Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 20-25/8/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Mỹ La-tinh và vùng Caribe: Tốc độ tăng trưởng đạt 1,5% trong năm 2018, thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4/2018. Có sự khác biệt lớn giữa tốc độ tăng trưởng ở các quốc gia trong khu vực trong năm 2018: Khu vực Trung Mỹ tăng trưởng bình quân 3,4%, trong khi Nam Mỹ chỉ tăng trưởng 1,2% và vùng Caribe khoảng 1,7%.

Hai quốc gia dẫn đầu khu vực về tăng trưởng kinh tế là Cộng hòa Dominicana và Panama, với tốc độ tăng lần lượt 5,4% và 5,2%, tiếp theo là Paraguay (4,4%), Bolivia (4,3%), Antigua và Barbuda (4,2%) và Chile và Honduras (cùng đạt 3,9%). (Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ La-tinh và Caribe của Liên Hợp quốc - Cepal ngày 23/8)

- G20: Ngày 22/8, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệmMoody's dự báo tăng trưởng năm 2018 của Nhóm các nền kinh tế phát triển trong G20 đạt 2,3%, trong đó tăng trưởng của Hoa Kỳ đạt 2,7%; các thị trường mới đạt 5,2%; Trung Quốc đạt 6,6% trong bối cảnh nước này nỗ lực giảm đòn bẩy của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp để hạn chế rủi ro tài chính.

Xếp hạng tín nhiệm của các tập đoàn phi tài chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Moody's đánh giá với triển vọng ổn định duy trì đến hết năm 2018.

- Nga: Nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với con số dự báo tăng 1,7% mà Bộ Phát triển Kinh tế Nga đưa ra trước đó. GDP của Nga tăng trưởng 1,8% trong quý II/2018, tăng so với con số 1,3% được ghi nhận trong quý I/2018.

Điều này cho thấy kinh tế Nga phục hồi sau nhiều năm suy giảm. Tuy nhiên, kinh tế Nga cũng đang phải đối mặt với những bất lợi do Hoa Kỳ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. (Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga - Rosstat ngày 18/8)

- Hàn Quốc: GDP sẽ giảm 0,018%, tương đương khoảng 236,49 triệu USD trong 1 năm tới nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc áp đặt mức thuế 25% đánh vào một lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của nhau.

Mức độ thiệt hại ước tính đối với Hàn Quốc lớn thứ hai sau vùng lãnh thổ Đài Loan, Canada đứng ở vị trí thứ ba với mức giảm 0,016%, tiếp sau là Mexico (0,014%) và Ireland (0,012%).

Những con số này được tính toán dựa trên giả thuyết GDP của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ giảm tương ứng 0,1% và 0,2% bởi cuộc chiến thương mại. Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện là hai đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc. (Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc ngày 02/8)

Lạm phát

- Canada: Tỷ lệ lạm phát hiện nay đang cao nhất kể từ tháng 9/2011 và cao hơn so với mức 2,5% trong tháng 6/2018, do chi phí hàng không, du lịch, năng lượng tăng mạnh và tác động từ việc đáp trả thuế quan của Hoa Kỳáp thuế đối với nhôm thép nhập khẩu từ Canada.

Cơ quan Thống kê Canada cho rằng, nguyên nhân của tình trạng tăng giá hàng hóa và dịch vụ là do lãi suất cơ bản tăng. Hiện lãi suất qua đêm liên ngân hàng ở Canada đang được ấn định ở mức 1,5%, cao nhất trong 9 năm qua. (Theo Ngân hàng Trung ương Canada - BoC ngày 20/8)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 20 - 24/8/2018 tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt là 0,47%; 0,87% và 1,66% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (17/8/2018). Trong ngày giao dịch ngày 24/8/2018:

+ Dow Jones tăng 0,5% lên 25.790,35 điểm.

+ S&P 500 tăng 0,6% lên 2.874,69 điểm.

+ Nasdaq tăng 0,9% lên 7.945,98 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,52 điểm (0,94%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (24/8/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 190,95 điểm (0,9%) lên 22.601,77 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 4,81 điểm (0,2%) lên 2.729,43 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 118,59 điểm (-0,43%) xuống 27.671,87 điểm.

