Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 15-19/01/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Tăng trưởng

 

Trong năm 2019, Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 6,9% với mục tiêu tăng trưởng bền vững. Lĩnh vực sản xuất có vốn FDI và hoạt động trong nước duy trì mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tăng trưởng.

FDI vào Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2019, đạt khoảng 15 tỷ USD và dòng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, sẽ vẫn rất mạnh trong trung hạn.

Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, cũng như nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2019. (Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered ngày 16/01)

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài, lưu vực sông rộng lớn. Đến cuối thế kỷ 21, dự báo chỉ ra 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước; 20% diện tích của thành phố Hồ Chí Minh cũng có nguy cơ bị ngập. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 10 - 12% dân số cả nước, đồng thời gây tổn thất 10% GDP. (Theo Ban Kinh tế Trung ương ngày 17/01)

Sản xuất công nghiệp

Tính đến thời điểm trước 15h ngày 16/01/2019, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrolimex còn khoảng  2.133 tỷ đồng, tăng 223 tỷ đồng so với lần công bố gần nhất ngày 01/01/2019.

Trước đó, theo quyết định của liên bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 16/1, các mặt hàng xăng dầu được giữ ổn định. Tuy nhiên, Quỹ bình ổn có sự điều chỉnh. Do đó, xăng E5 RON92 vẫn giữ mức trần là 16.272 đồng/lít và xăng RON95-III là 17.603 đồng/lít. Trong khi dầu diesel 0.05S có giá trần là 14.909 đồng/lít, dầu hỏa là 14.185 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 13.275 đồng/kg.

(Theo Petrolimex ngày 16/01)

Báo cáo mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới về “Tối đa hóa tài chính cho phát triển năng lượng ở Việt Nam” cho thấy, bối cảnh kinh tế vĩ mô và ngành năng lượng đang thay đổi ở Việt Nam, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về đầu tư vào ngành điện và khí.

Từ nay đến năm 2030, mỗi năm trung bình ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 10 tỷ USD, tập trung vào đầu kỳ, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2011 - 2015. Phát triển ngành khí dự kiến cần khối lượng đầu tư lũy kế khoảng 20 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2035. (Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ngày 14/01)

Doanh nghiệp

Tính đến nay đã có 100% tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, 43 tổ chức tự nguyện gửi báo cáo thông tin về cho CIC theo quy định và các thỏa thuận đã ký kết.

Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2019 của Ngân hàng Thế giới cũng đã đánh giá mức độ bao phủ thông tin tín dụng của CIC tiếp tục cải thiện, đạt 54,8% (năm trước là 51%) và chiều sâu thông tin tín dụng duy trì 7/8 điểm (cao hơn khu vực châu Á Thái Bình Dương và khối OECD).

Nhiệm vụ được đặt ra trong năm 2019 là phấn đấu nâng độ phủ thông tin lên trên 58%/dân số trưởng thành theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đồng thời đạt tốc độ tăng trưởng số lượng cung cấp sản phẩm dịch vụ khoảng 15 - 20%.

CIC sẽ xây dựng phương án giảm 20% giá dịch vụ trong năm 2019 so với năm 2018 để tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động và lãi suất cho vay, bảo đảm kế hoạch tài chính NHNN giao. (Theo Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - CIC ngày 11/01)

Kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tỏ ra lạc quan hơn về hoạt động kinh doanh trong năm 2019. gần 78% tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng tăng so với năm 2018, trong đó nhu cầu vay vốn  tăng mạnh đạt trên 80%, tiếp đến là các dịch vụ gửi tiền và thanh toán.

Tuy nhiên, năm 2019, rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng lại có xu hướng tăng so với những nhận định năm 2018. Khoảng 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục được cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% dự báo sẽ cải thiện đáng kể. (Theo Đài truyền hình Việt Nam ngày 14/01)

Tổng cầu

 

Xuất - nhập khẩu

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 14/01/2019. Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên trực thuộc Bộ Công Thương, giầy dép, thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ được hưởng ngay mức thuế nhập khẩu 0% vào nhiều nước tham gia CPTPP. Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước.

Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Các chuyên gia kinh tế dự báo, kể từ năm 2035, CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, giúp Việt Nam tăng trưởng thêm khoảng 2% GDP, tạo ra 20 - 26 nghìn việc làm/năm, giúp xuất khẩu tăng 4,04%. (Theo Bộ Công Thương ngày 15/01)

Trong năm 2018:

- Việt Nam nhập khẩu 11,43 triệu tấn xăng dầu, trị giá 7,6 tỷ USD trong năm 2018, giảm 11% về khối lượng nhưng tăng 8,6% so về giá trị so với năm 2017. Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ thị trường Malaysia, với 3,28 triệu tấn, tương đương 2,05 tỷ USD, tăng mạnh 25,8% về lượng và 64,5% về kim ngạch. Nhập khẩu xăng dầu từ Malaysia cũng chiếm 28,7% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước và chiếm 26,9% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.

- Có 81.609 ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu vào Việt Nam với trị giá hơn 1,8 tỷ USD,giảm 16,1% về lượng và 19,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Thái Lan là thị trường cung cấp xe lớn nhất cho Việt Nam với 55.634 chiếc trong năm 2018, trị giá hơn 1 tỷ USD. Đứng thứ hai là thị trường Indonesia với 17.146 ôtô nguyên chiếc trị giá hơn 269 triệu USD. Hai thị trường này chiếm 89% tổng lượng xe nguyên chiếc nhập vào Việt Nam trong 1 năm.

 (Theo Tổng cục Hải quan ngày 15/01)

Đầu tư

Trong năm 2017, FDI vào các nước ASEAN đã tăng lên mức kỷ lục 137 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam, Indonesia và Singapore chiếm tới 72% dòng vốn FDI Năm 2019 sẽ là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam nằm trong những điểm đến đầu tư hàng đầu khu vực châu Á. Khoảng 39% số nhà đầu tư được hỏi đánh giá Ðông Nam Á là khu vực đem lại lợi tức đầu tư tốt nhất.. (Theo kết quả khảo sát của Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PWC công bố ngày 15/01)

 

Thủ tướng Chính phủ quyết định giao 1.339,309 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 5) và danh mục dự án bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 5) và danh mục dự án ở trên giao các bộ, cơ quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 5) của từng dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình, dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các nội dung thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Các bộ, cơ quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ danh mục dự án và kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 5) được giao thông báo cho các đơn vị danh mục và kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 5) cho từng dự án theo quy định; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 20/01/2019.

(Theo TTXVN ngày 16/01)

Ngân sách nhà nước

Trong năm 2018:

- Cơ quan thuế thu ngân sách 1,14 triệu tỷ đồng, vượt 7,2% dự toán Quốc hội giao, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, thu từ tiền sử dụng đất đạt khoảng 149% dự toán, bằng 99,8% so với cùng kỳ năm 2017; thu từ tiền thuê đất đạt 141,8% dự toán, tăng 11,7%; thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng đạt khoảng 126,9% dự toán, tăng 19,5%.

Trong năm 2018 có 61/63 tỉnh, thành phố hoàn thành thu ngân sách, trong đó có 24 địa phương tăng trưởng ở mức cao so với năm 2017, đạt từ 15% trở lên.Trong năm 2019, Quốc hội, Chính phủ giao dự toán thu ngân sách năm 2018 cho hệ thống thuế là 1,168 triệu tỷ đồng.

- Cơ quan thuế đã đôn đốc thu nợ đọng được 32.055 tỷ đồng, đạt 76,9% số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2017 chuyển sang năm 2018. Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 75.805 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ có khả năng thu hồi là 39.295 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,8% tổng số tiền nợ thuế, giảm 2.381 tỷ đồng (tương đương giảm 5,7%) so với ngày 31/12/2017.

Toàn hệ thống thuế đã thực hiện trên 90.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, vượt kế hoạch đã đặt ra; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 17.300 tỷ đồng; giảm khấu trừ gần 2.000 tỷ đồng; giảm lỗ trên 34.000 tỷ đồng.

(Theo Tổng cục Thuế ngày 11/01)

Cân đối vĩ mô

 

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá, 4 ngày giảm. Trong phiên giao dịch ngày 19/01 so với ngày 18/01, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,52 - 36,70 triệu đồng/lượng, giảm 70 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,60 - 36,70 triệu đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 27 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 19/01, tỷ giá trung tâm là 22.862 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 18/01; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 18/01 như sau:

- Vietcombank, Techcombank và BIDV: 23.155 - 23.245 VND/USD, không thay đổi.

- Vietinbank: 23.150 - 23.240 VND/USD, giảm 4 đồng ở cả hai chiều.

