Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 28/5-2/6/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Dịch vụ

Trong tháng 5/2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,16 triệu lượt người, giảm 13,5% so với tháng 4/2018. Tính chung 5 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,7 triệu lượt người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, khách châu Á đạt hơn 5 triệu lượt, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2017. Khách châu Âu ước tính tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018. Khách châu Mỹ tăng 13,8%. Khách châu Đại Dương tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017… (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/5)

Doanh nghiệp

Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2016, có 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 doanh nghiệp nhà nước (chủ yếu là các công ty xổ số, công ích và 3 tập đoàn: Dầu khí, Điện lực và Viettel).

Năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước là 1,39 triệu tỷ đồng; tổng tài sản là 3,05 triệu tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 1,51 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 139.658 tỷ đồng.

Tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp là 251.845 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả là 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2011 (1,29 triệu tỷ đồng) và các khoản phải thu là 384.310 tỷ đồng, tăng 29,6% so với năm 2011 (296.541 tỷ đồng).

(Theo Chính phủ ngày 28/5)

Trong tháng 5/2018, số doanh nghiệp thành lập mới là 11.027 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 104.831 tỷ đồng, giảm 24% về số doanh nghiệp và giảm 21,5% về số vốn đăng ký so với tháng 4.

Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 3,3%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, cả nước có 52.322 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 516.859 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 2,8%. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 28/5)

Trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước cổ phần hóa được 570 doanh nghiệp, tổng giá trị thực tế của các doanh nghiệp là 797.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 214.000 tỷ đồng. Cả nước thoái vốn được 11.500 tỷ đồng, thu về 11.100 tỷ đồng.

Sang giai đoạn 2017 - 2020, cả nước phải cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. Trong 5 tháng đầu năm 2018, có 5 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị doanh nghiệp là 8.752 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỷ đồng.

Tổng vốn điều lệ theo phương án được phê duyệt là 3.131 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 1.509 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 211 tỷ đồng; đấu giá công khai 1.371 tỷ đồng, bán cho người lao động là 38 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 868 triệu đồng. Trong 5 tháng qua, các doanh nghiệp đã thoái vốn được 1.469 tỷ đồng, thu về 3.973 tỷ đồng.

(Theo Bộ Tài chính ngày 28/5)

Trong tháng 5/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu giá quyền mua cổ phiếu phát hành thêm của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và phiên đấu giá thoái vốn của Công ty Apatit Việt Nam tại Công ty Phốt pho Apatit Việt Nam.

Kết quả, 100% số cổ phần chào bán đã được bán hết, tương ứng 10,5 triệu cổ phần. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2018, HNX đã tổ chức 19 phiên đấu giá với tổng khối lượng cổ phần đấu giá hơn 1 tỷ cổ phần, với khối lượng cổ phần trúng giá đạt hơn 627 triệu đơn vị. Như vậy, tỷ lệ thành công đạt 63% và tổng giá trị bán được hơn 9.800 tỷ đồng. (Theo TTXVN ngày 30/5)

PMI

Trong tháng 5/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng thêm 1,2 điểm, từ 52,7 điểm lên 53,9 điểm. Đây là mức cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 4/2017.Các điều kiện kinh doanh được cải thiện do số lượng đơn đặt hàng mới (chủ yếu là xuất khẩu) đã tăng mạnh so với tháng 4 và số lượng việc làm cũng tăng nhanh hơn. (Theo báo cáo về PMI của Nikkei ngày 01/6)

Tổng cầu

Xuất - nhập khẩu

Tính đến đầu tháng 3/2018, Việt Nam thâm hụt thương mại khoảng 5 triệu USD với Nhật Bản, cụ thể:

- Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 2,7 tỷ USD, tăng gần 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản là dệt may đạt 537 triệu USD; phương tiện vận tải đạt 365,2 triệu USD; máy móc thiết bị gần 259 triệu USD…

- Tổng kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản là 2,705 tỷ USD hàng từ Nhật Bản, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Nhật Bản là máy móc, thiết bị với kim ngạch 675 triệu USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gần 392 triệu USD; sắt thép hơn 203 triệu USD…

(Theo Bộ Công Thương ngày 28/5)

Trong tháng 5/2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 9,6%; thủy sản đạt khoảng 3,12 tỷ USD, tăng 9,7%; các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 3,4 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm gần 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 29/5)

Trong tháng 5/2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 303,1 triệu USD, tăng 10% so với tháng 5/2017. Về thị trường xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng.

Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, đạt gần 989 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2017; Hoa Kỳ chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu, với 39 triệu USD, tăng 12,3%; Nhật Bản chiếm 2,8%, với 36,55 triệu USD, tăng 15,9%; Hàn Quốc với kim ngạch 34,78 triệu USD, tăng 13,28%.

(Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan ngày 01/6)

Kim ngạch nhập khẩu nhóm nguyên, phụ liệu dệt may, da, giầy của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2018 giảm 0,02% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1,74 tỷ USD. Riêng tháng 4/2018 nhập khẩu nhóm hàng này đạt 497,05 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng 3/2018, nhưng giảm 0,8% so với tháng 4/2017.

Hiện nay có 5 thị trường lớn cung cấp nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da, giầy cho Việt Nam, với trị giá trên 100 triệu USD là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, khu vực Đông Nam Á. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 30/5)

5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất siêu 3,39 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,39 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,78 tỷ USD.

- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 93 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,43 tỷ USD, tăng 17,8%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 66,66 tỷ USD, tăng 15%, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- Kim ngạch hàng hóa nhập đạt khoảng 89,7 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,82 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực FDI đạt 52,88 tỷ USD, tăng 6,7%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/5)

Đầu tư

Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho thấy, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai, sau Trung Quốc, trong số các quốc gia mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư trong thời gian tới. Lũy kế đến cuối tháng 3/2018, Nhật Bản có 3.693 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 49,8 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến ngày 20/3, Nhật Bản đã có 96 dự án cấp mới, 42 dự án tăng vốn và 112 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là gần 593 triệu USD, đứng thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. (Theo Bộ Công Thương ngày 28/5)

Từ đầu năm đến ngày 20/5/2018, Việt Nam đã thu hút được 1.076 dự án FDI mới với số vốn đăng ký hơn 4,6 tỷ USD, tăng 14,6% về số dự án và giảm 16,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó có 393 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư thêm gần 2,5 tỷ USD. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đạt hơn 7,1 tỷ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn FDI thực hiện 5 tháng đầu năm đạt khoảng 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra còn có 2.341 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút lượng FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt hơn 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 49% tổng vốn đăng ký cấp mới.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/5)

Trong năm 2017, Việt Nam đầu tư sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 268,5 triệu USD (giảm 10% số dự án và 84% vốn đăng ký so với năm 2016; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 350 triệu USD, giảm 64%.

Về địa bàn đầu tư, Việt Nam đầu tư vốn nhiều nhất vào Marshall Islands (56,9 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đăng ký), Hoa Kỳ (56,5 triệu USD, chiếm 16,2%), Cambodia (56,5 triệu USD, chiếm 16,1%), Úc (48,2 triệu USD, chiếm 13,8%), Uganda (35 triệu USD, chiếm 10%).

Tổng vốn đầu tư thực hiện trong năm 2017 là 359,6 triệu USD, giảm 34% so với năm 2016; tổng vốn lũy kế đến hết năm 2017 khoảng 7,51 tỷ USD.

Tổng số tiền đã chuyển về nước đến hết năm 2017 là 1,8 tỷ USD, bao gồm lợi nhuận/lãi được chia đã chuyển về nước lũy kết hết năm 2017 là 966,9 triệu USD, vốn thu hồi là 841,1 triệu USD. Lợi nhuận lũy kế giữ lại chưa chuyển về nước/để tái đầu tư là 249,5 triệu USD.

Năm 2018, dự kiến vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt 300 triệu USD, vốn thực hiện khoảng 400 triệu USD.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 30/5)

Tính đến ngày 31/12/2016 có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài thông qua 110 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản... Lũy kế đến ngày 31/12/2016, tổng vốn đầu tư thực hiện là 7,07 tỷ USD.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn thấp: 25,5% dự án báo lỗ năm 2016, 29% dự án lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2016, 46,4% dự án không có báo cáo về doanh thu và lợi nhuận. (Theo Chính phủ ngày 28/5)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng 5/2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 354 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 1,752 triệu tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2017 tăng 7,5%). Xét theo ngành hoạt động:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.325,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11%.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 214,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%.

- Doanh thu du lịch lữ hành 16,2 nghìn tỷ đồng, tăng 23%.

