Các doanh nghiệp hưởng lợi khi áp dụng mô hình năng suất tổng thể

Hiền Nguyễn

Mô hình năng suất và hiệu quả đưa ra ý nghĩa của nâng cao năng suất và cải tiến năng suất dựa trên 4 trụ cột: phát triển tổ chức định hướng khách hàng; liên tục cải tiến và đổi mới công nghệ; tổ chức quản lý sản xuất hiệu quả; giảm lãng phí trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Việc áp dụng mô hình này sẽ giúp DN ở hầu hết các lĩnh vực giảm thiểu lãng phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Việc áp dụng mô hình năng suất tổng thể giúp doanh nghiệp hoàn thiện và đồng bộ hóa quá trình sản xuất.
Việc áp dụng mô hình năng suất tổng thể giúp doanh nghiệp hoàn thiện và đồng bộ hóa quá trình sản xuất.

Vào thời điểm bắt đầu áp dụng mô hình năng suất tổng thể, Công ty TNHH Quang Quân - một DN chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần chưa áp dụng 5S vào sản xuất. Công ty cũng chưa thiết lập hệ thống kiểm soát chất lượng, kỹ năng quản lý của đội ngũ quản đốc, quản lý cấp trung còn tương đối thấp…

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đề xuất Công ty TNHH Quang Quân áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng vào trong quá trình sản xuất bằng cách chuyển các khuôn máy đang chạy đặt gần nhau; bố trí đúng từng loại màng đặt ngay sau máy; các máy cùng loại gần nhau dùng chung xe vận chuyển thành phẩm.

Chỉ một thời gian ngắn sau, những thay đổi này đã giúp DN giảm được 33% quãng đường vận chuyển dòng chảy sản phẩm; giảm 45% lượng xe vận chuyển thành phẩm từ 9 xuống còn 5 xe…

Nhóm cải tiến của Công ty đã giảm thời gian thay khuôn bằng cách chuẩn bị vật tư trước, vệ sinh khuôn sạch sẽ và đặt ngay gần máy, 2 người 2 bên máy thay khuôn để nâng cao hiệu suất mát hút. Kết quả là đã giảm 50% thời gian thay khuôn máy hút từ 30 phút xuống còn 15 phút….

Công ty cũng đã giới hạn số lượng bán thành phẩm sản xuất ra từng ngày, xây dựng tiêu chuẩn sử dụng số lượng màng theo ngày, nhờ đó, giảm tới 40% tồn bán thành phẩm màng nắp ly từ 112 cuộn xuống 46 cuộn/ngày, theo đó giảm 50% diện tích mặt bằng sử dụng để lưu trữ màng nắp ly.

Cùng với đẩy mạnh đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất, Công ty cũng tăng cường tối ưu hoá các giải pháp hoạt động sản xuất; giảm lượng tồn bán thành phẩm nắp ly bằng cách cân bằng sản xuất các công đoạn; nâng cao hiệu suất máy hút bằng cách giảm thời gian thay khuôn; giảm lỗi công đoạn máy nắp ly bằng cách vệ sinh đường ống nước làm mát.

Cùng với đó, DN này cũng ban hành kế hoạch, quy định; thực hiện sàng lọc, tiêu chuẩn hóa các thiết bị trong nhà xưởng; xây dựng mô hình hệ thống quản lý chất lượng; phân chia khu vực thực hiện hoạt động tự quản nhằm nâng cao ý thức tự quản theo khu vực sản xuất và duy trì môi trường 5S…

Tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Nhựa kỹ thuật VINASTAR, các nhóm cải tiến năng suất – chất lượng được thiết lập với việc thực hiện 5 dự án: cải tiến hiệu suất thiết bị; cải tiến tiến độ giao hàng; cải tiến chất lượng nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng; nhận biết và giảm lãng phí trong phân xưởng; nâng cao hiệu suất làm việc thông qua bộ chỉ số KPI.

Sau khi hình thành hệ thống cải tiến, DN tiếp tục công việc chuẩn hóa, cải tiến nâng cao và xây dựng, duy trì văn hóa cải tiến.

Kết quả sau 1 năm triển khai, hiệu suất thiết bị tổng thể đã tăng 16%, tỷ lệ hàng đạt chất lượng trung bình tăng 1%, tỷ lệ giao hàng đúng hẹn tăng 10%, chi phí giá thành giảm 20%…

Đối với của Công ty cổ phần Cơ điện TOMECO An Khang, sau khi tiếp cận và triển khai “Dự án áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng” của Bộ Công Thương, giá trị xuất khẩu của Công ty cổ phần Cơ điện TOMECO An Khang đã tăng hơn 100% trong năm 2019 so với mục tiêu 30% ban đầu.

Tại Công ty HARCOSA, DN chuyên sản xuất giầy, sau 3 tháng áp dụng các giải pháp cải tiến, năng suất lao động tăng lên 10%; chỉ số hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị OEE được nâng cao lên 5%.

DN đã tực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng để tăng sự hài lòng của khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn, mô tả công việc cho những công đoạn, bộ phận quan trọng, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, thiết lập cơ chế hoạt động của từng công đoạn và bộ phận này.

Việc áp dụng mô hình năng suất tổng thể cũng đã giúp DN hoàn thiện và đồng bộ hóa quá trình sản xuất, xây dựng quy trình tinh gọn hơn, giảm các bước thừa, kém hiệu quả, cũng như tối ưu hóa mặt bằng sản xuất, rút ngắn thời gian sản xuất, nhanh chóng ra chuyền và nhập kho.

Quan trọng hơn là người lao động tại DN đã nhận thức được ý nghĩa của quá trình cải tiến, thấu hiểu các quy trình, làm việc theo quy trình, có trách nhiệm hơn với công việc, thu nhập được tăng thêm.