Lao động

Trong năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tạo việc làm cho khoảng 1,648 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch; trong đó, tạo việc làm trong nước cho trên 1,5 triệu người và đưa gần 143.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để đạt được kết quả trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển thị trương lao động; tăng cường nghiên cứu, dự báo thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động trên thị trường.

Đồng thời, thực hiện các chương trình, dự án chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động bị thu hồi đất… (Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 18/01)

Bảo hiểm

Trong năm 2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội - BHXH trong cả nước đã đạt trên 14,7 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục có sự tăng trưởng và đã đạt độ bao phủ 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Số thu về quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm y tế đạt trên 332.000 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, ở mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu. (Theo BHXH Việt Nam ngày 14/01)

Thị trường tài sản

 

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 14/01 - 18/01/2019:

- VN-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 0,41 điểm (0,05%) lên 902,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 141,99 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.136,5 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,37 điểm (-0,36%) xuống 101,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 25,9 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 357,07 tỷ đồng/ngày.

 - Upcom-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,03 điểm (-0,06%) xuống 53,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 6,33 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 150,12 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5,98 triệu đơn vị, trị giá 735,47 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 1 ngày bán ròng và 4 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 6,13 triệu đơn vị, trị giá 663,05 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 2,92 triệu đơn vị, trị giá mua ròng 150,95 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,14 triệu đơn vị, trị giá 25,43 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 1,44 triệu đơn vị, trị giá 45,67 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,29 triệu đơn vị, trị giá mua ròng 46,99 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 1,59 triệu đơn vị, trị giá 9,62 tỷ đồng).

Chứng khoán

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố thị phần môi giới của các công ty chứng khoán trên HNX. Tính cả năm 2018:

- Trên thị trường cổ phiếu niêm yết, 3 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất là Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, Công ty cổ phần Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI có thị phần lớn nhất, chiếm 11,89% giá trị giao dịch toàn thị trường. Giá trị giao dịch của 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trong năm 2018 chiếm 67,16% giá trị giao dịch toàn thị trường.

- Trên thị trường UPCOM, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu UPCOM, với thị phần chiếm 11,09% giá trị giao dịch toàn thị trường. 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên thị trường cổ phiếu UPCOM năm 2018 chiếm 64,46% giá trị giao dịch toàn thị trường.

- Trên thị trường trái phiếu chính phủ, nhóm thành viên có thị phần môi giới cao nhất (trên 10%) gồm: Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Nhóm thành viên có thị phần môi giới thấp nhất (ít hơn 5%) gồm có Công ty TNHH Chứng khoán ACB, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Công ty cổ phần Chứng khoán SSI.

(Theo HNX ngày 15/01)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam tại Quyết định số số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2019, với mục tiêu tổng quát là thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch; tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng tham gia thị trường; góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam; nâng cao sức cạnh tranh và từng bước tiếp cận với các chuấn mực và thông lệ quốc tế.

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có vốn điều lệ ban đầu là 3.000 tỷ đồng, việc thành lập sẽ diễn ra theo lộ trình hai giai đoạn 2019 - 2020 và 2020 - 2023;  hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên 100% vốn nhà nước dưới hình thức công ty mẹ - công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vổn nhà nước, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội. SGDCK Hà Nội và SGDCK thành phố Hồ Chí Minh là các công ty con do SGDCK Việt Nam đầu tư 100% vốn, hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân.

(Theo báo Nhân dân ngày 12/01)

Trái phiếu

Ngày 16/01, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, với tổng khối lượng gọi thầu 7.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (3.000 tỷ đồng), 15 năm (3.000 tỷ đồng) và 20 năm (500 tỷ đồng). Kết quả đã huy động được 11.000 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động thành công 1.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 3,82%/năm, thấp hơn 0,38%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 31/10/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 5 năm huy động được 500 tỷ đồng với lãi suất 3,82%/năm.

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động thành công 3.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,84%/năm, thấp hơn 0,17%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 9/1 vừa qua). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500 tỷ đồng với lãi suất 4,84%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động thành công 3.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,14%/năm, thấp hơn 0,16%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 9/1 vừa qua). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm huy động được 1.500 tỷ đồng với lãi suất 5,14%/năm.

- Kỳ hạn 20 năm: Huy động thành công 500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,6%/năm, cao hơn 0,38%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 4/7/2018).

Kể từ đầu năm 2019, Kho bạc Nhà nước huy động được 24.200 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thông qua hình thức đấu thầu tại HNX.

(Theo HNX ngày 16/01)