Bàn về xác lập tiền lương tối thiểu ở Việt Nam

TRẦN THỊ HOA - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Tài chính) Tuy đã trải qua nhiều lần cải cách về chính sách tiền lương nhưng mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Do vậy, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện cải cách và hoàn thiện cơ chế, chính sách tiền lương, để phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và toàn cầu.

Bàn về xác lập tiền lương tối thiểu ở Việt Nam
Mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nguồn: internet

Quá trình thay đổi xác lập tiền lương tối thiểu

Cùng với chính sách tiền lương nói chung,chính sách tiền lương tối thiểu ở Việt Nam nói riêng đã có những đổi mới căn bản phù hợp với từng giai đoạn chuyển đổi, quá trình xác lập tiền lương tối thiểu cũng đã trải qua những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và điều kiện thực tế từng giai đoạn phát triển của đất nước. Quá trình thay đổi xác lập tiền lương tối thiểu có thể chia thành 3 giai đoạn, cụ thể:

Trước năm 1995:

Việt Nam thực hiện chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ năm 1986. Tuy nhiên, đến trước năm 1995, thị trường lao động vẫn trong giai đoạn đầu hình thành, quan hệ lao động chưa phát triển, tiền lương tối thiểu chủ yếu được ấn định để áp dụng đối với cán bộ, công nhân, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN). Cụ thể: năm 1985 là 220 đồng/tháng; năm 1993 là 120 nghìn đồng/tháng. Các doanh nghiệp (DN) tư nhân cũng áp dụng chung mức lương tối thiểu của công chức, viên chức nhà nước. Riêng mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 50 USD/tháng.

Chủ thể xác lập tiền lương tối thiểu do Nhà nước ấn định, các đối tác xã hội hầu như không tham gia vào qua trình xác lập tiền lương tối thiểu. Các yếu tố để tính toán tiền lương tối thiểu trong giai đoạn này dựa trên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, chưa tính đến các yếu tố của thị trường lao động. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện do khả năng cân đối của NSNN hạn chế, cho nên mức lương tối thiểu thường được ấn định thấp hơn so với mức lương tối thiểu tính toán theo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (mức lương tối thiểu tính đúng theo nhu cầu sống tối thiểu tính đến tháng 4/1993 là 202.470 đồng/tháng).

Từ năm 1995 - 2013:

Trong giai đoạn này, nền kinh tế chuyển đổi nhanh theo kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thị trường lao động, quan hệ lao động cũng đã có bước phát triển mạnh. Việt Nam tích cực đẩy mạnh hội nhập kinh tế. Theo đó, Bộ luật Lao động năm 1994 ra đời, thể chế hóa quan hệ lao động và quá trình xác lập tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc kinh tế thị trường, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Tiếp theo đó, năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2002/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động đã cụ thể hơn: Mức lương tối thiểu được quy định trên cơ sở cung cầu lao động, khả năng kinh tế là chỉ số giá sinh hoạt theo từng thời kỳ.

Tuy nhiên, trên thực tế triển khai thực hiện Chính phủ ấn định mức lương tối thiểu chung để áp dụng đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp (phụ thuộc vào khả năng cân đối của NSNN) và mức lương tối thiểu vùng để áp dụng đối với DN, trong đó, mức lương tối thiểu vùng vẫn gắn với mức lương tối thiểu chung, cho nên việc xác lập mức lương tối thiểu vùng chưa bảo đảm được các yếu tố của thị trường theo luật quy định; đồng thời, mức lương tối thiểu vùng vẫn phân biệt giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ khi Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực:

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, năm 2012 Bộ luật Lao động được thông qua (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2013) đã tiếp tục xác lập một mức tiền lương tối thiểu mới. Cụ thể:

- Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

- Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

- Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia để tư vấn cho Chính phủ. Trong năm 2013-2014, Hội đồng tiền lương quốc gia đã khuyến nghị Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2014: Vùng I mức 2,7 triệu đồng/tháng, vùng II mức 2,4 triệu đồng/ tháng, vùng III mức 2,1 triệu đồng/tháng và vùng IV mức 1,9 triệu đồng/tháng; mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2015: Vùng I mức 3,1 triệu đồng/ tháng, vùng II mức 2,75 triệu đồng/tháng, vùng III mức 2,4 triệu đồng/tháng và vùng VI mức 2,15 triệu đồng/tháng.

