Lên “kịch bản” ứng phó, tiếp cận các đối tượng để vận động tham gia BHXH, BHYT

Thu An

Tại Hội nghị trực tuyến công tác thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 9 diễn ra ngày 15/9/2020, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã yêu cầu BHXH các tỉnh lên “kịch bản” ứng phó, tiếp cận các đối tượng để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH, BHYT, nhất là về BHXH tự nguyện.

BHXH các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
BHXH các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Khó khăn trong công tác thu

Ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, 8 tháng qua, toàn quốc có 14,56 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, do đó để hoàn thành kế hoạch, từ nay đến cuối năm cả nước còn phải phát triển thêm 1,48 triệu người.

Bên cạnh các địa phương có số người tham gia BHXH bắt buộc tăng, thì có tới 32 tỉnh, thành phố con số này lại giảm so tháng 7/2020 như: Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh... Đáng chú ý, có 2 tỉnh hoàn thành vượt kế hoạch BHXH Việt Nam giao về phát triển BHXH tự nguyện là Kon Tum (120,3%) và Hà Tĩnh (109,7%).

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước còn nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền là 21.408 tỷ đồng (bằng 5,3% so với số phải thu). Trong đó, nợ BHXH là 16.595 tỷ đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 772 tỷ đồng; nợ BHYT là 3.891 tỷ đồng. Riêng số tiền ngân sách nhà nước chưa đóng BHYT cho một số đối tượng là 2.317 tỷ đồng.

Chia theo thời gian nợ, toàn quốc có 165.260 đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH từ 1-3 tháng với số tiền là 6.772 tỷ đồng; 42.853 đơn vị nợ từ 3-6 tháng với số tiền là 3.050 tỷ đồng; 28.928 đơn vị nợ từ 6-12 tháng với số tiền là 3.064 tỷ đồng; 12.176 đơn vị nợ từ 12-24 tháng với số tiền là 1.505 tỷ đồng; 4.395 đơn vị nợ từ 24-36 tháng với số tiền là 632 tỷ đồng và 8.255 đơn vị nợ trên 36 tháng với số tiền là trên 1.880 tỷ đồng.

Đến 31/8/2020, BHXH các địa phương đã làm việc trực tiếp với 5.091 đơn vị sử dụng lao động để nắm bắt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cơ quan BHXH đã rà soát, đôn đốc 26.668 đơn vị đã tham gia BHXH, BHYT qua dữ liệu thuế cho 148.585 người lao động; làm việc với 71.726 DN nợ BHXH, BHYT và đã thu hồi 4.350 tỷ đồng; thanh tra đột xuất 379 đơn vị nợ BHXH, BHYT và thu hồi 39,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, cơ quan BHXH đã chuyển hồ sơ 127 doanh nghiệp cố tình nợ 207 tỷ đồng BHXH, BHYT sang cơ quan Công an để đề nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT

Để hoàn thành kế hoạch năm 2020, ông Dương Văn Hào cho rằng, BHXH các địa phương cần tham mưu với Thành ủy, Tỉnh ủy ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác BHXH, BHYT trên địa bàn; giao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT đối với từng quận, huyện.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT bằng nhiều hình thức khác nhau; gửi danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT đến đại lý thu để đôn đốc, vận động đối tượng tiếp tục tham gia; triển khai rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp; thanh tra đột xuất đối với các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên...

Đồng thời, phát động phong trào thi đua hằng tháng với chủ đề "Đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; công tác thu, giảm nợ năm 2020 nhằm hoàn thành các chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao".

Bên cạnh những giải pháp trên, ông  Trần Đình Liệu cũng yêu cầu Ban Thu cần khẩn trương xây dựng kịch bản giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT; giảm nợ theo từng tháng cho BHXH các tỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng cụ thể từng vấn đề (số đối tượng tham gia, số tiền thu, số tiền nợ); đồng thời, có những giải pháp chỉ đạo, giám sát, kiểm tra đôn đốc thực hiện, thậm chí phối kết hợp với các đơn vị tổ chức họp đánh giá kết quả; lên lịch làm việc với BHXH các địa phương để đôn đốc thực hiện...

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng yêu cầu Vụ Thi đua-Khen thưởng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thi đua hoàn thành nhiệm vụ; động viên khen thưởng kịp thời các địa phương, cá nhân hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch được giao; chấm điểm “đúng, trúng” các địa phương hoàn thành và không hoàn thành kế hoạch.

“Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ, ngành vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội nên lãnh đạo BHXH các địa phương phải nắm bắt tình hình địa phương mình, lúc nào cần tăng cường, chủ động và không đổ lỗi do đại dịch. Đặc biệt, BHXH các tỉnh tích cực phối hợp với các ngành liên quan khai thác số liệu đối tượng nghèo, cận nghèo, số doanh nghiệp… để dự kiến tăng giảm trong năm 2021... Từ đó, lên “kịch bản” ứng phó, tiếp cận các đối tượng để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH, BHYT, nhất là về BHXH tự nguyện”, ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước còn nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền là 21.408 tỷ đồng (bằng 5,3% so với số phải thu). Trong đó, nợ BHXH là 16.595 tỷ đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 772 tỷ đồng; nợ BHYT là 3.891 tỷ đồng. Riêng số tiền ngân sách nhà nước chưa đóng BHYT cho một số đối tượng là 2.317 tỷ đồng.