Rốt ráo đòi nợ bảo hiểm xã hội

Theo Ngọc Dung - Mai Chi/nld.com.vn

Hàng trăm hồ sơ của các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) có dấu hiệu chây ì, trốn đóng đã được chuyển sang cơ quan công an.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, BHXH TP. Hà Nội đã đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, xác minh tại 11 doanh nghiệp (DN) nợ BHXH với số tiền 62,8 tỷ đồng. Theo BHXH TP. Hà Nội, đa số đơn vị có số tháng, số tiền nợ lớn là DN xây dựng, cầu đường. Số tiền nợ ban đầu đã lớn và thời gian nợ dài khiến cho số nợ ngày càng tăng do phát sinh lãi chậm đóng.

Đủ kiểu đối phó

Thống kê của BHXH TP. Hà Nội cho thấy nhiều DN xây dựng, may mặc đang có số nợ BHXH "khủng" như: Công ty CP Lilama 3 nợ hơn 34 tỷ đồng, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment nợ gần 26 tỷ đồng, Công ty CP Cầu 12 nợ hơn 24 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP Hà Nội, cho biết ngay sau khi BHXH thành phố chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, 2 DN là Công ty TNHH Tiến Đại Phát nợ BHXH hơn 1,2 tỷ đồng đã khắc phục xong nợ đọng, Công ty TNHH Bona Apparel Việt Nam truy đóng 3,1 tỷ đồng trong tổng số nợ BHXH 9,3 tỷ đồng.

Tương tự, giữa tháng 9 vừa qua, BHXH TP. Hải Phòng đã chuyển hồ sơ 3 DN vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sang cơ quan công an để điều tra, xử lý. Đây đều là những công ty có số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài như: Công ty CP Lisemco đến hết tháng 8/2019, nợ BHXH hơn 66 tỷ đồng, Công ty CP Lisemco 5 nợ hơn 17 tỷ đồng.

BHXH tỉnh Khánh Hòa mới đây cũng chuyển hồ sơ 12 DN chây ì nợ đọng BHXH từ 6 tháng trở lên sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định sau nhiều nỗ lực vận động, xử phạt hành chính để thu hồi nợ nhưng không kết quả. Các DN này đều nợ đọng BHXH kéo dài, tổng số nợ hơn 2,6 tỷ đồng. Báo cáo của BHXH một số địa phương cũng cho biết có tình trạng nhiều DN hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường, có lợi nhuận nhưng không thiện chí đóng BHXH, chây ì kéo dài.

Đại diện BHXH TP Hà Nội đánh giá trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với các DN, đoàn thanh tra chuyên ngành của BHXH TP phải đối mặt với nhiều kiểu đối phó của các chủ DN nợ. Mặc dù, trước khi đến kiểm tra bất kỳ DN nào, thành viên trong đoàn đã thực hiện đầy đủ các quy trình như gửi thông báo, gửi đề cương kiểm tra, thống nhất lịch hẹn làm việc… nhưng khi đến nơi, họ thường đi vắng, không ủy quyền cho cán bộ tiếp đoàn, thậm chí có mặt nhưng từ chối tiếp với lý do không thu xếp được thời gian. Với các vụ việc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, dù số tiền DN nợ lớn nhưng phần lớn khoản nợ tập trung chủ yếu vào thời điểm trước ngày 01/01/2018 (thời điểm Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực) nên chỉ bị xử lý hành chính.

Rốt ráo đòi nợ bảo hiểm xã hội - Ảnh 1

Công nhân Công ty TNHH XNK May Thái Bình Dương (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) làm thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Ảnh: MAI CHI

Răn đe doanh nghiệp sai phạm

Ông Nguyễn Đức Hòa nhận định việc chuyển hồ sơ nợ BHXH sang cơ quan công an đã có tác dụng răn đe, truy thu số nợ BHXH để bảo đảm quyền lợi người lao động (NLĐ). Đây là giải pháp cuối cùng trong các giải pháp thu hồi nợ.

Từ năm 2016 đến nay, BHXH TP Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị tổ chức Công đoàn khởi kiện 592 đơn vị với số tiền nợ BHXH là 475,6 tỷ đồng. Sau khi tổ chức Công đoàn gửi thông báo khởi kiện và nhắc nhở các đơn vị trả nợ thì thu hồi nợ được hơn 100 tỷ đồng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 8/2019, BHXH TP đã gửi Công an thành phố danh sách 22 DN nợ BHXH và đề nghị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật với tổng nợ gần 50 tỷ đồng, nâng tổng số DN bị đề nghị xử lý hình sự trong 8 tháng năm 2019 là hơn 30 đơn vị.

Có thể kể tới các DN có số nợ bảo hiểm lớn như: Công ty CP Vĩnh Cửu nợ hơn 6,6 tỷ đồng (tính đến tháng 6/2019), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thanh Tiên nợ hơn 4,1 tỷ đồng, Công ty TNHH Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn nợ hơn 1,6 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Mến, Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh, việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) hướng dẫn áp dụng điều 214, 215, 216 về tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của Bộ Luật Hình sự có tác động rất lớn trong việc xử lý DN nợ BHXH.

Cụ thể, nghị quyết tạo hành lang pháp lý quan trọng để xử lý DN vi phạm pháp luật BHXH, BHYT để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, buộc chủ sử dụng lao động chấp hành đầy đủ quy định về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, đây cũng là công cụ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.

Sau khi nghị quyết được công bố, một số DN nợ BHXH đã có chuyển biến tích cực. Điển hình như Công ty CP Vận tải Tốc hành Mai Linh (quận 10) đã liên hệ cơ quan BHXH truy nộp nợ BHXH. Trước đó, từ tháng 6/2016, công ty này bắt đầu nợ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ và từng bị BHXH TP thanh tra, xử phạt 150 triệu đồng. Thế nhưng, sau đó công ty vẫn để nợ BHXH, BHYT, BHTN đến gần 4 tỷ đồng nên đã bị BHXH thành phố đề nghị công an xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự.

Sau 2 lần trả nợ gốc và lãi vừa qua, hiện công ty này vẫn còn nợ khoảng 1,8 tỷ đồng tiền lãi. "Sắp tới, BHXH thành phố sẽ phối hợp với cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát và các ngành liên quan để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP, nhằm bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ" - ông Phạm Văn Mến cho biết thêm.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến đầu tháng 8/2019, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 16.875 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH phải tính lãi là 6.803 tỷ đồng.