Ngân hàng 'bán bia kèm lạc' với bancassurance

Theo Lê Hải/ndh.vn

Bancassurance được dự báo là động lực tăng trưởng chính thu nhập dịch vụ của ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đến các ngân hàng, khi khách hàng vay vốn, phần lớn đều được nhân viên tín dụng hỏi về nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ. Dù việc sắp xếp cho vay và “chào” bảo hiểm là hai gói hoàn toàn khác biệt, vẫn có những ưu đãi riêng nếu khách hàng sử dụng cả 2 dịch vụ.

Tại Sacombank, khách hàng đến vay có thể được giảm 0,5-1% lãi suất nếu mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ của Dai–ichi life Việt Nam. Giá trị gói bảo hiểm sẽ được nhân viên tín dụng cân đối và giới thiệu, phụ thuộc vào khoản vay và năng lực của khách hàng.

Một khách hàng nhu cầu vay 10 tỷ đồng tại Sacombank, ước tính bình quân thu nhập 200 triệu đồng/tháng, có thể được giới thiệu gói bảo hiểm 150 triệu đồng/năm, tùy thời hạn có thể cùng kỳ hạn của khoản vay hoặc số khác. Nếu đồng ý sử dụng cả 2 gói dịch vụ, khách hàng có thể hưởng lãi suất thấp hơn 1%.

Tại MSB, khách hàng được ưu đãi lãi suất 0% tháng đầu tiên nếu đi vay và mua gói bảo hiểm của Prudential. Một nhân viên tín dụng ngân hàng cho biết khách hàng đến vay, có thể được chào gói bảo hiểm tùy thuộc mức thu nhập. “Giá trị gói bảo hiểm có thể bằng 10-20% thu nhập/năm trừ các chi phí phải trả của khách hàng”, một nhân viên cho biết.

Trước đó, một khách hàng của ngân hàng này phản ánh khi vay thế chấp mà không mua bảo hiểm, mức phí phạt trả nợ trước hạn là 5% còn mua bảo hiểm thì bị phạt 2%. Theo ACB, bảo hiểm là sản phẩm riêng biệt với gói vay của khách hàng, vấn đề về phí được quy định trên khế ước nợ.

Khách hàng được giới thiệu gói bảo hiểm nếu có nhu cầu. Ảnh: MSB. 
Khách hàng được giới thiệu gói bảo hiểm nếu có nhu cầu. Ảnh: MSB. 
 

Trong khi đó, khách hàng đi vay tại Vietcombank có thể được chào gói bảo hiểm nếu có nhu cầu, nhưng thường sẽ không có ưu đãi lãi suất liên quan đến gói vay. Một nhân viên tín dụng của ngân hàng cho biết sẽ ưu tiên bán bảo hiểm nhân thọ của Vietcombank Cardif Life (VCLI), đơn vị được bán cho FWD theo hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền. 

Các bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm xe… là bắt buộc nên sẽ được bán kèm theo các khoản vay với mục đích mua nhà, mua xe của khách hàng. “Khách hàng có chất lượng tín dụng tốt, khi đến vay sẽ được giới thiệu nếu có nhu cầu. Nếu họ đồng ý thì sẽ mua riêng biệt, ít khi có ưu đãi lãi suất, vì thường năng lực khách hàng tốt. Với những khách hàng chất lượng tín dụng sẽ không được cho vay và cũng không chào bảo hiểm”, nhân viên tín dụng Vietcombank chia sẻ.

Theo chia sẻ của nhân viên tín dụng, khách hàng đến vay sẽ được hưởng lãi suất khác nhau tùy vào năng lực tài chính và đàm phán của hai bên. Mức lãi suất sẽ dao động trong ngưỡng sàn của ngân hàng và trần của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc khách hàng được ưu đãi lãi suất khi tham gia một gói sản phẩm khác như bảo hiểm, sẽ tùy thuộc vào cơ chế của mỗi ngân hàng.

Báo cáo của nhiều CTCK có chung nhận định bancassurance sẽ là động lực tăng trưởng thu nhập dịch vụ của các nhà băng trong tương lai, trong bối cảnh chiến lược bán lẻ được đẩy mạnh. Đẩy mạnh hoạt động này được đưa nhiều lãnh đạo ngân hàng như Vietcombank BIDV, ACB, VPBank… là mục tiêu trong những năm tới.Lãnh đạo ACB tiết lộ ngân hàng có thể ký độc quyền bancassurance trong 6 tháng cuối năm nay. Năm 2019, Vietcombank đã ký hợp đồng độc quyền với FWD thời hạn 15 năm.

Một số ngân hàng trên thị trường hiện nay đã ký bancassurance độc quyền có thể điểm tới như VPBank và AIA, Techcombank với Manulife, Sacombank với Dai-ichi Life Việt Nam, MSB với Prudential… Các nhân viên tín dụng bắt đầu được giao thêm KPIs về bảo hiểm nhân thọ, bên cạnh chỉ tiêu cho vay.

Giám đốc Phân tích Chứng khoán SSI nhận định bancassurance sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trung bình 30-50%. Giai đoạn 2016-2018, theo VDSC doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng đã tăng với tốc độ bình quân 86% mỗi năm, nâng dần tỷ trọng trong tổng thu nhập phí bảo hiểm nhân thọ.

Tại TPBank, báo cáo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định bancasurrance và thẻ tín dụng sẽ là yếu tố chính dẫn dắt thu nhập phí với tăng trưởng kép 46,4% giai đoạn 2019-2022. Trong khi đó, tại ACB, bancassurrance được dự báo sẽ thay thế thu nhập từ thu hồi nợ đã xử lý trở thành yếu tố dẫn dắt chính cho lợi nhuận ngoài lãi. 

Thực tế, việc "bán bia kèm lạc" với bancassurance của các ngân hàng từng được cơ quan điều hành để ý. Cuối năm 2019, trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Long An đề cập tình trạng khá phổ biến, các ngân hàng thương mại "chào" khách hàng khi đến làm hồ sơ, thủ tục vay tiền phải mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm cháy nổ...

Cơ quan này có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại có đơn vị hoạt động trên địa bản tỉnh báo cáo về việc cho vay bán kèm bảo hiểm về các nội dung như loại bảo hiểm ngân hàng giới thiệu, có hay không việc “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm khi làm hồ sơ, thủ tục vay vốn... và sẽ thanh kiểm tra theo các nội dung trên. Nếu ngân hàng nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.