Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất

PV.

Đời sống tinh thần của đông đảo công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất có tầm quan trọng nhất định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Ngày 09/01/2016, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 52 - CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đời sống tinh thần của đông đảo công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất có tầm quan trọng nhất định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Đời sống tinh thần của đông đảo công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất có tầm quan trọng nhất định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Đời sống tinh thần chưa tương xứng

Cùng với sự phát triển của đất nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển nhanh về số lượng và quy mô; thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đã được ban hành và tổ chức thực hiện đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất được quan tâm hơn; hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng được tăng cường; các hoạt động, phong trào văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí của công nhân phong phú, đa dạng. Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân nhờ đó đã được cải thiện, góp phần xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, công nhân vẫn chưa được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… phục vụ công nhân lao động khu công nghiệp chưa được đầu tư thỏa đáng. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động; môi trường văn hóa ở nơi làm việc và nơi sinh sống của công nhân chưa được quan tâm xây dựng và phát triển; một số công nhân có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội; một số bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động chống phá, gây rối.

Chỉ thị số 52 - CT/TW chỉ rõ, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách của việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động; chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực này. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Việc đầu tư cho các công trình phúc lợi còn hạn chế. Sự phối hợp của các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ. Vai trò của công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân chưa được chú trọng, phát huy.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay; mức độ hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng cao, số lượng doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân lao động nước ngoài vào làm việc trong các khu công nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng; sự đan xen, giao thoa văn hóa giữa các nước, dân tộc, vùng miền, khu vực ngày càng nhiều. Nền kinh tế trong nước cũng sẽ có sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; đội ngũ doanh nhân, công nhân lao động không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều vấn đề xã hội mới, phức tạp có thể xuất hiện, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là thanh niên công nhân có thể tiếp tục bị kẻ xấu lôi kéo, kích động, chia rẽ; bị tác động của mặt trái các phương tiện truyền thông hiện đại. Bởi vậy, môi trường lao động, văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục là vấn đề cần được quan tâm sâu sắc.

Tạo chuyển biến từ sự lãnh đạo của Đảng

Để tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chỉ thị số 52 - CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu sự vào cuộc của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác này.

Trước hết, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất trong tình hình mới. Xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn, của doanh nhân và công nhân lao động. Cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động.

Quan trọng hơn, các cấp ủy đảng cần đưa nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất vào nghị quyết của cấp ủy; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có chương trình hành động cụ thể nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của công nhân. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này; tăng dần ngân sách đầu tư và có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân lao động; ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ban Bí thư cũng chỉ đạo tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo đó, các cấp ủy đảng, nhất là tổ chức đảng trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở doanh nghiệp; đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, doanh nhân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động; khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế và sản phẩm văn hóa hiện có, tạo điều kiện để công nhân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài…

Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn cũng là nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị số 52 - CT/TW. Tổ chức công đoàn các cấp cần tăng cường giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa và tác phong lao động công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động; xây dựng hình ảnh người công nhân lao động mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo điều kiện cho công nhân lao động được thụ hưởng. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với công nhân lao động, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là ở các thành phố lớn và địa bàn nhạy cảm. Kịp thời đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động.