Dầu mỏ

Trong tuần 13 - 17/8, dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ giảm 5,8 triệu thùng, trong khi thị trường dự kiến chỉ giảm 1,5 triệu thùng; dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất tăng tương ứng 1,2 triệu thùng và 1,8 triệu thùng; tiêu thụ xăng của Hoa Kỳ sẽ không thay đổi trong năm 2018, trái ngược với dự đoán tăng khoảng 30.000 thùng/ngày đưa ra hồi đầu năm nay. (Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 22/8)

Ngày 23/8, Brazil cho biết sẽ tăng gấp đôi sản lượng khai thác dầu mỏ hiện nay từ 2,6 triệu lên 5,5 triệu thùng/ngày vào năm 2027, để duy trì là một trong 10 quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Brazil trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 9 trên thế giới từ tháng 6/2018, dựa trên số liệu sản xuất năm 2017 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Năm 2017, sản lượng dầu trung bình của Brazil đạt 3,2 triệu thùng/ngày, chiếm 3% sản lượng dầu thế giới.

Tuần từ ngày 20 - 24/8/2018, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 4% và 5,3%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (24/8/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 9/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,89 USD (1,3%) lên 68,72 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,09 USD (1,5%) lên 75,82 USD/thùng.

Châu Âu

- Hy Lạp: Ngày 20/8, Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) thông báo Hy Lạp đã chính thức rời khỏi chương trình cứu trợ cuối cùng kéo dài 3 năm. Song Chính phủ Hy Lạp vẫn cần cải cách hơn nữa nhằm gây dựng lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với kinh tế Hy Lạp.

ESM đã giải ngân 61,9 tỷ EUR trong 3 năm qua để hỗ trợ quá trình điều chỉnh kinh tế vĩ mô cho Hy Lạp cũng như hoạt động tái cấp vốn cho các ngân hàng tại nước này. Các chỉ số tài chính của Hy Lạp đã được cải thiện, GDP quý I/2018 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017.

- Thổ Nhĩ Kỳ: Cơ quan đánh giá tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor’s (S&P) ngày 20/8 vừa hạ bậc xếp hạng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ hai trong vòng 4 tháng và dự báo nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2019.

Cụ thể, S&P đã hạ một bậc tín nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức B+, do đồng TRY suy yếu và mất giá trong hai tuần qua, trong khi cả lạm phát và nợ của Thổ Nhĩ Kỳ đều đang quá cao; các rủi ro kinh tế đang ngày càng gia tăng, song những ứng phó về mặt chính sách tiền tệ và tài khóa của nước này còn hạn chế.

S&P cũng dự báo, đồng TRY sẽ biến động và kéo theo những thay đổi mạnh trong cán cân thanh toán và làm tổn hại đến nền kinh tế, lạm phát sẽ tăng lên “mức đỉnh” 22% trong 4 tháng tới, trước khi giảm xuống dưới 20% vào giữa năm 2019.

- Nga: Tháng 7/2018, Ngân hàng Trung ương Nga mua 26,1 tấn vàng, nâng số vàng dự trữ lên 2.170 tấn, số lượng vàng nhiều nhất được ngân hàng này mua trong một thángkể từ cuối năm 2017, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang chuẩn bị áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với nước này.

Nga là nước sản xuất nhiều vàng thứ ba thế giới. Trong thập niên vừa qua, Nga đã khai thác, sản xuất hơn 2 nghìn tấn vàng. (Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF ngày 23/8)

Châu Á

Hàn Quốc

- Hàn Quốc sẽ được miễn trừ trong kế hoạch của Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu đối với ô tô do đã giải quyết các vấn đề liên quan trong các cuộc đàm phán sửa đổi FTA giữa hai nước. Mức áp thuế nhập khẩu bổ sung 25% của Hoa Kỳ đối với ô tô chủ yếu nhằm vào các quốc gia sản xuất ô tô như: Mexico, Canada, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Các ô tô sản xuất tại Hàn Quốc hiện đang được Hoa Kỳ miễn áp thuế theo FTA Hàn Quốc - Hoa Kỳ có hiệu lực từ năm 2012. (Theo Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong ngày 21/8)

- Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 296,79 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, nhờ doanh số bán chip nhớ và các sản phẩm hóa dầu tăng mạnh.

