Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 27/8-1/9/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Hoa Kỳ: Tăng trưởng GDP trong quý II/2018 đạt 4,2%/năm, cao hơn so với 4,1% trong tháng 7/2018 và là mức cao nhất kể từ quý III/2014, do các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào phần mềm, trong khi nhập khẩu dầu mỏ giảm; sản lượng hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,2%, thay vì 3,1%, giúp nền kinh tế tiến gần đến mục tiêu tăng trưởng 3%/năm. (Theo số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 29/8)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 27 - 31/8/2018 tăng điểm do những thông tin tích cực từ thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Mexico.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt là 0,68%; 0,93% và 2,06% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (24/8/2018). Trong ngày giao dịch 31/8/2018:

+ Dow Jones giảm 22,10 điểm (-0,09%), xuống 25.964,82 điểm.

+ S&P 500 tăng 0,39 điểm (0,01%), lên 2.901,52 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 21,17 điểm (0,26%), lên 8.109,54 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,45 điểm (1,49%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (31/8/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 4,35 điểm (-0,02%), xuống 22.865,15 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 12,49 điểm (-0,46%), xuống 2.725,25 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 275,50 điểm (-0,98%), xuống 27.888,55 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 27 - 31/8/2018, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 1,57% và 2,11%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (31/8/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 10/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,45 USD (-0,64%), xuống 69,80 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,35 USD (-0,45%), xuống 77,42 USD/thùng.

Châu Âu

Đức: Thặng dư ngân sách của Đức đạt kỷ lục 2,9% GDP trong nửa đầu năm 2018, do các chính sách chi tiêu, diễn biến thị trường và tình hình việc làm cải thiện.

Đây là yếu tố giúp phục hồi tăng trưởng cao hơn trong quý II/2018;ngân quỹ các thành phố, các bang, liên bang đã tăng thêm 48,1 tỷ EUR (55,7 tỷ USD), tăng 18,3 tỷ EUR so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Cơ quan thống kê liên bang Đức - Destais ngày 27/8)

Anh: Giá trị các loại tài sản của nước Anh năm 2017 là 13.150 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2016. Các loại tài sản được định giá gồm: Đất đai, nhà ở, máy móc và các tài sản tài chính thuộc sở hữu của cá nhân và doanh nghiệp.

Tổng giá trị các tài sản của nước Anh được đánh giá tăng ổn định, xấp xỉ mức tăng trung bình 5,2% trong giai đoạn 2009 - 2017.

Nếu chia đều tổng giá trị tài sản cho toàn thể người dân, trung bình mỗi công dân Anh có tài sản giá trị 200 nghìn USD. (Theo Văn phòng thống kê quốc gia Anh - ONS ngày 29/8)

Châu Á

Đông Nam Á: Trong 6 quý qua, nhu cầu thuê văn phòng tăng nhanh do nhu cầu tăng mạnh ở các thành phố: Manila, Singapore, thành phố Hồ Chí Minh và Jakarta.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, dự báo tỷ lệ văn phòng cho thuê ở Đông Nam Á sẽ tăng 6% mỗi năm, trong bối cảnh GDP tăng 5% hằng năm. Thị trường Singapore dự báo tăng 20 - 25% trong giai đoạn 2018 - 2020, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

(Theo bà Regina Lim, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Vốn, Tập đoàn cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản (JLL) Đông Nam Á ngày 27/8)

Malaysia: Chính phủ Malaysia sẽ giảm dần mức chi của Chương trình trợ cấp tiền mặt cho người dân (BR1M) trước khi chấm dứt hoàn toàn chương trình này để giúp người dân độc lập hơn về tài chính.

Chương trình BR1M được triển khai từ năm 2012, theo đó Chính phủ trợ cấp tiền mặt cho các hộ gia đình hoặc cá nhân từ 300 MYR (73 USD) đến 1.200 MYR (292 USD)/tháng tùy theo mức thu nhập.

Tổng kinh phí BR1M năm 2018 là gần 7 tỷ MYR (1,5 tỷ USD), dành cho hơn 7 triệu người. (Theo Chính phủ Malaysia ngày 26/8)

Hàn Quốc: Chính phủ nước này sẽ tăng ngân sách năm 2019 để tạo việc làm, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, giảm sự bất bình đẳng về thu nhập, hỗ trợ đổi mới công nghệ và tiếp sức cho nền kinh tế.

Tổng dự chi ngân sách năm 2019 ở mức 470,5 nghìn tỷ KRW (tương đương 424 tỷ USD), tăng 9,7% so với ngân sách năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009 khi Chính phủ thông qua khoản chi tiêu tài chính mở rộng để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ngân sách năm 2019 sẽ dành 23,5 nghìn tỷ KRW (tương đương 21,2 tỷ USD) để việc tạo việc làm, tăng 22% so với năm 2018 nhằm tạo thêm 900 nghìn việc làm.(Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc ngày 28/8)

Ai Cập: Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của ngành du lịch Ai Cập đã tăng 77%, đạt khoảng 4,8 tỷ USD; số du khách tăng 41%, đạt khoảng 5 triệu lượt người.