- Doanh thu dịch vụ khác 196,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/5)

Cân đối vĩ mô

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 1 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 3 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 02/6 so với ngày 01/6, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,60 - 36,67 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,60 - 36,68 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 23 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng, 2 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 02/6, tỷ giá trung tâm là 22.566 VND/USD, không thay đổi so với ngày 01/6; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại như sau:

- Vietcombank và BIDV: 22.765 - 22.835 VND/USD, không thay đổi.

- Viettinbank: 22.770 - 22.840 VND/USD, không thay đổi.

Lạm phát

Trong tháng 5/2018, CPI tăng 0,55% so với tháng 4. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. 9 trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,72%, chủ yếu do ảnh hưởng từ hai đợt tăng giá xăng, dầu trong tháng 5 (tác động làm CPI chung tăng 0,16%).

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/5)

Lãi suất

Trong tuần từ 14 - 18/5/2018:

- Lãi suất huy động: Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 7,3%/năm. Lãi suất huy động đồng USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

- Lãi suất cho vay: Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay đồng USD phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5 - 6%/năm.

(Theo Ngân hàng Nhà nước - NHNN ngày 30/5)

Thị trường liên ngân hàng

Trong tuần 14 -18/5/2018, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt khoảng 163.782 tỷ đồng, bình quân 32.756 tỷ đồng/ngày, giảm 6.522 tỷ đồng/ngày so với tuần 7 - 11/5/2018; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 88.148 tỷ đồng, bình quân 17.630 tỷ đồng/ngày, giảm 3.590 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (46% tổng doanh số giao dịch VND) và kỳ hạn 1 tuần (30% tổng doanh số giao dịch VND). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 67% và 22%.

(Theo NHNN ngày 30/5)

Thị trường tài sản

Cổ phiếu

Trong tuần từ 28/5 - 01/6/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 21,62 điểm (2,23%) lên 992,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 187,1 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 5.587,18 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,83 điểm (0,73%) lên 115,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 49,97 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 700,99 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,07 điểm (0,13%) lên 52,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,11 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 179,98 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15.130.000 đơn vị, trị giá 911,13 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng (01/6), tổng cộng bán ròng 16,8 triệu đơn vị, trị giá 1.001 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 40,48 triệu đơn vị, trị giá 2.396 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 1 ngày mua ròng và 4 ngày bán ròng, tổng cộng mua ròng 600.000 đơn vị, trị giá 58,92 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 840.000 triệu đơn vị, trị giá 3 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 5 ngày mua ròng, với khối lượng 1,07 triệu đơn vị, trị giá 30,95 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 2 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 55 tỷ đồng).

Chứng khoán

Sau khi tăng mạnh trong quý I - đạt mức cao nhất 1.204 điểm (ngày 9/4), TTCK bắt đầu xu hướng điều chỉnh giảm. Từ giữa tháng 5 đến nay, thị trường có xu hướng điều chỉnh giảm mạnh hơn. VN-Index đã giảm gần 20% về 963,9 điểm (ngày 25/5) và tiếp tục giảm 24 điểm vào ngày 28/5. Tính đến ngày 25/5, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 5.332 tỷ đồng trên cả hai sàn.

Tuy nhiên, dòng vốn nước ngoài tiếp tục vào ròng tương đối cao, đạt 615 triệu USD trong tháng 4 và 809 triệu USD trong tháng 5/2018. Giá trị vốn “ngoại” chảy vào ròng lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/5/2018 đạt gần 2,35 tỷ USD, bằng 80% mức vào ròng của cả năm 2017 và cao hơn nhiều so với mức vào ròng 1,28 tỷ USD của năm 2016. (Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 31/5)

Chính sách

Quyết định số 598/QĐ-TTg:

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP sẽ đạt từ 30 - 35%, tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 85 - 90%; lao động trong công nghiệp và xây dựng chiếm 25 - 30%; tốc độ tăng trưởng đầu tư và số lượng doanh nghiệp trong công nghiệp cao hơn tốc tăng trưởng bình quân toàn xã hội.

Giai đoạn đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP được duy trì ở mức trên 35%, tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo trong xuất khẩu được duy trì ở mức trên 85%; tỷ trọng lao động, doanh nghiệp và đầu tư trong công nghiệp cao hơn so với giai đoạn 2015 - 2020.