An Giang thu hút vốn ODA để phục vụ phát triển


Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), An Giang cần huy động các nguồn vốn ngoài nước chiếm khoảng 30% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, Tỉnh ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng, phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân.

Sử dụng đúng mục đích

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm theo kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025), tỉnh cần phải huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 176.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến huy động các nguồn vốn ngoài nước khoảng 30%.

Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư huy động từ bên ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn ODA có vị trí rất quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư từ bên ngoài, dự kiến huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi khoảng 23.899 tỷ đồng và vốn đối ứng của tỉnh 7.170 tỷ đồng.

Nhằm chia sẻ trách nhiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, Trung ương sẽ không cấp phát vốn ODA mà sẽ cho các địa phương vay lại tùy theo tỷ lệ bổ sung cân đối ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương. Do vậy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2021-2025, nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn quan trọng này.

Theo đó, An Giang tranh thủ và sử dụng có hiệu quả vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu về KT-XH, góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục cho nhân dân. Đồng thời, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan; thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và kế hoạch tăng trưởng xanh.

Trong việc huy động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, cần tiếp cận linh hoạt theo hướng sử dụng tối đa các khoản vay ODA với các điều kiện ưu đãi, kết hợp giữa viện trợ không hoàn lại, vay ODA và cân nhắc vay ưu đãi để đảm bảo cân đối trả nợ các khoản vay. Căn cứ nhu cầu thực tế, tỉnh có thể bổ sung lĩnh vực thảm họa, dịch bệnh, tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo ưu tiên sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong giai đoạn 2021-2025.

Tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, giai đoạn 2021-2025, tỉnh An Giang ưu tiên thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những lĩnh vực được tỉnh ưu tiên là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phối hợp xây dựng mạng lưới đô thị vùng tạo động lực cho phát triển.

Lĩnh vực quan trọng khác là phát triển hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là đẩy mạnh liên kết phát triển hạ tầng giao thông, kết nối với vùng Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh, các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực. Vốn vay ưu đãi được tỉnh đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông.

Trong đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, An Giang đặt trọng tâm ưu tiên vào các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp lớn; chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn...

Cùng với đầu tư vào khoa học - kỹ thuật, đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển y tế, văn hóa - xã hội, tỉnh còn tăng cường liên kết vùng, nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng, tạo động lực liên kết, lan tỏa, thúc đẩy hợp tác và phát triển ĐBSCL.

Để thực hiện có hiệu quả công tác thu hút, quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi, công tác chuẩn bị dự án được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hàng năm, các đơn vị có nhu cầu sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để phù hợp định hướng thu hút vốn, quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và khả năng bố trí nguồn lực, khả năng tổ chức thực hiện.

Cùng với chuẩn bị dự án, công tác điều tra, lên phương án và thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Tỉnh An Giang đẩy nhanh việc quy hoạch sử dụng đất toàn tỉnh, các huyện nhằm phục vụ tốt hơn, kịp thời cho phát triển KT-XH và thu hút các dự án đầu tư. Đồng thời, tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư và xem đây là trách nhiệm của các cấp, ngành nhằm bảo đảm khởi công và hoàn thành chương trình, dự án theo đúng tiến độ đã thỏa thuận với nhà tài trợ.

Nhằm thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đạt hiệu quả, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý cấp tỉnh theo hướng tăng cường chức năng đầu mối, điều phối; nâng cao tính chủ động, vai trò kiểm tra, giám sát, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy này nhằm đảm bảo công tác vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi được tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, bền vững; đảm bảo sự thống nhất, toàn diện, theo đúng định hướng, có hiệu quả.

Công tác thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi của tỉnh ưu tiên vào các dự án, công trình hạ tầng KT-XH quan trọng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn để đảm bảo công tác trả nợ, lãi vay theo quy định của Trung ương và nhà tài trợ.

Theo Ngô Chuẩn/ Báo An Giang