Cơ quan Hải quan với công tác chống tội phạm internet

Theo customs.gov.vn

(Tài chính) Nhờ sự phát triển nhanh của mạng thông tin toàn cầu (internet), hoạt động tội phạm cũng có cơ hội nở rộ. Rất nhiều trong số đó thuộc phạm vi hoạt động thực thi của cơ quan hải quan như buôn bán hàng giả, hàng cấm, buôn lậu các hàng hóa phải chịu thuế như thuốc lá, rượu… Nhiều quốc gia đã thành lập các đơn vị đặc biệt nhằm chống lại các tội phạm internet (e-crime).

Cơ quan Hải quan với công tác chống tội phạm internet
Tội phạm internet đang tăng theo cấp số nhân. Nguồn: internet

Phối hợp toàn cầu

Các đơn vị này sẽ thu thập thông tin qua các trang web nhằm khám phá, điều tra, ngăn chặn và bắt giữ các vi phạm liên quan đến hải quan. Các đơn vị chống tội phạm internet của các quốc gia có thể trợ giúp lẫn nhau trong quá trình hoạt động.

Tại Pháp, công việc này do một đơn vị với tên gọi Cyber-dou@ne đảm nhiệm từ năm 2008. Hà Lan có Trung tâm dịch vụ internet Hà Lan thành lập năm 2008 là sự kết hợp của nhiều cơ quan khác nhau thuộc Bộ Tài chính như Cơ quan Thuế nội địa, Cảnh sát Tài chính, Hải quan,… Còn tại Mỹ, công tác đấu tranh chống tội phạm internet được giao cho Cục điều tra an ninh nội địa (HIS), Trung tâm tội phạm máy tính (C3) và Trung tâm điều phối quyền sở hữu trí tuệ quốc gia.

Các đơn vị đặc biệt này thường xuyên cung cấp chứng cứ phục vụ điều tra  cho các đơn vị khác trong nội bộ cơ quan hải quan như thông tin về cá nhân, một vụ việc cụ thể, các đơn đặt hàng và lần theo luồng chảy tài chính.

Các vi phạm liên quan đến hải quan có thể do các đơn vị này trực tiếp xử lý hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng khác để điều tra thêm hoặc có những biện pháp xử lý phù hợp.

Để có hướng tìm kiếm thích hợp, đơn vị chống tội phạm internet có thể tham khảo các nguồn thông tin liên quan đến hải quan như các nguy cơ, các phán quyết tại tòa, các báo cáo bắt giữ… Ngoài ra, đơn vị chống tội phạm internet cần nhận định xu hướng, phát triển ứng dụng mới nhằm trợ giúp cho việc khám phá và phân tích chứng cứ số từ những máy tính bị bắt giữ.

Mặt khác, nhằm xác định thủ phạm, cán bộ điều tra thu thập thông tin từ các nguồn mở như tìm kiếm số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử trên trang web. Tuy nhiên, phương pháp được sử dụng thường xuyên nhất là gửi yêu cầu cung cấp thông tin tới một số cơ quan liên quan, đặc biệt là nhà cung cấp dịch vụ internet, các nhà vận hành cổng điện tử đấu giá trực tuyến và các máy chủ quảng cáo. Ngoài ra còn phương pháp khác là theo dõi các luồng tài chính và các chiến dịch ngầm đòi hỏi sự phối hợp hoạt động với các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính và thanh toán.

Người sở hữu trang web có thể ở bất kỳ đâu trên thế giới, do đó, trường hợp kết quả điều tra cho thấy trang web được đặt tại máy chủ ở nước ngoài thì sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện các biện pháp điều tra thích hợp, nếu không có thỏa thuận hợp tác về trợ giúp pháp lý với quốc gia mà nhà cung cấp đang đặt trụ sở.

