỹ ETF là một trong những điểm sáng của ngành quỹ nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung. Trên thế giới, mô hình quỹ ETF đang rất phát triển trong những năm gần đây. Mỹ là quốc gia phát triển quỹ ETF nhanh nhất thế giới. Chỉ trong 10 năm gần đây (2003 - 2013), số lượng quỹ ETF của Mỹ tăng nhanh từ 119 quỹ (năm 2003) lên 1.294 quỹ vào năm 2013.

Với nhiều ưu điểm như có tính minh bạch cao; thanh khoản tốt; cơ chế giao dịch linh hoạt, tiện ích; chi phí quản lý thấp; danh mục đầu tư của quỹ được đa dạng hóa, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Quỹ đầu tư bất động sản (REIT), quỹ hưu trí tự nguyện cũng là những công cụ huy động vốn hiệu quả trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội như thị trường bất động sản, hệ thống bảo hiểm và an sinh xã hội, đồng thời tạo nền tảng phát triển cho ngành Quản lý quỹ.

Một nội dung khác trong công cuộc tái cấu trúc TTCK là tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong đó có các công ty QLQ. Vụ Quản lý quỹ đã đẩy mạnh thực hiện công tác tái cấu trúc các công ty QLQ, đã thu hẹp số lượng hoạt động của các công ty QLQ yếu kém, không đáp ứng điều kiện kinh doanh, đồng thời khuyến khích thu hút nhà đầu tư nước ngoài, các định chế tài chính có uy tín tham gia vào lĩnh vực QLQ tại Việt Nam.

Đến cuối năm 2014, 6 công ty QLQ đã được tái cấu trúc dưới các hình thức giải thể, chấm dứt hoạt động, tạm dừng hoạt động. Công tác tái cấu trúc đã thu hẹp gần 10% số lượng công ty QLQ. Ngoài ra, Vụ Quản lý quỹ đã thực hiện cấp phép thành lập cho 02 công ty QLQ có sự tham gia của các tổ chức tài chính, bảo hiểm lớn của Mỹ và Nhật Bản.

Với sứ mệnh mới trong thời kỳ mới, Vụ Quản lý quỹ luôn nhận thức đúng các thách thức cần phải vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. TTCK ngày càng phát triển, nhu cầu của các nhà đầu tư đối với các sản phẩm và dịch vụ của TTCK ngày càng lớn, nghiệp vụ của các công ty QLQ ngày càng phức tạp đòi hỏi trình độ giám sát, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước càng phải được nâng cao. Vụ Quản lý quỹ tiếp tục nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và trau dồi kinh nghiệm quản lý để hoàn thành sứ mệnh của mình, đáp ứng sự phát triển của TTCK Việt Nam trong thời kỳ mới.