Bộ Tài chính triển khai nhiều giải pháp “thúc” giải ngân vốn đầu tư công

Trần Huyền

Để nguồn vốn đầu tư công nhanh chóng được giải ngân, phát huy vai trò ”vốn mồi” của nền kinh tế, Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Thách thức lớn trong tiến độ giải ngân

Tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Vấn đề thách thức cho công tác giải ngân là tổng vốn đầu tư công rất lớn (726.684 tỷ đồng), tăng 23% so với năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hết tháng 5/2023 tổng số vốn đã phân bổ là 692.138,4 tỷ đồng, đạt 97,89% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044,2 tỷ đồng); ước thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách từ đầu năm đến ngày 31/5/2023 là 157.095,4 tỷ đồng, đạt 20,80% kế hoạch, đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), qua tổng hợp từ báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương và kết quả làm việc của các đoàn kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, tỷ lệ giải ngân 5 tháng kế hoạch vốn năm 2023 còn thấp nêu trên do một số số vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc.

Trong đó, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp. Một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án. Do vậy, dự án không có vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai thực hiện dự án dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân.

Ngoài ra, còn có vướng mắc do giá vật liệu xây dựng tăng, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định về phương án thiết kế đối với dự án không có cấu phần xây dựng.

Nhiều giải pháp được kịp thời triển khai

Bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chương trình, kế hoạch được giao, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Ngay sau khi nhận được văn bản báo cáo phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của đơn vị, Bộ Tài chính đã kịp thời thực hiện kiểm tra phân bổ theo quy định.

Đối với những đơn vị phân bổ đúng quy định và những dự án đủ điều kiện giải ngân, Bộ Tài chính thực hiện nhập hoặc phê duyệt ngay dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) để Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời cho các dự án. Đối với những đơn vị phân bổ không đúng quy định, Bộ Tài chính có văn bản gửi từng Bộ, cơ quan trung ương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết theo đúng quy định làm căn cứ để nhập dự toán và kiểm soát thanh toán cho các dự án. Sau khi được kiểm tra phân bổ, cơ bản các bộ, cơ quan trung ương đã có báo cáo bổ sung hoặc điều chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Để đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản gửi các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, nhập dự toán và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023. Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước để đảm bảo thanh toán kịp thời ngay sau khi có khối lượng hoàn thành

Hiện nay, Bộ Tài chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, đồng thời đã tích hợp 11 thủ tục hành chính lên cổng thông tin Dịch vụ công quốc gia, trong đó có thủ tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước. Trong thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua hệ thống kho bạc.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến nay, đã có 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước; số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt trên 99,6%. Cơ quan kiểm soát thanh toán Kho bạc nhà nước cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, hệ thống để tiếp nhận và xử lý ngay các hồ sơ giải ngân vốn cho các dự án.

Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức nhận định, 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm bản lề quan trọng, do vậy, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân qua những tháng đầu năm 2023 vẫn còn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến cơ chế, chính sách mới chưa được cập nhật, tập huấn nên nhiều cơ quan, đơn vị có cách hiểu chưa thống nhất đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục hồ sơ thanh, quyết toán.

Do đó, ngày 16/6/2023, Vụ Đầu tư đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước tổ chức Hội nghị về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm nhằm phổ biến, quán triệt và cập nhật chế độ, chính sách trong lĩnh vực quản lý tài chính đầu tư công. Tại Hội nghị, các cơ quan của Bộ Tài chính đã hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương về quản lý, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành.

Có thể nói, với chức năng quản lý, thanh toán vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đưa dòng vốn này vào nền kinh tế.