Bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia

PV.

Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương tổng hợp, bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ảnh: internet
Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ảnh: internet

Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số khu vực như: ô nhiễm môi trường nước ở một số đoạn sông chính chảy qua khu đô thị, các làng nghề; ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực sản xuất, kinh doanh; vấn đề tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây tác động tiêu cực đến môi trường đất. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khó lường cũng là thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ môi trường.

Để tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030. Chương trình áp dụng với đối tượng là các lực lượng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

 

Chương trình đặt mục tiêu chung là hoàn chỉnh hệ thống tổ chức lực lượng và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030.

Phạm vi thực hiện trên toàn quốc; đối với các sự cố môi trường có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, thuộc quản lý của hai bộ, ngành trở lên hoặc có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường xuyên quốc gia.

Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023 - 2025, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường quốc gia, kiện toàn hệ thống tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách cho các lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng bộ kịch bản, quy trình ứng phó, các tài liệu hướng dẫn và thực hiện việc điều tra, khảo sát, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường cấp quốc gia trên phạm vi cả nước; Hoàn thiện hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu 100% kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia của các bộ, ngành, địa phương được ban hành; Tăng cường hợp tác quốc tế trong giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường.

Giai đoạn 2026 - 2030, hoàn thành việc nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; 100% cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và năng lực thực hành các giải pháp kỹ thuật.

Chương trình đã đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện và nêu rõ các nhiệm vụ tổ chức thực hiện đối với các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương tổng hợp, bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về quy chế quản lý tài chính cho hoạt động ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng, ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng (Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn); nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, tổ chức huấn luyện, diễn tập, nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường cho các lực lượng thuộc phạm vi quản lý; sẵn sàng cử lực lượng tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia khi được huy động.

Kinh phí thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, hội, đoàn thể liên quan và các địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; đóng góp, hỗ trợ hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

 Các bộ, ngành và địa phương lập dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện Chương trình. Việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và các văn bản hướng dẫn liên quan.