Xuất khẩu vào thị trường ASEAN tăng trưởng 5,9% lên 48,93 tỷ USD, đưa khối này trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc. Xuất khẩu của Hàn Quốc vào Trung Quốc tăng 21% lên 79,2 tỷ USD, xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng 1,3% lên 34,45 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 23/8)

- Trong tháng 7/2018, Hàn Quốc có khoảng 338 nghìn người người thất nghiệp ở độ tuổi 25 - 34 (chiếm 6,4%), mức cao kỷ lục trong 19 năm qua, chỉ sau năm 1999 với số người thất nghiệp là 434 nghìn người (chiếm 7,2%).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng ở lứa tuổi này là do cấu trúc thị trường lao động, giáo dục, công nghiệp còn trì trệ trong khi số người trên 20 tuổi tìm việc làm tăng mạnh. (Theo Tổng cục Thống kê Hàn Quốc ngày 22/8)

- Tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn trên tổng nợ cần phải trả của Hàn Quốc tăng liên tiếp trong quý I và quý II/2018. Nợ nước ngoài ngắn hạn đến cuối tháng 6/2018 ở mức 125,1 tỷ USD, chiếm khoảng 28,4% tổng số nợ nước ngoài. Tổng nợ nước ngoài phải trả tính đến cuối quý II của Hàn Quốc là 440,5 tỷ USD, tăng 6,7 tỷ USD so với quý I.

Tài sản đầu tư ở nước ngoài của Hàn Quốc đến cuối quý II đạt 1.490 tỷ USD, giảm 600 triệu USD so với cuối quý I, do đồng USD mạnh lên đã làm giảm giá trị của những tài sản được định giá bằng các đồng tiền khác. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 22/8)

Iran

Ngày 23/8, Ủy ban châu Âu (EC) thông qua gói tài chính 18 triệu EUR để hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Iran, trong đó 8 triệu EUR dành cho khu vực tư nhân. Gói tài chính này nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ 50 triệu EUR nhằm giúp Iran đối phó với những thách thức chính về kinh tế - xã hội.

Chương trình trợ giúp khu vực tư nhân của Iran bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng cao, hỗ trợ sự phát triển các chuỗi giá trị được lựa chọn và trợ giúp kỹ thuật cho Tổ chức Xúc tiến thương mại của Iran.

Hoa Kỳ

Những căng thẳng thương mại toàn cầu có thể làm cho du khách quốc tế đến du lịch tại Hoa Kỳ giảm. Số lượt du khách quốc tế đến Hoa Kỳ đã giảm khoảng 6% trong 2 năm qua. Số du khách nước ngoài đến Hoa Kỳ trong thời gian từ tháng 1 - 7/2017 chỉ đạt 41 triệu lượt, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2016.

Sự sụt giảm này còn do việc đồng USD mạnh lên, kinh tế phát triển kém ở các nước Mỹ La-tinh và sự khởi sắc của các hãng hàng không giá rẻ của châu Âu đã thúc đẩy hoạt động du lịch ở các nước châu Âu tăng, tác động không nhỏ đến du lịch Hoa Kỳ. (Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành - CEO của Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ Roger Dow ngày 20/8)

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) dự kiến tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2018. Mục tiêu của các lần tăng lãi suất này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như cung cấp “các điều kiện thị trường lao động mạnh mẽ”, trong khi vẫn đảm bảo lạm phát ở mức mục tiêu 2%.

Từ năm 2015 đến nay, FED đã tăng lãi suất cơ bản 7 lần, trong đó có 2 lần được triển khai dưới thời đương kim Chủ tịch Powell. (Theo FED ngày 23/8)

Hoa Kỳ chính thức áp thuế bổ sung 25% đối với 279 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc (16 tỷ USD). Những sản phẩm chính bị áp thuế đợt này bao gồm thiết bị bán dẫn, hóa chất, nhựa, xe máy và xe đạp điện.

Trung Quốc đã phản đối chương trình đánh thuế của Hoa Kỳ và tuyên bố sẽ đáp trả bằng cách áp thuế mới lên 16 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ bao gồm xăng dầu, thép, ô tô và thiết bị y tế. (Theo CNBC ngày 22/8)

Trung Quốc

Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (BIRC) ngày 19/8 đã yêu cầu các tổ chức tài chính tăng cường hỗ trợ hoạt động đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và các doanh nghiệp có mức tín nhiệm tốt đang tạm thời gặp khó khăn.

