Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 2-5/01/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Tăng trưởng

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 so năm 2017 như sau: GDP tăng 7,08%; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,4%; kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 13,8%; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng 11,5%; xuất siêu 7,2 tỷ USD; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 3,54%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 33,5% GDP; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2%, trong đó khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,55%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều ước tính 6,8%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 01/01)

Năm 2018, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, xuất khẩu đạt kỷ lục mới (40,02 tỷ USD), thúc đẩy tiêu dùng trong nước; tăng trưởng nông nghiệp đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây.

Các chỉ tiêu chủ yếu tổng hợp của ngành nông nghiệp năm 2018 đều vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước. Trong đó, GDP nông - lâm - thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây, giá trị sản xuất tăng 3,86%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; kim ngạch xuất khẩu đạt 40,02 tỷ USD. Thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu của 10 nhóm mặt hàng tiếp tục được duy trì hơn một tỷ USD, với 5 mặt hàng có kim ngạch hơn 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ 8,86 tỷ USD; tôm 3,59 tỷ USD; rau quả 3,81 tỷ USD; cà phê 3,46 tỷ USD; hạt điều 3,43 tỷ USD. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 03/01)

Sản xuất công nghiệp

Ngày 31/12/2018, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá các loại xăng 515 - 538 đồng/lít, các loại dầu 733 - 1.092 đồng/lít. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên của năm 2019.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92 là 16.272 đồng/lít; xăng RON95-III là 17.603 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 14.909 đồng/lít; dầu hỏa là 14.185 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S là 13.275 đồng/kg. Thời gian thực hiện các quyết định trên áp dụng từ 00 giờ 00 ngày 01/01/2019. Trong 5 lần giảm giá trước, giá xăng đã giảm tổng cộng khoảng 4.000 đồng/lít.

Năm 2018, sản lượng điện sản xuất và mua toàn hệ thống đạt 212,9 tỷ kWh, vượt kế hoạch 2,4 tỷ kWh và tăng 10,36% so với năm 2017. Sản lượng điện thương phẩm cả nước đạt 192,93 tỷ kWh, tăng 10,47% so với năm 2017 (cao hơn chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).

Sản lượng điện truyền tải đạt 184,2 tỷ kWh, tăng 10,88% so với 2017. Dự kiến năm 2019, sản lượng điện sản xuất và mua khoảng 232,5 tỷ kWh, tăng 9,2% so với năm 2018.

Sản lượng điện thương phẩm khoảng 211,95 tỷ kWh, tăng 9,9% so với năm 2018. Ngành điện lực phấn đấu đưa Chỉ số tiếp cận điện năng trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) lên hạng 24/190 quốc gia và duy trì vị trí trong ASEAN 4. (Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN ngày 03/01)

Dịch vụ

Năm 2018, thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu đạt 115.982 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 87.960 tỷ đồng, tăng 32,8% so với năm 2017, doanh thu từ hoạt động đầu tư đạt khoảng 28.022 tỷ đồng, tăng 29,4%.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 302.370 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn, ổn định nền kinh tế, với tổng số tiền đầu tư ước đạt 276.437 tỷ đồng, tăng 33%. (Theo Thời báo Tài chính Việt Nam ngày 03/01)

Doanh nghiệp

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong năm 2018 là hơn 165 nghìn doanh nghiệp, với tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế gần 3,9 triệu tỷ đồng. Riêng các doanh nghiệp mới đã tạo thêm việc làm cho hơn 1,1 triệu lao động.

Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy thu hút các doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất, chiếm hơn 35% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,1% so với năm 2017.

Phân theo vùng kinh tế, Đông Nam bộ là vùng có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất, với 55,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 4%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng tăng cao gần 50% so với năm 2017, đạt 90.651 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể đạt 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 31/12/2018)

- Theo kết quả điều tra quý IV/2018 về triển vọng sản xuất - kinh doanh quý I/2019, 59% doanh nghiệp ngoài nhà nước đánh giá tình sẽ ổn định và thuận lợi hơn.

