Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thi đua hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao
Năm năm qua, các phong trào thi đua của toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã được đổi mới về nội dung và hình thức; triển khai bài bản, khoa học với tiêu chí và nội dung cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, thông qua các phong trào thi đua, toàn Ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao...
Ngày 14/10/2020, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành BHXH lần thứ V, nhằm tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2016 - 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025; tuyên dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước; đồng thời, tiếp tục cổ vũ, động viên công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành đoàn kết, năng động, sáng tạo thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Đổi mới nội dung và hình thức các phong trào thi đua
Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020, là giai đoạn Đảng và Nhà nước có nhiều quan tâm, chỉ đạo đổi mới và ban hành các quy định mới về công tác thi đua khen thưởng; trong bối cảnh thực hiện các quy định mới của Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung được thực hiện; Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH…
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác thi đua khen thưởng, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các đơn vị trong toàn Ngành tăng cường quản lý, đổi mới công tác thi đua khen thưởng; tổ chức phát động phong trào thi đua hàng năm và thực hiện sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua nhằm đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc.
Năm năm qua, căn cứ các quy định, chính sách về thi đua khen thưởng của Nhà nước, BHXH Việt Nam đã ban hành gần 200 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong toàn Ngành (năm 2016: 20 văn bản; năm 2017: 55 văn bản; năm 2018: 48 văn bản; năm 2019: 25 văn bản và 6 tháng đầu năm 2020: 25 văn bản).
Hệ thống văn bản về công tác thi đua khen thưởng của BHXH Việt Nam thường xuyên được cập nhật, kịp thời sửa đổi, bổ sung để thực hiện đúng các quy định mới của Nhà nước và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Ngành, tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thi đua khen thưởng.
Đặc biệt, phong trào thi đua của ngành BHXH được đổi mới về nội dung và hình thức; triển khai bài bản, khoa học với tiêu chí và nội dung cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ được giao; thực sự trở thành động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
5 năm qua, BHXH Việt Nam đã hưởng ứng, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động gồm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; trong đó tập trung chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các chỉ tiêu thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Kết quả, 100% các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt các nội dung phong trào thi đua đến toàn thể công chức, viên chức thuộc đơn vị để mỗi người trên từng vị trí công tác của mình nhận thức đúng đắn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh việc hưởng ứng và tổ chức thực hiện 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và phát động 2 phong trào thi đua theo giai đoạn; 5 phong trào thi đua thường xuyên hàng năm và 10 phong trào thi đua chuyên đề theo đợt, phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm.
Gắn phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao
Thông qua các phong trào thi đua, hàng năm, toàn Ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao... Số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hàng năm đều tăng vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến 31/8/2020, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 86,4 triệu người, đạt 98,14% kế hoạch được giao. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh, đến tháng 8/2020 đạt 786.173 người, chỉ tính riêng số người tăng mới năm 2019 tăng gấp 2 lần giai đoạn 10 năm trước (2008 - 2018). Số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Tính riêng năm 2019, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 184 triệu lượt người, tăng 54 triệu lượt người so với năm 2015...
Công tác cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã giảm từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 27 thủ tục (năm 2019). Nhiều thủ tục rút ngắn thời gian giải quyết như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày..., riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin...
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối liên thông với 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc.
Về kết quả thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy, BHXH Việt Nam đã giảm 65 đầu mối cấp phòng thuộc 63 BHXH cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 58 BHXH thành phố, thị xã trực thuộc BHXH cấp tỉnh, nơi có trụ sở BHXH cấp tỉnh đóng trên địa bàn, giảm 6 BHXH cấp huyện thuộc BHXH tỉnh...
BHXH Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển đối tượng tiềm năng năm 2020 là khu vực phi chính thức và theo đó tổ chức thành công 02 Lễ ra quân “Hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện” và “Hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”.
Kết quả, chỉ sau 4 ngày triển khai 2 Lễ ra quân (tại Lễ ra quân tháng 5 và tháng 7) trên cả nước, tuyên truyền vận động trực tiếp tới nhóm lao động tại khu vực phi chính thức và nhóm người dân tại các hộ gia đình, toàn Ngành đã vận động được gần 124.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, trong đó, 60.000 người tham gia BHXH tự nguyện và gần 64.000 người tham gia BHYT hộ gia đình…
5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi đua khen thưởng
Trên cơ sở kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021-2025, toàn ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước với mục tiêu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao của Ngành.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, trong giai đoạn 2021 -2025, ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai công tác thi đua khen thưởng theo các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, Chỉ thị số 18/CT-TTg. Tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, của Ngành về công tác thi đua khen thưởng.
Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị toàn Ngành tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và các phong trào thi đua do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát động. Gắn phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành và gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.
Thứ ba, bám sát kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được Đảng và Nhà nước giao để phát động các phong trào thi đua, các đợt thi đua chuyên đề với nội dung thi đua cụ thể, sát với nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm từng thời điểm cụ thể.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lưu trữ hồ sơ khen thưởng liên thông với phần mềm quản lý cán bộ, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác thi đua khen thưởng.
Thứ năm, hoàn thiện cơ chế chấm điểm thi đua, đánh giá, xếp loại thi đua đảm bảo khách quan, công bằng và hiệu quả; cơ chế đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân thông qua Bộ chỉ số lượng hóa tiêu chí đánh giá gắn với phân phối tiền lương, thu nhập.
Thông qua các phong trào thi đua, hàng năm, toàn Ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao... Số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hàng năm đều tăng vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến 31/8/2020, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 86,4 triệu người, đạt 98,14% kế hoạch được giao. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh, đến tháng 8/2020 đạt 786.173 người, chỉ tính riêng số người tăng mới năm 2019 tăng gấp 2 lần giai đoạn 10 năm trước (2008 - 2018). Số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.