Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Thùy Linh

Bộ Tài chính vừa có đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Việt Nam là nước chủ yếu nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, theo đó sẽ bị ảnh hưởng bởi Thuế tối thiểu toàn cầu.
Việt Nam là nước chủ yếu nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, theo đó sẽ bị ảnh hưởng bởi Thuế tối thiểu toàn cầu.

Việt Nam đã và đang nghiên cứu chính sách ứng phó

Ngày 8/10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột, trong đó Trụ cột thứ 2 đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.

Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên của Diễn đàn hợp tác thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.

Theo Bộ Tài chính, thuế tối thiểu toàn cầu về bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với các trường hợp có mức thuế thực tế thấp hơn mức thuế tối thiểu do OECD đề xuất để áp dụng trên toàn cầu. Việc ban hành chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Việt Nam là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Về tình hình triển khai Trụ cột 2 (Thuế tối thiểu toàn cầu), đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với Thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore....

Đối với các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó Thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh việc nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty thành viên có thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính. Đồng thời, cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính (ví dụ như Thái Lan) để giữ chân các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng của Thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư mới.

Bộ Tài chính cho biết, theo nguyên tắc áp dụng, Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam là nước chủ yếu nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, theo đó sẽ bị ảnh hưởng bởi Thuế tối thiểu toàn cầu.

Trước bối cảnh các quốc gia có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam đã có kế hoạch áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu để giành quyền thu thuế và các quốc gia nhận vốn đầu tư tương tự như Việt Nam đã và đang nghiên cứu chính sách ứng phó, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trước tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam thông qua việc ban hành văn bản quy định việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.

Chủ động áp dụng quy định Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Theo đó, mục tiêu tổng thể là xây dựng chính sách thuế Thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024 (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT)) và các giải pháp hỗ trợ phù hợp để giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu và thu hút nhà đầu tư mới, đảm bảo bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư trực tiếp và nhà đầu tư gián tiếp.

Chính sách này sẽ giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Chính phủ để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Chính sách này cũng sẽ giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu.

Đối tượng áp dụng sẽ là Công ty thành viên, Công ty mẹ tối cao của Tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất hai trong số bốn năm tài chính ngay trước năm tính thuế tương đương 750 triệu EUR trở lên, trừ các trường hợp sau: Các tổ chức của chính phủ; Tổ chức quốc tế; Tổ chức phi lợi nhuận; Quỹ hưu trí; Quỹ đầu tư là Công ty mẹ tối cao; Tổ chức đầu tư bất động sản là Công ty mẹ tối cao; Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức nêu trên.

Theo Bộ Tài chính, chủ trương và các chính sách của Việt Nam chủ động ứng phó đối với đề xuất thuế tối thiểu toàn cầu của OECD phải đặt lợi ích quốc gia, Dân tộc lên trên hết và trước hết, phù hợp với chủ trương, giải pháp của Đảng về hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới.

Cùng với đó, Việt Nam ủng hộ và chủ động áp dụng quy định Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.

Do Thuế tối thiểu toàn cầu chỉ áp dụng với một nhóm đối tượng, nên cần tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế hợp lý đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu.