Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo N.Tú/nld.com.vn

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định và hướng dẫn một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) bắt buộc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), sau 3 năm triển khai thực hiện Luật AT-VSLĐ và Nghị định số 37/2016/NĐ-CP, hầu hết các trường hợp TNLĐ, BNN đã xác định tỉ lệ suy giảm sức khỏe đều được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn 2016-2018, các cơ quan BHXH đã chi khám giám định thương tật bình quân hơn 1,9 tỉ đồng/năm; chi trợ cấp bình quân gần 148 tỉ đồng/năm; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề bình quân gần 67 tỉ đồng/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN), việc triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN còn vướng mắc, chậm, do một số quy định về tài chính, thủ tục hành chính quá phức tạp.

Trong khi đó, mục đích chính của Luật AT-VSLĐ đặt ra là mở rộng đối tượng sang cả khu vực lao động không có hợp đồng lao động, chuyển mạnh từ bị động giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, BNN.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng các cấp, ngành cần tích cực sử dụng hiệu quả tối đa 10% từ nguồn thu bảo hiểm TNLĐ, BNN hằng năm (500 tỉ đồng/ năm) để hỗ trợ cho các DN, người lao động trong cả nước phòng ngừa TNLĐ, BNN; mở rộng nội dung hỗ trợ, nâng mức bồi thường trợ cấp; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN sang khu vực không có quan hệ lao động.

Luật An toàn vệ sinh lao động sửa đổi theo hướng nâng mức hỗ trợ cao hơn cho người bị tai nạn lao động
Luật An toàn vệ sinh lao động sửa đổi theo hướng nâng mức hỗ trợ cao hơn cho người bị tai nạn lao động

Theo Cục An toàn lao động, dự thảo nghị định mới sẽ được xây dựng theo hướng bỏ bớt thủ tục hành chính; quy định rõ hơn, thuận lợi hơn mức hỗ trợ (cao hơn); quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn, nhằm hỗ trợ DN thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm TNLĐ, BNN.