Ngoài ra, BIRC cũng yêu cầu các tổ chức tài chính nâng tỷ lệ các khoản cho vay trung hạn và dài hạn nhằm tránh gây áp lực đối với những chủ thể đi vay vào cuối mỗi tháng hay mỗi quý.

Trung Quốc đã tăng giá trị các dự án đầu tư tài sản cố định được phê duyệt trong tháng 7/2018 lên xấp xỉ 4 lần so với tháng trước đó trong khi nước này đang tìm cách thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Giá thuê nhà tại Bắc Kinh đã tăng 25,8% so với năm 2017, trong đó giá thuê nhà trong tháng 7/2018 đã tăng 4,3% so với tháng trước đó.

Tình trạng giá thuê nhà tăng nhanh tại các thành phố lớn ở Trung Quốc tạo ra gánh nặng tài chính đối với những người thuê nhà, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và trung bình bởi tiền thuê nhà thường chiếm khoảng 1/3 thu nhập hằng tháng của họ.

Mức giá thuê nhà trung bình hiện nay ở thủ đô Bắc Kinh khoảng 92 CNY/m2/tháng (13,5 USD), trong khi mức thu nhập trung bình hằng tháng là 8.467 CNY (1.300 USD). (Theo Tạp chí Chứng khoánTrung Quốc ngày 21/8)

Venezuela

- Ngày 18/8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo sẽ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu của người lao động lên 34 lần so với hiện nay. Trên cơ sở đồng nội tệ BOB hiện nay, mức lương tối thiểu của người lao động sẽ tăng từ 5,2 triệu BOB lên 180 triệu BOB.

Đây là lần điều chỉnh lương tối thiểu thứ 5 trong năm nay của Venezuela trong bối cảnh đồng BOB liên tục mất giá và tỷ lệ lạm phát được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lên tới 1.000.000% trong năm 2018.

- Ngày 21/8, Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) đã công bố tỷ giá hối đoái của đồng BOB chủ quyền so với đồng USD và EUR. Theo đó, tỷ giá đồng USD trên Hệ thống giao dịch ngoại tệ (Dicom) là 60 BOB/1 USD và 68,65 BOB/1 EUR.

Hiện Venezuela vẫn duy trì hệ thống hối đoái theo tỷ giá ấn định, với vài tỷ giá chính thức cho các hoạt động xuất - nhập khẩu, đồng thời kiểm soát hoàn toàn lượng tiền chuyển đổi.

Song song với việc hợp nhất và công bố tỷ giá hối đoái mới, Chính phủ Venezuela cũng chính thức thừa nhận tỷ lệ trượt giá của đồng nội tệ lên tới 95,8%.

Việc Chính phủ Venezuela công bố tỷ giá hối đoái của đồng BOB chủ quyền diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nicolas Maduro thông báo kế hoạch đổi tiền chính thức có hiệu lực, theo đó đồng nội tệ của Venezuela được điểu chỉnh giảm 5 con số 0 và có tên gọi mới là đồng “bolívar chủ quyền”.

Australia

Chính phủ Australia cho biết sẽ tăng thêm 1,8 tỷ AUD (tương đương 1,3 tỷ USD) cho quỹ hỗ trợ các nông dân chịu ảnh hưởng của hạn hán trong bối cảnh nhiều khu vực ở bờ đông nước này đang phải chịu tình trạng khô hạn nhất từ trước đến nay.

Trước đó, trong chuyến thăm thị trấn Forbes thuộc bang New South Wales, nơi diễn ra hạn hán nghiêm trọng, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã cam kết tăng số tiền hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi hạn hán thêm 1,8 tỷ AUD, sau khoản hỗ trợ 576 triệu AUD đã được công bố.

Đợt hạn hán khắc nghiệt chưa từng thấy trong 50 năm qua đang làm cho các vùng đồng cỏ rộng lớn, trù phú ở các trung tâm sản xuất nông nghiệp của Australia trở nên khô cằn, làm chết nhiều vật nuôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nông dân nước này. (Theo Chính phủ Australia ngày 19/8)