Như vậy, đến nay cơ chế xác lập tiền lương tối thiểu đã có sự đổi mới căn bản phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên trong quan hệ lao động, đó là:

Một là, đổi mới quan điểm về xác định tiền lương nói chung và tiền lương tối thiểu nói riêng theo từng nhóm đối tượng, từng khu vực (hành chính sự nghiệp, DN) phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, của thị trường lao động trong mỗi giai đoạn.

Hai là, đổi mới chủ thể xác định tiền lương tối thiểu vùng, từ chỗ hoàn toàn do Chính phủ ấn định sang giao cho đại diện 3 bên (Hội đồng tiền lương quốc gia) xác định, thương lượng, thỏa thuận và khuyến nghị để Chính phủ công bố; Mức lương tối thiểu ngành từ chỗ do Chính phủ quy định chuyển sang do đại diện ngành xác định, thương lượng và ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành.

Ba là, đổi mới về các yếu tố căn cứ để tính toán, xác định mức lương tối thiểu từ chỗ chỉ dựa vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và khả năng NSNN, chuyển sang dựa trên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, có tính đến điều kiện kinh tế - xã hội và các yếu tố của thị trường lao động, khả năng của DN.

Bốn là, đổi mới xác lập loại hình tiền lương tối thiểu phù hợp với sự phát triển linh hoạt của thị trường lao động, từ chỗ chỉ xác lập theo tháng, chuyển sang xác lập theo tháng, ngày, giờ và theo vùng, ngành. Đây là mức “sàn” thấp nhất để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận trả lương.

Hội đồng tiền lương quốc gia đã khuyến nghị Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2015: Vùng I mức 3,1 triệu đồng/ tháng, vùng II mức 2,75 triệu đồng/tháng, vùng III mức 2,4 triệu đồng/tháng và vùng VI mức 2,15 triệu đồng/tháng.

Yếu tố xác lập mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống

Thứ nhất, tiền lương tối thiểu có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến lợi ích và điều kiện thực hiện của mỗi bên trong quan hệ lao động. Vì vậy, quá trình xác lập tiền lương tối thiểu vùng cần được tách bạch giữa chủ thể quyết định, công bố và chủ thể xác định, thương lượng tiền lương tối thiểu. Sự tách bạch này càng nhiều thì mức lương tối thiểu càng phản ánh sát hơn thị trường lao động.

Thứ hai, đối với mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với khu vực sản xuất, kinh doanh phải dựa trên sự phát triển của nền kinh tế của thị trường lao động trong mỗi giai đoạn. Do vậy, cần nghiên cứu thể chế hóa chi tiết các yếu tố xác lập tiền lương tối thiểu, đặc biệt là yếu tố của thị trường lao động.

Thứ ba, để bảo đảm tính hiệu quả trong thương lượng, đồng thời xác lập mức lương tối thiểu phù hợp với thực tế thì phải có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề hiện nay chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức, mà cụ thể là bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững của tiền lương đó là yếu tố năng suất lao động.

Thứ tư, hiện nay, vấn đề đánh giá tác động của tiền lương tối thiểu đến người lao động và sức cạnh tranh của DN vẫn còn yếu, cho nên bên cạnh các yếu tố trên thì cần kèm theo việc đánh giá tác động.

Thứ năm, đánh giá, giám sát là cơ sở để xác định tính phù hợp của tiền lương tối thiểu đã điều chỉnh, đồng thời tạo cơ sở thực tiễn cho xác lập lần tiếp theo. Cơ chế, quy trình, trách nhiệm đánh giá, giám sát thực hiện tiền lương tối thiểu cần được quy định cụ thể trong quá trình hoàn thiện pháp luật, đặc biệt trong Luật Tiền lương tối thiểu.