Giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp

Trần Huyền

Hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tổng hợp của Bộ Tài chính cho thấy, có một số vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân nguồn vốn này.

 Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.

Tỷ lệ giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm trước

Theo Bộ Tài chính, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm năm 2023 ước đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%); trong đó vốn trong nước đạt 16,03% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,57%), vốn nước ngoài đạt 6,28% (cùng kỳ năm 2022 đạt 3,25%).

Có 03 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%). Bên cạnh đó còn có 47/52 bộ và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 bộ và 01 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.

Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4/2023, Lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Qua kết quả kiểm tra đã đánh giá, nhận định một số vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến công tác giải ngân.

Trong đó, một trong những nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân là do các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.

Bên cạnh đó, một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án. Do vậy, dự án không có vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư.

Một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời, chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai thực hiện dự án dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân.

Ngoài ra, vướng mắc về giá vật liệu xây dựng tăng, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định về phương án thiết kế đối với dự án không có cấu phần xây dựng... cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn quan trọng này, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ trình, báo cáo Thường trực Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 sang năm 2023 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 2705/VPCP-KTTH ngày 19/4/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 cho các dự án thành phần để thực hiện.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.

Để đôn đốc việc phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, trong tháng 4/2023, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và cơ quan kiểm soát thanh toán vốn về việc tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã nêu tại văn bản trên.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tiếp tục khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.