Một ví dụ điển hình đó là thỏa thuận giữa Cyber-dou@ne của Pháp với đối tác ZIRE của Đức. Dựa trên thỏa thuận này, một đơn vị tham gia có thể yêu cầu trợ giúp từ đối tác của mình trong việc lấy thông tin từ dịch vụ internet, thư điện tử, các quản trị của diễn đàn, các nhóm bạn bè, các trang nhắn tin, các mạng xã hội, ngân hàng, các công ty thẻ tín dụng. Cũng có thể yêu cầu các điều tra sâu hơn như xác định danh tính người sở hữu số điện thoại, nghiên cứu thông tin về các đối tượng trong cơ sở dữ liệu nguồn mở.

Các công cụ phần mềm hữu ích

Một trong những nhân tố quan trọng đối với công tác điều tra trên internet đó là thực hiện tự động một cách tối đa, trong đó công cụ tìm kiếm phù hợp đóng vai trò cốt lõi.

Các công cụ tìm kiếm đơn giản trên web như Google rất phổ biến nhưng có một số tiện ích tìm kiếm khác (có thể phải trả phí bản quyền) cho phép người sử dụng nhập tiêu chí tìm kiếm một lần mà có thể truy cập nhiều bộ máy tìm kiếm. Có những công cụ tìm kiếm đặc biệt, ngoài chức năng tìm kiếm đơn giản còn được trang bị khả năng phân tích thông tin, minh họa hình ảnh đồ họa mối liên kết giữa các đối tượng liên quan và giám sát các mạng xã hội.

Phần mềm chuyên dụng cũng cần phải tìm kiếm được phần ẩn sâu bên dưới của các trang web (Deep web), đây là khu vực mà những bộ máy tìm kiếm thông thường không thể truy cập tới. Ước chừng khoảng 96% nội dung trên internet nằm trong phần nội dung ẩn này. Đây là mạng lưới lớn vô hình đối với người dùng thông thường và cho phép người sử dụng có thể trao giao tiếp mà không bị phát hiện. Hải quan Hà Lan đã phát triển một công cụ với tên gọi “Dores” cho phép tải xuống cơ sở dữ liệu ẩn đằng sau các trang web thông thường.

            Ngoài ra, còn một số công cụ khác như ứng dụng cho phép truy tìm địa chỉ IP hoặc tên miền hoặc cho phép tải toàn bộ nội dung của trang web xuống máy tính. Đây chính là công cụ hữu dụng cho phép truy cập và phân tích nội dung của trang web ngay cả khi không có mạng internet, phục vụ chủ yếu cho điều tra tại tòa do nội dung của trang web bất hợp pháp có thể nhanh chóng bị xóa bỏ hoặc chuyển đổi địa chỉ.

Những thách thức hiện tại và tương lai

Một vài rủi ro hoặc thách thức có thể khiến cho việc điều tra đơn vị chống tội phạm internet trở lên khó khăn. Một trong số đó là lượng thông tin lớn liên quan đến các vụ vi phạm hải quan cần xử lý.

Một trở ngại khác là thực tế môt số trang web hoạt động như là một “dịch vụ ngầm” bằng cách sử dụng công cụ ẩn danh trên internet được biết đến với tên gọi “Tor”. Công cụ này khiến cho cơ quan chức năng không thể xác định được vị trí đặt máy tính vận hành vị trí của người truy cập trang web. Ví như trang web Silk Road. Để truy cập vào trang web này, người dùng sử dụng phần mềm đặc biệt đi kèm với mật khẩu. Ngoài việc mã hóa thông tin giao tiếp, người sử dụng chỉ sử dụng một loại đồng tiền ảo gọi là Bitcoin để thanh toán cho các giao dịch mua bán ma túy hoặc các sản phẩm khác. Bitcoin sau đó có thể chuyển đổi thành tiền thật.

Thách thức khác nữa là các đối tượng đôi khi sử dụng các tệp hình ảnh, âm thanh hoặc video để bán hàng hóa, khiến cho cơ quan hải quan và các cơ quan thực thi khác không thể sử dụng các công cụ vốn hoạt động dựa trên tìm kiếm văn bản. Do đó, công cụ nhận diện hình ảnh đã được xây dựng cho phép nhận biết các loại hàng hóa đặc biệt như vũ khí. Ngoài ra, các công cụ nhận diện âm thanh và nội dung video cũng cần phải được phát triển trong tương lai.