Bình Thuận: Các đề án khuyến công đã mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp sản xuất

Bảo Thương

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Thuận, tính đến thời điểm hiện tại, 100% đề án nhóm và đề án riêng lẻ với kinh phí hỗ trợ 1,4 tỷ đồng mà Bình Thuận được phê duyệt năm 2023 đã hoàn thành, nghiệm thu và mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất. Tiếp nối thành công đó, năm 2024, Bình Thuận sẽ ưu tiêu triển khai chương trình khuyến công quốc gia, trong đó ưu tiên triển khai đề án khuyến công nhóm.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Thuận nghiệm thu đề án khuyến công quốc gia năm 2023 tại Công ty TNHH Nước mắm Bà Hai.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Thuận nghiệm thu đề án khuyến công quốc gia năm 2023 tại Công ty TNHH Nước mắm Bà Hai.

Đề án khuyến công giúp tăng giá trị sản xuất công nghiệp

Năm 2023, tỉnh Bình Thuận được phê duyệt 03 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 5 cơ sở sản xuất công nghiệp với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng.

Hiện nay, qua đánh giá hiệu quả các đề án này cho thấy, thông qua việc thực hiện hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp từ chương trình Khuyến công quốc gia năm 2023 đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu, thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp cho địa phương của Tỉnh.

Các đề án khuyến công quốc gia được ví như nguồn “tiếp sức” cho các doanh nghiệp của Tỉnh này. Việc hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia đã góp phần tăng năng suất sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, từ đó góp phần phát triển công nghiệp nông thôn.

Điển hình như đối với Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm”, triển khai đề án này, Công ty TNHH nước mắm Bà Hai đã đầu tư 1 máy chiết rót đóng chai tự động. Nhờ thiết bị mới đầu tư, năng suất của doanh nghiệp đã tăng lên, sản phẩm sau khi được chiết rót và dán nhãn bằng máy cho dung tích chính xác, đồng nhất, sản phẩm có tính thẩm mỹ và đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

Song song với đó, từ kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng, hộ kinh doanh Hoa Sen Phan Thiết đã đầu tư 1 máy chiết rót tương ớt 4 vòi 5 lít kèm hệ thống siết nắp. Sau khi đi vào hoạt động, máy chiết rót không chỉ giúp tăng năng suất, đa dạng hóa sản phẩm, quan trọng giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tiếp tục phát huy những hiệu quả của chương trình khuyến công quốc gia, năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Thuận cho biết đã lập và trình Sở Công Thương đã thẩm định cơ sở 2 đề án nhóm và gửi Cục Công Thương địa phương tổng hợp trình Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024 với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 2,4 tỷ đồng.

Hai đề án nhóm bao gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Covinest, Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lê, Hộ kinh doanh Hoa Sen Phan Thiết và Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản Hoàng Gia; kinh phí đề nghị hỗ trợ là 1,2 tỷ đồng; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nước mắm của Công ty TNHH Nước mắm Bà Hai, Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nước mắm Phan Thiết – Mũi Né, Công ty TNHH Nước mắm Mai Hương và Công ty TNHH Thương mại – Sản xuất nước mắm Kim Ngư; kinh phí đề nghị hỗ trợ là 1,2 tỷ đồng.

Theo đó, trong năm 2024, Bình Thuận sẽ ưu tiên triển khai hiệu quả, thực chất các đề án nhóm như đã đề ra.

Nâng cao tuyên truyền về các hoạt động khuyến công

Ông Đặng Trung Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ bám sát và triển khai thực hiện tốt nội dung chương trình, chính sách Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Trung ương và địa phương); các các đề án được phê duyệt trong kế hoạch năm 2024.

Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở công nghiệp nông thôn về quy định thủ tục hồ sơ, chứng từ và trách nhiệm của cơ sở công nghiệp nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện đề án, tránh tình trạng đề án được phê duyệt nhưng không thực hiện được.

Được biết, song song với với việc tạo lập, triển khai các đề án khuyến công quốc gia, Bình Thuận cũng rất tích cực đẩy mạnh các đề án khuyến công địa phương. Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định về việc Phê duyệt danh mục các đề án khuyến công địa phương năm 2024 và đã có hiệu lực kể từ giữa tháng 02/2024.

Các đề án đăng ký sẽ do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức thực hiện, bao gồm đề án Thông tin tuyên truyền ngành Công Thương tỉnh Bình Thuận năm 2024. Qua đó tập trung giới thiệu, quảng bá hoạt động ngành; truyền tải các chủ trương, chính sách ưu đãi của Trung ương và tỉnh Bình Thuận thuộc lĩnh vực Công Thương; quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, lợi thế, sản phẩm công nghiệp và thương mại của tỉnh; giới thiệu tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư ngành trên lĩnh vực công nghiệp và thương mại... Kinh phí thực hiện các đề án nêu trên là từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương được UBND tỉnh giao dự toán cho Sở Công Thương Bình Thuận trong năm 2024.

Năm 2024, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Tỉnh còn khẳng định sẽ nâng cao việc tuyên truyền về các hoạt động khuyến công và chương trình xúc tiến thương mại tại các địa phương trên báo đài của Tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và chương trình xúc tiến thương mại đến các địa phương để đảm bảo công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch các năm tiếp theo có chất lượng, nhiều nội dung hoạt động, hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở công nghiệp.

Đặc biệt, sẽ tập trung công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các ngành nghề chủ lực, sản xuất các sản phẩm đặc trưng lời thế của tỉnh nhằm tranh thủ nguồn kinh phí Khuyến công quốc gia của Trung ương.