Tuy nhiên, con số này còn cách xa so với 14,7 triệu lượt du khách đến Ai Cập vào năm 2010, thời điểm trước khi xảy ra những biến cố chính trị ở nước này. Từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng lượng khách du lịch sẽ tăng nhiều hơn từ khu vực Tây Âu, Italy, Đức và Ukraine.

Đây được xem là sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu so với mức tăng trưởng 7,6 tỷ USD đạt được trong năm 2017.(Theo Chính phủ Ai Cập ngày 30/8)

Châu Mỹ

Argentina:

- Chính phủ Argentina đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cấp cho nước này 3 tỷ USD trong tháng 9/2018.

Trong trường hợp IMF nhất trí, khoản 3 tỷ USD trên sẽ là đợt giải ngân thứ hai trong gói tín dụng dự phòng với tổng trị giá 50 tỷ USD mà IMF đã ký với Chính phủ Argentina trong tháng 6/2018, nhằm giúp nước này ứng phó với tỷ lệ lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách và đồng nội tệ mất giá.

Đồng ARS của nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 31,570 ARS/1 USD trong phiên giao dịch 27/8.

Ông Nicolás Dujovne dự báo, tăng trưởng kinh tế của Argentina sẽ giảm 1% trong năm 2018, do hoạt động sản xuất suy giảm và tác động của hạn hán. Ước tính trong năm 2019, nền kinh tế Argentina sẽ tăng trưởng 1,5% và thâm hụt tài khoản vãng lai trung bình tương đương 3% GDP.

(Theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài Chính Argentina Nicolás Dujovne ngày 27/8)

- Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đồng ý đẩy nhanh việc giải ngân khoản vay trị giá 50 tỷ USD đã được chấp nhận hồi tháng 6/2018, sau khi Chính phủ Argentina cam kết giảm thâm hụt ngân sách từ 3,9% GDP năm 2017 xuống còn 2,7% trong năm 2018 và 1,3% năm 2019.

Một phần trong gói vay 50 tỷ USD sẽ được phân bổ để hỗ trợ ngân sách, phần còn lại giúp ngân hàng trung ương vực dậy đồng ARS trong thời gian ba năm.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính và tiền tệ của Argentina đang “bấp bênh”, do những lo ngại về nguy cơ lạm phát, suy thoái kinh tế và thâm hụt ngân sách.(Theo Tổng thống Argentina Mauricio Macri ngày 29/8)

Venezuela: Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ dùng vàng để trả lương hưu nhằm bảo vệ số tiền tiết kiệm của người dân khỏi lạm phát tăng cao. Kế hoạch trả lương bằng vàng sẽ được triển khai vào tháng 9/2018.

Từ ngày 11/9/2018, các chứng chỉ vàng sẽ được bán ra với giá khoảng 3.500 và 5.800 BOB, tùy thuộc vào trọng lượng. (Theo Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 30/8)

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đã ra quyết định sơ bộ đánh thuế một số sản phẩm vành thép ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc vì mặt hàng này đã được trợ giá từ 58,75 - 172,51%.

Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 07/01/2019 (nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ khẳng định lại kết quả điều tra, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 21/02/2019).

Trong năm 2017, Hoa Kỳ đã nhập khẩu khoảng 388 triệu USD vành thép ô tô từ Trung Quốc. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 27/8)

- Chính phủ Hoa Kỳ sẽ thanh toán trực tiếp 4,7 tỷ USD cho người nông dân để bù đắp những thiệt hại từ các biện pháp trả đũa thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Đây là một phần trong gói hỗ trợ 12 tỷ USD được công bố tháng 7/2018; có 3,6 tỷ USD sẽ được dành cho nông dân trồng đậu tương; 1,2 tỷ USD cho việc mua hàng hóa, bao gồm thịt lợn và các sản phẩm từ sữa.

Ngoài ra, chương trình cũng dành khoảng 200 triệu USD cho hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm và phát triển các thị trường mới cho nông sản.Các khoản thanh toán được giới hạn ở mức 125 nghìn USD/người. (Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA ngày 27/8)

- Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đã quyết định bỏ thuế nhập khẩu đối với giấy in của Canada, giúp làm dịu căng thẳng quan hệ thương mại song phương trong bối cảnh Hoa Kỳ và Canada chuẩn bị nối lại các cuộc tái đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Hoa Kỳ (NAFTA).

Điều này đồng nghĩa với việc Bộ thương mại Hoa Kỳ sẽ phải gỡ bỏ toàn bộ thuế chống phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số loại giấy in của Công ty Resolute Forest Product, Catalyst Paper Corp., Kruger Inc. và White Birch Paper. (Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ ngày 30/8)


Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế và cắt giảm chi phí của các công ty trong năm 2018 thêm 45 tỷ CNY (6,59 tỷ USD) nhằm thực hiện chính sách tài chính linh hoạt và bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ cũng quyết định tăng tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm; tăng mức tín dụng mà các ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ vay và không đánh thuế tiền lãi gửi ngân hàng; tăng cường chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các công ty có quy mô nhỏ.

Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không phải trả thuế doanh nghiệp và thuế VAT đối với lợi nhuận từ đầu tư vào thị trường trái phiếu Trung Quốc trong 3 năm tới. (Theo Chính phủ Trung Quốc ngày 30/8)

Trong năm 2017, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót tổng cộng 120 tỷ USD vào 6.236 doanh nghiệp tại 174 các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hoạt động đầu tư trực tiếp phi tài chính (ODI) của các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như dịch vụ cho thuê và thương mại, chế tạo công nghiệp, bán buôn bán lẻ và công nghệ thông tin.

Châu Âu tiếp tục là khu vực nhận nhiều vốn đầu tư nhất từ Trung Quốc trong giai đoạn 2016 - 2017, thể hiện tỷ lệ vốn đầu tư tăng từ 18% (năm 2013) lên 53,4% (năm 2017).

Châu Á đứng thứ 2 trong danh sách thu hút dòng vốn từ Trung Quốc, trong đó vị trí đầu bảng thuộc về Singapore với 13 tỷ USD, Ấn Độ 3,1 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc - MOC ngày 30/8)

 

Nhật Bản

Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang đối mặt với đợt bán tháo lớn nhất trong hơn 3 thập kỷ (kể từ năm 1987). Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,9 nghìn tỷ JPY (34,7 tỷ USD) chứng khoán Nhật Bản từ đầu năm đến ngày 17/8.

Các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy trong bối cảnh thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: Lo ngại liên quan chiến tranh thương mại; tăng thuế trong năm 2019; chỉ số Topix đã giảm gần 5% trong năm 2018. (Theo số liệu từ Công ty Dịch vụ tài chính Japan Exchange Group - JPX ngày 28/8)

Thương mại toàn cầu

Trong quý II/2018, chỉ số thương mại toàn cầu tháng 7/2018 giảm 0,8% xuống 123,7 điểm. Chỉ số thương mại trung bình của quý II/2018 đạt 124,1 điểm, tương đương với quý I/2018.

Trước đó, chỉ số này đã tăng trưởng liên tục trong 2 năm. Xuất khẩu của các nước mới nổi châu Á giảm 0,7%. Đây là quý giảm đầu tiên của xuất khẩu châu Á trong 7 quý gần nhất.

Theo các chuyên gia, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến thương mại châu Á. (Theo Cục phân tích chính sách kinh tế Hà Lan ngày 27/8)

Nhận định chuyên gia

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO Roberto Azevedo ngày 29/8:

Căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, đe dọa việc làm và tăng trưởng ở tất cả các nước.

Nhiều biện pháp thúc đẩy nhập khẩu đã được thực hiện, tuy nhiên ảnh hưởng của những biện pháp này đến kim ngạch thương mại đang giảm, trong khi tác động của những biện pháp hạn chế thương mại gia tăng nhanh.

Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể làm cho thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%.

Tổng Giám đốc của Deutsche Bank Christian Sewing ngày 29/8:

Châu Âu không cần nhiều ngân hàng mà khu vực này cần những ngân hàng mạnh. Các ngân hàng châu Âu sẽ phải đối mặt với sức ép sáp nhập gia tăng trong những năm tới nhằm đối phó với bất ổn địa - chính trị và cạnh tranh quyết liệt.

Hiện có khoảng 5.500 ngân hàng tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR (Eurozone). Ông cũng cho biết, các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) để tạo ra một thị trường hợp nhất hơn cho các dịch vụ tài chính.

Đàm phán - Ký kết

Mexico và Hoa Kỳ:

Thỏa thuận thương mại vừa được ký kết giữa Mexico và Hoa Kỳ trong khuôn khổ đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cho phép Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô sản xuất tại Mexico trong trường hợp vượt quá hạn ngạch quy định.

Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ đưa ra hạn ngạch nhập khẩu 2,4 triệu USD/năm đối với ô tô và 90 tỷ USD/năm giá trị phụ tùng ô tô từ Mexico.

Lượng xe nằm trong hạn ngạch nếu đáp ứng đủ các quy định về xuất xứ (75% tỷ lệ nội địa khu vực, 40 - 45% giá trị mỗi xe được sản xuất tại các khu vực có mức lương thấp nhất là 15 USD/giờ) sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, các xe nằm trong hạn ngạch nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ sẽ bị áp thuế nhập khẩu 2,5%.

(Theo phóng viên TTXVN tại Mexico ngày 30/8)

Chính sách

Ngày 30/8, Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) đã thông báo tăng lãi suất cơ bản lên 60% nhằm vực dậy đồng nội tệ ARS đang trên đà lao dốc cũng như nguy cơ gia tăng lạm phát sau khi đồng ARS tiếp tục mất giá trong những ngày gần đây.

Đặc biệt, trước mối đe dọa về một đợt suy thoái mới đối với nền kinh tế, chỉ số rủi ro của Argentina đã tăng lên 728 điểm, tăng 5,6% so với trước đó một ngày và đưa Argentina trở thành quốc gia thứ 2 tại Mỹ La-tinh, sau Venezuela, có thị trường mất ổn định nhất.(Theo TTXVN ngày 30/8)