Trong khi đó, tỷ lệ đánh giá của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 57% và 58%. Điều này cho thấy cảm nhận về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp là khả quan và tương đối đồng đều. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 05/01)

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 148 thủ tục hành chính của các bộ, ngành được kết nối Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), ttrong đó riêng năm 2018 có tới 101 thủ tục. Từ thời điểm triển khai ngày 12/11/2014 đến hết năm 2018 có trên 1,8 triệu hồ sơ của khoảng 26.000 doanh nghiệp được xử lý qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Đối với việc thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN (từ tháng 01/2018) , kết thúc năm 2018, Việt Nam đã nhận hơn 59.000 C/O từ các nước ASEAN và gửi gần 99.000 C/O sang các nước.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 04/01)

Trong quý IV/2018 có 66,1% doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, giảm 1,2% so với quý III/2018. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 69,9% doanh nghiệp vay vốn; khu vực doanh nghiệp nhà nước có 59,1% doanh nghiệp; khu vực doanh nghiệp FDI có 31,4% doanh nghiệp vay vốn.

Chia theo ngành, các doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng vay vốn nhiều nhất với tỷ lệ 70,1% doanh nghiệp vay vốn; doanh nghiệp xây dựng nhà các loại là 66,1% và doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng là 60,6%.

Đáng chú ý, trong quý IV/2018, chi trả lãi tiền vay cho hoạt động xây dựng của doanh nghiệp chỉ chiếm 1,4% tổng chi phí sản xuất, giảm 0,2% so với quý III/2018.

Trong đó, chi trả lãi tiền vay của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 1,5%; khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 0,7% và khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 0,8% tổng chi phí sản xuất.

(Theo Kết quả từ điều tra xu hướng sản xuất - kinh doanh ngành xây dựng quý IV/2018 của Tổng cục Thống kê)

Năm 2018, Bộ Tài chính thực hiện bán cổ phần lần đầu đối với 21 doanh nghiệp, thu về 21,6 nghìn tỷ đồng và thoái vốn thu về 18,3 nghìn tỷ đồng, thặng dư 18,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chưa đạt yêu cầu.

Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, nhưng tính đến ngày 20/12/2018 mới có 15 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Ngoài ra, việc đăng ký, giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp cổ phần hóa chậm.

Đến nay, còn 667 doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. (Theo Bộ Tài chính ngày 01/01/2019)

Tổng cầu

 

Đầu tư

Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) năm 2018 đạt 432,2 triệu USD, trong đóvốn cấp mới của149 dự án là 376,2 triệu USD và vốn tăng thêm của 35 dự án là 56 triệu USD.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 24,5% tổng vốn đầu tư; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 82,9 triệu USD, chiếm 19,2%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 52,3 triệu USD, chiếm 12,1%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 52,1 triệu USD, chiếm 12%.

Bên cạnh đó có 38 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Lào là nước dẫn đầu với 81,5 triệu USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư. (Theo Tổng Cục Thống kê ngày 28/12/2018)

Ngân sách
nhà nước

Năm 2018 toàn ngành hải quan đã thu hồi và xử lý 1.521 tỷ đồng. Trong đó có 511,4 tỷ đồng là số thu hồi và xử lý nợ cũ (phát sinh trước ngày 1/1/2018) và 1.009,6 tỷ đồng là thu hồi và xử lý nợ phát sinh trong năm 2018.

Số nợ chuyên thu tính đến ngày 31/12/2018 là 5.289,44 tỷ đồng, giảm 77 tỷ đồng (tương đương giảm 1,45%) so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 1,68% tổng thu ngân sách của ngành hải quan. Trong đó, nhóm nợ khó thu là 3.815 tỷ đồng; nhóm nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 100,35 tỷ đồng; nhóm nợ có khả năng thu là 1.310,35 tỷ đồng. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 05/01)

Xuất nhập khẩu

Theo KPMG Việt Nam ngày 03/01, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh năm 2017 đạt 5,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam năm 2017 đạt 738 triệu USD với các mặt hàng chính là dược phẩm chiếm 18%, bộ phận điện tử chiếm 11% và gỗ nhập khẩu chiếm 7%. Năm 2019, doanh nghiệp Anh mong muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại với Việt Nam, tập trung vào thị trường du học, chăm sóc sức khỏe, điện tử… .

Cân đối vĩ mô

 

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá và 2 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 05/01 so với ngày 04/01, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,54 - 36,74 triệu đồng/lượng, giảm 40 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, nhưng tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Công ty Vàng bạc đá quý Minh Châu: 36,63 - 36,71 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,63 - 36,73 triệu đồng/lượng, giảm 30 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 05/01, tỷ giá trung tâm là 22.829 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 04/01; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 04/01:

- Vietcombank: 23.155 - 23.245 VND/USD, giảm 5 đồng.

- BIDV: 23.155 - 23.245 VND/USD, giảm 5 đồng.

- Techcombank: 23.135 - 23.245 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

Tín dụng

Dự phòng rủi ro tín dụng tính đến cuối năm 2018 tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu được cải thiện, tăng từ 65,4% (năm 2017) lên 78,2% (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác.

Chính phủ phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%. (Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ngày 02/01)

Trong tháng 12/2018, NHNN tiếp tục bơm ròng 35.239 tỷ đồng ra thị trường. Nguồn bơm chủ yếu qua kênh tín phiếu khi có tới 28.960 tỷ đồng đáo hạn mà không thực hiện phát hành thêm, đưa số tín phiếu lưu hành về 0.

Kênh mua bán kỳ hạn vẫn hoạt động mạnh với bình quân trên dưới 12.000 tỷ đồng cho mỗi chiều bơm/hút mỗi ngày, tổng cộng NHNN bơm ròng là 6.279 tỷ đồng, khối lượng OMO lưu hành 51.064 tỷ đồng. (Theo Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán SSI ngày 03/01)

Tổng phương tiện thanh toán tính đến 20/12 tăng 11,34% so với cuối năm 2017, thấp hơn so với tốc độ tăng 14,19% trong năm 2017. Huy động vốn tăng 11,56%, tín dụng tăng 13,3%. Cả hai chỉ tiêu trên đều thấp hơn so với năm 2017 ( lần lượt đạt 14,5% và 16,96%).

Hiện mặt bằng lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến khoảng 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng đạt 6,5 - 7,3%/năm. Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn và 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 27/12/2018)

Thị trường tài sản

 

Trái phiếu

Thủ tướng Chính phủ quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu chính phủ năm 2018 (đợt 4) 127,131 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Định kỳ hằng tháng, quý và cả năm, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu chính phủ năm 2018 theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin về các dự án đầu tư nguồn vốn trái phiếu chính phủ do Bộ quản lý. Trường hợp phát hiện các thông tin không chính xác, phải kịp thời gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ. Nguồn???

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 02/01 - 04/01/2019::

- VN-Index có 1 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 2,68 điểm (0,31%) lên 880,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 134,82 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.016,86 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 1 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,32 điểm (0,32%) lên 100,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 27,85 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 357,72 tỷ đồng/ngày.

 - Upcom-Index có 1 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,02 điểm (0,03%) lên 52,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 9,72 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 178,63 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 506.310 đơn vị, mua ròng 202,95 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 1 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 733.570 đơn vị, trị giá 177,64 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 17,77 triệu đơn vị, trị giá 781,28 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 1 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,41 triệu đơn vị, trị giá 9,37 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 32,79 triệu đơn vị, trị giá 857,21 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng, tuy nhiên khối lượng bán ròng 169.940 đơn vị, trị giá mua ròng 34,68 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 10 triệu đơn vị, trị giá 65,85 tỷ đồng).

Bất động sản

Tính đến ngày 20/12/2018, giá trị tồn kho bất động sản là 22.825 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý I/2013 đã giảm 105.723 tỷ đồng (82,24%), so với ngày 20/12/2017 giảm 2.557 tỷ đồng (10,07%).

Diện tích nhà ở hoàn thành trong năm 2018 khoảng 58 triệu m2. Đến nay đã hoàn thành khoảng 5.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn khoảng 290.000 m2. Diện tích bình quân nhà ở đạt 24 m2 sàn/người.

Về mặt quy hoạch, năm 2018 đã có 12 đô thị được nâng loại (3 đô thị loại II, 4 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV). Đến nay, tổng số đô thị cả nước là 828 đô thị, bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 24 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV, 652 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,4%. (Theo Bộ Xây dựng ngày 04/01)