JICA hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
Nhằm nâng cao năng lực thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đề xuất Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ về giám định, xây dựng mô hình kiểm soát và dự báo cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.
Tiếp theo Dự án “Xây dựng và tăng cường quản lý phương thức chi trả và gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả tại Việt Nam (SHIP)” và chuẩn bị cho việc xây dựng, phê duyệt một dự án mới, JICA đề nghị BHXH Việt Nam đề xuất các hoạt động cần sự hỗ trợ của JICA trong giai đoạn 2020 - 2022 phù hợp với định hướng của Đảng, Chính phủ và chiến lược phát triển của ngành.
Tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam mới đây, đại diện cấp cao JICA - bà Iwama Nozomi - cho biết, hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đang xây dựng một đề xuất độc lập với JICA theo 3 nội dung về: Hội đồng quản lý; xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản; giải pháp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh già hóa dân số. Do đó, JICA cũng đề nghị BHXH Việt Nam cân nhắc lồng ghép với dự án của Bộ Y tế, nhằm tạo điều kiện cho việc phê duyệt dự án chung về y tế.
Ghi nhận và đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai bên, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH nhận định, với những kinh nghiệm từ dự án SHIP, BHXH Việt Nam luôn mong muốn những dự án tiếp theo sẽ đạt hiệu quả cao; qua đó giúp nâng cao năng lực thực hiện chính sách BHYT cho toàn hệ thống.
Theo đó, thời gian tới, ông Phạm Lương Sơn đề xuất JICA tiếp tục hỗ trợ BHXH Việt Nam trong 3 nội dung gồm: Hoàn thiện nâng cấp khả năng giám định, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh ở Việt Nam, mục đích là nâng cấp phần mềm giám định BHYT; nâng cấp chất lượng công tác giám định tại Việt Nam, xây dựng mô hình kiểm soát và tính toán cân đối quỹ BHYT ở Việt Nam; nội dung xoay quanh việc JICA đào tạo cho cán bộ thuộc BHXH Việt Nam tại Trung ương cũng như địa phương để làm tốt việc tính toán cân đối quỹ BHYT.
Quy tắc tính toán để thực hiện bắt nguồn từ xây dựng dự toán, tính toán..., dự báo khả năng cân đối quỹ BHYT ở Việt Nam. Xác định cơ sở dữ liệu quốc gia Việt Nam về thuốc, vật tư y tế, bao gồm: Thông tin dữ liệu cơ bản tất cả các loại thuốc và vật tư; đồng thời kết nối được dữ liệu với các cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở đấu thầu thuốc tại Việt Nam.
Những đề xuất trên, theo ông Phạm Lương Sơn là những vấn đề cần thiết xuất phát từ thực tiễn trong quá trình thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam, việc triển khai thực hiện sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội, hoàn thiện chính sách BHYT ở Việt Nam. Về phía JICA, bà Iwama Nozomi cho biết, cơ quan này sẽ nghiên cứu để đưa vào chương trình phối hợp giữa JICA với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thời gian tới.