Châu Âu tiếp tục trong “vòng xoáy” lạm phát


Dữ liệu thống kê sơ bộ cho thấy, lạm phát tại các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục ở mức cao trong tháng 2 vừa qua, trong đó giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh là nguyên nhân chính thúc đẩy tình hình lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng vừa qua tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng vừa qua tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục ở mức cao

Ngày 1/3, Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu sơ bộ cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Đức trong tháng 2/2023 tăng cao hơn so với dự báo.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng vừa qua tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức dự báo của các nhà phân tích ở mức 9% và tăng nhẹ so với mức tăng 9,2% của tháng trước đó.

Destatis cho biết, giá thực phẩm và năng lượng đã tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, tác động đáng kể đến tỷ lệ lạm phát ở Đức.

Chính phủ Đức đã thông qua các biện pháp trong gói cứu trợ thứ 3 để ngăn chặn tình trạng tăng giá các sản phẩm năng lượng. Tuy nhiên, ngay cả khi có các biện pháp cứu trợ, giá lương thực đã tăng 21,8% trong tháng 2/2023 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng từ mức 20,2% trong tháng trước đó, trong khi giá năng lượng vẫn cao hơn 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Do vậy, năng lượng và thực phẩm vẫn là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát ở Đức. Trong khi đó, chi phí dịch vụ tăng trung bình 4,7% so với tháng 2/2022. Các nhà kinh tế từng kỳ vọng tỷ lệ lạm phát ở Đức sẽ giảm xuống 8,5% trong tháng 2 này.

Nhà nghiên cứu kinh tế Ralph Solveen của Commerzbank (ETR:CBKG) cho biết, những áp lực tiềm ẩn cũng có thể gia tăng hơn nữa, với lạm phát cơ bản – không bao gồm giá năng lượng và lương thực – ước tính tăng từ 5,6% lên khoảng 5,8% trong tháng vừa qua.

Số liệu công bố về tình hình lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu được đưa ra một ngày sau khi hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là Tây Ban Nha và Pháp cũng công bố báo cáo về mức tăng lạm phát đầy bất ngờ.

Theo dữ liệu từ Cơ quan thống kê Pháp (INSEE), chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 vừa qua tăng 6,2% từ mức 6% trong tháng 1. Báo cáo lưu ý rằng lạm phát giá lương thực tăng từ 13,3% lên 14,5%, giá dịch vụ tăng từ 2,6% lên 2,9%, trong khi giá hàng hóa sản xuất tăng nhẹ từ 4,5% lên 4,6%, với đợt giảm giá cuối mùa Đông. INSEE cho biết, giá năng lượng đã tăng 14,0% so với cùng kỳ tháng 2/2022.

Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, lạm phát hiện đã tăng trong 2 tháng liên tiếp tính theo năm. Theo báo cáo của Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha (INE), giá tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, giá điện và thực phẩm cao hơn là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng lạm phát này.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống và năng lượng biến động, ở mức 7,7% so với cùng kỳ năm 2022, tăng từ mức 7,5% được ghi nhận vào tháng 1. Giá tiêu dùng, được cân đối để so sánh với các nước thuộc Liên minh châu Âu khác, đã tăng lên 6,1% trong tháng 2 so với mức 5,9% của tháng trước đó.

Các nhà kinh tế dự báo, lạm phát ở Tây Ban Nha và Pháp sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất nhiều hơn.

Nỗ lực từ Ngân hàng Trung ương châu Âu

Kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay, ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 300 điểm cơ bản trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát hiện đang tăng vọt tại 20 quốc gia thành viên Eurozone.

Trước đó, ngày 2/2 vừa qua, ECB đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của ngân hàng này và là mức cao nhất kể từ năm 2008. Sau quyết định trên, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi của ECB đều tăng lên và lần lượt ở mức 3%, 3,25% và 2,5%.

Trong tuyến bố đưa ra, ECB cam kết duy trì lộ trình tăng lãi suất với tốc độ ổn định và được giữ ở mức phù hợp để đảm bảo lạm phát trở về mức mục tiêu trung hạn 2%. ECB dự kiến một đợt tăng lãi suất tiếp theo, thêm 0,5% tại cuộc họp chính sách tiền tệ sẽ diễn ra ngày 16/3 tới đây.

Hồi tháng 1, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã tái khẳng định quyết tâm của Ngân hàng Trung ương về việc tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát một cách hợp lý nhất. Mục tiêu lạm phát 2% trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong trung hạn đã được đặt ra từ nhiều tháng qua.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel dự báo, lạm phát của Đức sẽ giảm trong năm tới với điều kiện ECB tiếp tục tăng lãi suất. Ông Nagel cho biết, lạm phát trong năm 2023 của nước này vẫn sẽ ở mức 7% do tác động của lãi suất thấp phải mất nhiều thời gian hơn để có hiệu quả mong muốn.

Giá tiêu dùng tại châu Âu bắt đầu tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra trong bối cảnh Moskva siết chặt nguồn cung khí đốt nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây, từ đó dẫn đến việc châu Âu phải tìm kiếm nguồn cung khí đốt từ các nước khác và phải trả giá cao hơn./.

Theo H.Hà/dangcongsan.vn