Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai thực hiện Thông tư số 155/2016/TT-BTC (Thông tư 155) quy định chi tiết thi hành việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, có hiệu lực từ 1/12/2016.

Cán bộ Hải quan Hà Nội hướng dẫn DN hoàn thiện tờ khai. Nguồn: PV.
Cán bộ Hải quan Hà Nội hướng dẫn DN hoàn thiện tờ khai. Nguồn: PV.

Cụ thể hóa hành vi gian lận thuế

Thông tư 155 có nhiều điểm mới, quy định cụ thể các hành vi gian lận thuế, làm căn cứ để cơ quan hải quan áp dụng thi hành, trước đó chưa được quy định tại Thông tư 190/2013/TT-BTC. 

Theo đó, Thông tư 155 hướng dẫn áp dụng các hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi khai nhiều hơn so với thực tế hàng hóa xuất khẩu (XK) về chủng loại, số lượng, khối lượng sản phẩm XK ra nước ngoài của doanh nghiệp (DN) chế xuất, DN gia công, sản phẩm sản xuất XK và hàng tái xuất dẫn đến số tiền thuế chênh lệch dưới 100 triệu đồng thì xử phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, không thu thuế, được hoàn cao hơn so với quy định của pháp luật (Điểm a, Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 45/2016/NĐ-CP).

Trường hợp số tiền thuế chênh lệch từ 100 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử phạt 1 lần số tiền thuế trốn, gian lận trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng (Điểm đ, Khoản 1 Điều 13, Nghị định 45).

Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì đối với tổ chức mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 3 lần số tiền thuế trốn, gian lận; đối với cá nhân mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,1 lần nhưng không quá 1,5 lần số tiền thuế trốn, gian lận.

Cơ sở để xác định số tiền thuế chênh lệch đối với hành vi vi phạm (quy định tại Điều 8, Điều 13 của Nghị định 45) là: Số tiền thuế do người nộp thuế kê khai và số tiền thuế phải nộp theo quy định được thể hiện trên quyết định ấn định thuế của người có thẩm quyền hoặc số tiền thuế phải nộp theo quy định.

Tổng cục Hải quan lưu ý, sau khi hàng hoá đã thông quan mà người vi phạm không tự giác nộp đủ thuế hoặc chưa nộp đủ thuế theo quy định trước khi cơ quan hải quan lập biên bản vi phạm thì xử phạt theo quy định tại Điều 13 Nghị định 45.

Thông tư 155 cũng làm rõ quy định (Điều 13) của Nghị định 45: Không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) mà cơ quan hải quan phát hiện khi thanh tra, kiểm tra sau thông quan nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm thì bị xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Trong đó, nêu rõ các hành vi trốn thuế, gian lận thuế gồm: Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp, không đúng với thực tế giao dịch để kê khai thuế; tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng từ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn; khai sai mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế đối với những mặt hàng đã được cơ quan hải quan hướng dẫn mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế.

Xử phạt đến 50 triệu đồng khi mang ngoại tệ, tiền mặt quá mức quy định

Điểm đáng chú ý là Thông tư 155 hướng dẫn việc xử lý vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất nhập cảnh (XNC) đối với tiền mặt là ngoại tệ, VND, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý (Điều 9 của Nghị định 45).

Theo đó, các trường hợp mang tiền mặt là ngoại tệ, VND, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý trái phép khác qua biên giới thì bị xử phạt, theo quy định (Điều 12 Nghị định 45). Việc xác định ngoại tệ được phép và không được phép mang theo của người XNC bằng giấy thông hành hoặc giấy chứng minh biên giới được căn cứ vào quy định tại Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN7 ngày 17/3/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nếu mang quá số ngoại tệ, tiền... cho phép mà không khai báo khi XNC bằng giấy thông hành thì bị xử phạt với mức xử phạt cao nhất đến 50 triệu đồng.

Trị giá tang vật vi phạm là trị giá sau khi đã trừ đi trị giá ngoại tệ, vàng, tiền Việt Nam không phải khai hải quan theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đối tượng vi phạm đã xuất cảnh, không để lại địa chỉ cụ thể thì cơ quan hải quan vẫn thực hiện việc ra quyết định xử phạt theo quy định, phối hợp với sở ngoại vụ gửi quyết định xử phạt cho đối tượng bị xử phạt qua đại sứ quán hoặc cơ quan, lãnh sự của nước đối tượng vi phạm mang quốc tịch để thực hiện. Trường hợp không giao được quyết định xử phạt thì tang vật vi phạm xử lý theo Khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

Thông tư 155 quy định chi tiết thi hành Nghị định 127/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127.