Hoạt động của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2017

Theo Tổng cục Thống kê

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng Sáu, cả nước có 10.742 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 110,6 nghìn tỷ đồng, giảm 1,9% về số doanh nghiệp và giảm 7,3% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,3 tỷ đồng, giảm 5,5%; tổng số lao động đăng ký trong tháng của các doanh nghiệp thành lập mới là 105,6 nghìn người, tăng 8%.

Trong tháng, cả nước có 1.921 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 0,4% so với tháng trước; có 6.402 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 1.729 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 4.673 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 20,1%; có 758 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20,7%.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24%.

Nếu tính cả 859,2 nghìn tỷ đồng của 18,1 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2017 là 1.455,4 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 15.379 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên gần 76,7 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng là 627,3 nghìn người, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ngành nghề kinh doanh chính, trong 6 tháng đầu năm 2017 có 21,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bản lẻ (chiếm 35% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; 8,2 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13,4%), tăng 10,7%; 8,1 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 13,3%), tăng 9,7%; 4,7 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 7,7%), tăng 10,7%; 3,2 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,3%), tăng 21,9%; 2,9 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 4,8%), tăng 15,1%; 2,3 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 3,7%), tăng 68,3%; 1,6 nghìn doanh nghiệp giáo dục và đào tạo (chiếm 2,6%), tăng 30,4%...

Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tại các vùng kinh tế đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó: Vùng Đông Nam Bộ có 25,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,9% (vốn đăng ký 303,4 nghìn tỷ đồng, tăng 67,2%); Đồng bằng sông Hồng 18,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,4% (vốn đăng ký 141,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 8,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,2% (vốn đăng ký 78,2 nghìn tỷ đồng, tăng 84,9%); Đồng bằng sông Cửu Long 4,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,2% (vốn đăng ký 30,8 nghìn tỷ đồng, giảm 22,7%); Trung du và miền núi phía Bắc 2,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 23,1% (vốn đăng ký 29,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32,6%); Tây Nguyên 1,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,1% (vốn đăng ký 13,4 nghìn tỷ đồng, tăng 74,6%).

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2017 là 5.443 doanh nghiệp, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 17%), trong đó có 5.020 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 92,2%.

Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 2.211 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 40,6%); 1.580 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 29%); 944 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 17,4%) và 708 công ty cổ phần (chiếm 13%).

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 37.907 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 14.377 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,8% và 23.530 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 24,4%.

Trong tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, có 5.887 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 41%); 4.601 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 32%); 2.462 công ty cổ phần (chiếm 17,1%); 1.425 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 9,9%) và 2 công ty hợp danh.

Đối với doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, có 10.297 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 43,8%); 6.890 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 29,3%); 4.715 công ty cổ phần (chiếm 20%) và 1.628 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 6,9%).

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2017 cho thấy: Có 43% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; 19,2% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý III so với quý II năm nay, có 52,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 12% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II, có 58,3% doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 45,6% doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 32,5% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 31,3% doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26,5% doanh nghiệp cho rằng lãi suất cao và 21,6% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng.

Về khối lượng sản xuất, có 45,9% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý II năm nay tăng so với quý trước; 18,4% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 35,7% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Về xu hướng quý III so với quý II, có 53,4% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 10,6% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36% số doanh nghiệp dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 39,2% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý II năm nay cao hơn quý trước; 18,3% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 42,5% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý III khả quan hơn so với quý II với 47,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 11,2% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 41,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu quý II năm nay so với quý trước, có 31,8% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 16,7% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 51,5% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quý III so với quý II, có 40,3% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 10,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 49,4% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Về chi phí sản xuất, có 27,5% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý II năm nay tăng so với quý trước; 7,7% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm và 64,8% số doanh nghiệp cho rằng chi phí tương đương quý trước. Xu hướng trong quý III/2017, có 20,7% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý II; 9,6% số doanh nghiệp cho rằng chi phí giảm và 69,7% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất ổn định.

Về giá bán sản phẩm, có 18,2% số doanh nghiệp cho biết có giá bán sản phẩm quý II năm nay tăng so với quý trước; 9,2% số doanh nghiệp cho biết giá bán thấp hơn và 72,6% số doanh nghiệp có giá bán sản phẩm ổn định. Dự kiến giá bán sản phẩm quý III so với quý II, có 18,2% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ cao hơn; 7,3% số doanh nghiệp dự báo giá bán thấp hơn và 74,5% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm ổn định.

Về tồn kho sản phẩm, có 18,9% số doanh nghiệp có lượng tồn kho quý II năm nay tăng so với quý trước; 30,7% số doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm và 50,4% số doanh nghiệp giữ ổn định. Xu hướng quý III so với quý II, có 14,6% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 31,8% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho giảm và 53,6% số doanh nghiệp dự báo giữ ổn định.

Về tồn kho nguyên vật liệu, quý II/2017 so với quý trước, có 17,5% số doanh nghiệp cho biết lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 28,7% số doanh nghiệp cho là giảm và 53,8% số doanh nghiệp trả lời giữ nguyên. Dự kiến quý III so với quý II, có 14,3% số doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 29,8% dự báo lượng tồn kho giảm và 55,9% số doanh nghiệp cho rằng sẽ không có biến động về tồn kho nguyên vật liệu.

Về sử dụng lao động, quý II năm nay so với quý trước, có 16,5% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng; 12,3% số doanh nghiệp khẳng định giảm và 71,2% số doanh nghiệp cho biết giữ ổn định. Dự kiến quý III so với quý II, có 20,1% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động tăng; 7,5% số doanh nghiệp dự báo giảm và 72,4% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định quy mô lao động.