Ngành Hải quan thi đua xây dựng xã hội học tập

Trần Huyền

Kế hoạch triển khai phong trào “Tổng cục Hải quan thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2024-2030” đã được Tổng cục Hải quan ban hành với 5 nội dung thi đua trọng tâm. Theo Kế hoạch, phong trào thi đua sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến năm 2030.

Kế hoạch triển khai phong trào “Tổng cục Hải quan thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2024-2030” đã được Tổng cục Hải quan ban hành với 5 nội dung thi đua trọng tâm. Ảnh: internet
Kế hoạch triển khai phong trào “Tổng cục Hải quan thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2024-2030” đã được Tổng cục Hải quan ban hành với 5 nội dung thi đua trọng tâm. Ảnh: internet

Kế hoạch nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người làm việc trong ngành Hải quan về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc chủ động, tích cực học tập và tự học tập nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong ngành Hải quan.

Kế hoạch trên còn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, Thủ trưởng đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các tập thể, công chức, viên chức, người làm việc trong ngành Hải quan học tập và tự học tập suốt đời.

Phong trào thi đua có 5 nội dung, trong đó, các đơn vị tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác học tập và tự học tập nghiên cứu các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách, xây dựng mô hình học tập và tự học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số, xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh; thi đua học tập và tự học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa học tập đến từng công chức, viên chức, người làm việc trong ngành Hải quan.

Nội dung thi đua còn hướng đến nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập và tự học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập và tự học tập suốt đời; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, nâng cao kiến thức về Công nghệ 4.0, chuyển đổi số và tác động công nghệ tới ngành Hải quan; ứng dụng kỹ thuật phân tích thông tin hiện đại phục vụ nghiệp vụ hải quan; xây dựng văn hóa làm việc, đào tạo kỹ năng làm việc đáp ứng yêu cầu môi trường số, chuyển đổi số của ngành Hải quan và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho công chức, viên chức, người làm việc; thực hiện học tập và tự học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ cho công việc. Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, có phẩm chất, năng lực, uy tín, tinh nhuệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong quá trình xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh.

Cùng với đó, thi đua nghiên cứu áp dụng triển khai các phương pháp đào tạo hiện đại, công nghệ tiên tiến đáp ứng theo yêu cầu vị trí việc làm trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức, người làm việc trong ngành Hải quan nhằm nâng cao năng lực đào tạo, đảm bảo đào tạo bồi dưỡng được thực hiện mọi lúc, mọi nơi; gắn công tác đào tạo, đánh giá năng lực với việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Thi đua xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, phương pháp quản lý đào tạo đạt chuẩn của cơ sở đào tạo cấp khu vực và đội ngũ giảng viên chuyên sâu về kiến thức hải quan, kỹ năng sư phạm, một số giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) công nhận là giảng viên của WCO có thể tham gia giảng dạy quốc tế.

Nội dung khác được đề ra là thi đua tiếp cận kịp thời các xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực đào tạo chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ; xây dựng mô hình luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng giữa các cấp, giữa các bộ phận trong cùng một đơn vị, trong từng lĩnh vực nghiệp vụ, giữa các lĩnh vực nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực giải quyết công việc, kinh nghiệm thực tiễn cho công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ, công chức, viên chức lãnh đạo và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo.

Ngoài ra, nội dung thi đua còn là đẩy mạnh phong trào học tập và tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ xuyên suốt trong đơn vị đáp ứng yêu cầu của tiến trình chuyển đổi số, cải cách hiện đại hóa Hải quan và xây dựng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và tự học tập như: “Tự học, tự rèn, nâng cao chất lượng công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”, “Rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vững về nghiệp vụ, chuẩn về tác phong”; xây dựng văn hóa học tập và tự học tập, quy trình, quy chế làm việc cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan trên môi trường số, dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu để ra quyết định quản lý.

Tổng cục Hải quan mong muốn phong trào thi đua được triển khai sâu rộng đến các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, tiêu chí cụ thể, phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ được Tổng cục trưởng giao đối với từng đơn vị, tránh hình thức, lãng phí. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua.

Các đơn vị định kỳ sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, qua đó chủ động phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng và khen thưởng kịp thời các tập thể, công chức, viên chức, người làm việc trong ngành Hải quan tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua. Đặc biệt, gắn phong trào thi đua với cuộc vận động đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

Theo Kế hoạch, phong trào thi đua sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến năm 2030, chia thành 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2024 đến năm 2025), trong đó các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực; tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm tại cấp cơ sở và cấp Tổng cục vào năm 2025 để triển khai giai đoạn tiếp theo; Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến năm 2030), sau khi sơ kết, đánh giá kết quả việc thực hiện giai đoạn 1, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của phong trào thi đua và tổng kết vào năm 2030 theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.