Chống giao dịch nhà đất "hai giá"

Theo daibieunhandan.vn

Để giảm các loại thuế, phí khi chuyển nhượng bất động sản, cá nhân, tổ chức thường kê khai mức giá trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế. Đây gọi là hiện tượng “hai giá” trong giao dịch bất động sản. Thông thường, người dân thường khai giá mua bán trên hợp đồng công chứng theo barem thuế có sẵn. Giá này luôn thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thực tế. Điều đáng lưu ý, dù là “câu chuyện thường ngày” trong giao dịch bất động sản song cho tới nay các bộ, ngành vẫn chưa đưa ra được giải pháp phù hợp, ngoài việc ban hành các công văn hành chính đôn đốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Gần đây nhất, ngày 12/1/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 438/BTC-VP gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các cục thuế điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế; đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cục thuế tại địa phương yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.

Sau Công văn nêu trên, một số địa phương đã có văn bản chỉ đạo thực hiện. Chẳng hạn, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình vừa có công văn về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. 

Công văn này nêu, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh khi giải quyết thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, văn bản về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở gắn với đất cần kiểm tra đầy đủ điều kiện pháp lý của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; việc nhận quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy định của pháp luật, tránh tình trạng đứng tên nhận quyền sử dụng đất giúp cá nhân, tổ chức khác trái pháp luật.

Trước đó, Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng nhằm phát hiện các hồ sơ công chứng có dấu hiệu "ký chờ" hay "ký gửi"; đặc biệt là các trường hợp kê khai giá chuyển nhượng tại hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng với mục đích trốn thuế để chuyển cho công an xác minh và điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Thực tế, giao dịch mua bán nhà đất là hợp đồng mua bán dân sự, phần lớn được thực hiện theo phương thức tiền mặt trao tay. Vì thế, cơ quan chức năng khó có thể xác định rõ sự chênh lệch giữa giá mua bán thực tế với giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng (nếu có). Hơn nữa, việc phát hiện, xử lý hiện tượng công chứng "chờ", công chứng "gửi"… cũng rất hiếm khi xảy ra.

Trong bối cảnh đó, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thuế theo hướng ban hành thuế chống đầu cơ nhà đất, nâng mức thuế suất khi chuyển nhượng, nhất là những loại bất động sản mới tạo lập, hoặc đánh mức thuế căn cứ vào thời điểm bán bất động sản (1 năm, 2 năm…) sau khi đầu tư bất động sản đáng để tham khảo.