Cầu Rạch Miễu 2 giúp kết nối giao thương tỉnh Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh

Theo Thạch Thảo/ Báo Đồng Khởi

Nhiều người dân Bến Tre phấn khởi trước thông tin xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2. Hộ dân trong vùng dự án sẵn sàng bàn giao đất xây cầu Rạch Miễu 2 và mong công trình sớm khởi công, hoàn thành để người dân được an cư, lạc nghiệp. Doanh nghiệp trông chờ cây cầu mới để tháo gỡ “nút thắt” từ nhiều năm nay vì giao thông ách tắc.

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2 khi hoàn thành. Ảnh: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận
Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2 khi hoàn thành. Ảnh: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận

Người dân trong vùng dự án

“Có lộ mới thì đời sống người dân sẽ đổi mới”, ông Phạm Văn Nhiệm, ngụ Tổ 7, ấp Phú Lợi, xã Bình Phú, TP. Bến Tre nói. Ông Phạm Văn Nhiệm thừa hưởng đất đai của ông bà để lại 3 đời nay, từ thời ông nội ông, cha ông và nay là ông và các con thụ hưởng. Trong số 9.700m2 đất của gia đình, có 2.000m2 đất nằm trong phạm vi Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.

Ông cho biết: “Tôi rất trông mong đến ngày khởi công công trình cầu Rạch Miễu 2. Có lần đi Tiền Giang, tôi bị kẹt xe mấy tiếng đồng hồ mới về được tới nhà, mệt mỏi lắm. Hai đứa con tôi làm việc ở TP. Hồ Chí Minh cuối tuần về quê cũng nhiêu khê vô cùng. Nếu tỉnh cứ kẹt xe cuối tuần, kẹt xe vào dịp lễ, Tết hoài thế này thì du khách sẽ nản, phát triển du lịch sẽ mất đi cơ hội vươn lên”.

Theo kinh nghiệm sống của ông Nhiệm, khi quốc lộ 60 đoạn qua xã Bình Phú chưa được xây dựng, đời sống của người dân khó khăn. Kinh tế của các hộ dân chỉ có nghề làm lá (trồng lá, làm lá để lợp nhà). Từ khi quốc lộ 60 được xây dựng khang trang, người dân có cơ hội làm ăn và làm giàu. Ông Nhiệm tin rằng, có lộ mới thì đời sống người dân sẽ đổi mới.

“Nhà nước cần sớm công bố giá bồi thường và sớm bố trí tái định cư”, ông Nguyễn Văn Hạnh, ngụ Ấp 3, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre nói. Càng gần đến ngày khởi công cầu Rạch Miễu 2, cảm xúc của người dân đan xen lẫn vui mừng và lo lắng. Ông Nguyễn Văn Hạnh có khoảng 2.800m2 đất (trong tổng diện tích 5.000m2 đất của gia đình) đã được đo đạc, kiểm đếm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2.

“Người dân chúng tôi rất đồng thuận với chủ trương xây dựng cầu Rạch Miễu 2. Chúng tôi mong Nhà nước cần sớm công bố giá bồi thường và sớm bố trí tái định cư để người dân tính phương án di dời, giao mặt bằng cho công trình đúng hẹn. Hiện tại, nhiều hộ mất trắng đất và nhà đang lo lắng vì tính toán phương án xây nhà ở đâu, như thế nào”, ông Hạnh chia sẻ.

“Mong cầu Rạch Miễu 2 sớm khởi công, hoàn thành để bà con ổn định cuộc sống”, ông Lê Văn Gấm, ngụ xã Tam Phước, huyện Châu Thành nói. Toàn bộ ngôi nhà cất năm 2003 của gia đình ông Gấm cùng 1.200m2 đất đều được nhường cho công trình xây cầu Rạch Miễu 2. Khi kiểm đếm xong, gia đình ông Gấm tâm tư lắm vì mất hết nguyên căn nhà, con trai ông có vườn mai, kinh doanh cây giống tại gia.

“Gia đình chúng tôi đồng ý hết với chủ trương của Nhà nước. Người dân xung quanh đây cũng đồng thuận với việc xây cầu Rạch Miễu 2. Người dân mong cầu Rạch Miễu 2 sớm khởi công, hoàn thành để ổn định cuộc sống”, ông Lê Văn Gấm chia sẻ.

