Giúp người dân hiểu rõ lợi ích áp dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải

Lê Anh

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp yêu cầu phải có phương án truyền thông để giúp người dân hiểu rõ những lợi ích khi áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải trong "Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".

Cần Thơ khởi động cánh đồng 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp.
Cần Thơ khởi động cánh đồng 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL năm 2030” được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.

 

Mục tiêu đến năm 2025, về quy mô: Diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 ha.

Đồng thời, xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào 2050. 

Mới đây, tại Hội nghị triển khai mô hình thí điểm Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL năm 2030”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lựa chọn 5 địa phương với tổng diện tích khoảng 250ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp và làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 – 2026.

5 địa phương được chọn để thực hiện mô hình điểm trong Đề án là điển hình ở 5 vùng đất có đặc thù khác nhau, gồm: TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang (đất phèn mặn), Đồng Tháp (đất đầu nguồn), Trà Vinh (đất bồi, phù sa). Mô hình sẽ thực hiện từ quy trình canh tác đến đo lượng phát thải ra và thực hiện ngay từ vụ hè thu năm nay.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là Đề án có thể giúp chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất của ĐBSCL trong ngành Lúa gạo nên được rất nhiều tổ chức quốc tế chú ý và người nông dân cũng rất đồng tình. Ngân hàng Thế giới đã xác định dự án này là dự án trọng điểm ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương để từ đó nhân rộng ra các nước châu Á.

Với tầm quan trọng của Đề án này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần có phương án truyền thông để giúp người dân hiểu rõ được những lợi ích khi áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải trong "Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, việc áp dụng quy trình canh tác này sẽ giúp người sản xuất giảm được chi phí đầu vào, tăng được lợi nhuận đáng kể so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, việc giảm phát thải, bán tín chỉ carbon chỉ là giá trị gia tăng.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo ngành Nông nghiệp đề nghị đơn vị này nghiên cứu xây dựng sổ tay về quy trình canh tác trong Đề án này. Trong sổ tay sẽ giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu nhất những câu hỏi của người nông dân như có dễ làm không, có tốn kém không, lợi nhuận có cao không...