Doanh nghiệp phấn khởi

“Nghe tin sắp khởi công cầu Rạch Miễu 2 tôi mừng lắm”, bà Nguyễn Mộng Thảo Linh - Chủ DNTN cây giống, hoa kiểng Tân Hài, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cho hay. Doanh nghiệp Tân Hài có 10 xe tải lớn nhỏ chuyên chở hoa kiểng, cây giống của người dân Chợ Lách bán vào dịp Tết ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Gia đình bà Mộng Linh còn cung cấp phân, tro, mụn dừa cho nhiều tỉnh, thành.

Nhiều năm gần đây, cầu Rạch Miễu liên tục bị kẹt xe vào các ngày cuối tuần, lễ, Tết. Theo bà Linh, vào những dịp cao điểm mua bán hàng hóa, xe tải của gia đình bà có lúc mất 3 - 4 tiếng mới qua được cầu Rạch Miễu, rồi bận về lại mất 3 - 4 tiếng để qua cầu, thế là mất hết một ngày. Ngán ngẩm nhất là lúc cấm xe tải, cấm giờ qua cầu Rạch Miễu. Bà Mộng Linh cho hay: Cái giờ “đẹp” nhất để xe chở hoa kiểng đến TP. Hồ Chí Minh là giờ cầu Rạch Miễu cấm tải, tức khoảng 15 giờ chiều đến 19 giờ tối. 

Với đặc thù nghề bỏ hàng hoa kiểng cho các vựa ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu toàn vận hành vào ban đêm, áp lực xuống 1 xe hàng hoa kiểng vừa mất thời gian, vừa phải giao cho nhiều nơi khiến doanh nghiệp chị Linh phải bố trí rất nhiều nhân công.

“Chúng tôi phải bố trí nhiều nhân công, tốn nhiều tiền để thuê người bốc hàng hóa xuống ở các vựa rồi hối hả về cho kịp giờ cấm tải của TP. Hồ Chí Minh là 5 giờ sáng. Mà đường về tỉnh chỉ độc đạo có mỗi cầu Rạch Miễu. Nghe tin sắp khởi công cầu Rạch Miễu 2 tôi mừng dữ lắm”, bà Nguyễn Mộng Thảo Linh bày tỏ.

“Việc xuất khẩu hàng hóa của Bến Tre mất nhiều thời gian, một phần do bị kẹt xe ở cầu Rạch Miễu, rồi lại thường xuyên kẹt xe ở TP. Hồ Chí Minh và đường vào cảng Cát Lái”, ông Võ Chí Công - Chủ DNTN Chí Công (TP. Bến Tre) cho biết. Doanh nghiệp Chí Công hiện có 25 xe container, chuyên vận chuyển mặt hàng chính là dừa, hải sản xuất khẩu đi cảng Cát Lái.

Ông Công cho hay, tỉnh xây cầu Rạch Miễu 2 cho dân cư đi lại dễ dàng, nhanh chóng hơn, doanh nghiệp rất đồng thuận. Cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành, giao thông tỉnh sẽ thông thoáng hơn, hàng hóa vận chuyển được nhiều hơn.

Cầu Rạch Miễu 2 xây cách cầu Rạch Miễu hiện hữu gần 4 km về phía thượng lưu. Công trình triển khai trên tổng chiều dài khoảng 17,6 km, điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (giao quốc lộ 1 với đường tỉnh 870) thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang; điểm cuối trên quốc lộ 60, đoạn gần cầu Hàm Luông thuộc Bến Tre.

Dự án bao gồm cầu vượt luồng chính sông Tiền và cầu vượt sông Mỹ Tho. Trong đó, cầu chính trên sông Tiền có kết cấu dây văng, dài gần 2 km, rộng 21,5 m, 4 làn xe, thiết kế cho thời gian khai thác 100 năm. Phần cầu vượt sông Mỹ Tho dài 456 m, 4 làn xe. Riêng đường dẫn trên tuyến có 4 làn dành cho ôtô, 2 làn hỗn hợp, vận tốc 80 km/h.