Chủ động đổi mới, hiện đại hóa hoạt động quản lý nguồn lực Dự trữ quốc gia

Vũ Xuân Bách - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Dự trữ quốc gia là nguồn lực dự trữ chiến lược quan trọng do Nhà nước hình thành, quản lý nhằm chủ động đáp ứng những mục tiêu, yêu cầu cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải đảm bảo nhiều mục tiêu ưu tiên khác nhau, nguồn lực dự trữ quốc gia được bố trí từ ngân sách nhà nước phụ thuộc vào cân đối chung của ngân sách nhà nước, do đó, việc đổi mới, hiện đại hóa hoạt động quản lý để tối ưu hóa nguồn lực dự trữ quốc gia là yêu cầu cần thiết đặt ra trong giai đoạn tới.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động dự trữ quốc gia được quan tâm triển khai thường xuyên, kịp thời.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động dự trữ quốc gia được quan tâm triển khai thường xuyên, kịp thời.

Phát huy hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội

Trong 10 năm qua (từ khi Luật Dự trữ quốc gia số 22/2012/QH13 có hiệu lực thi hành), ngành Dự trữ Nhà nước thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế - xã hội, chính trị có những diễn biến thuận lợi và khó khăn đan xen. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn, đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Tuy nhiên, tình hình thiên tai, dịch bệnh (đặc biệt là dịch COVID-19), tình trạng biến đổi khí hậu cũng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường với cường độ ngày càng lớn, xảy ra trên diện rộng đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của Nhân dân. Các yếu tố này đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển bền vững của nước ta.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao, linh hoạt và kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài chính, nguồn lực dự trữ quốc gia được sử dụng và phát huy hiệu quả; là một trong những công cụ tài chính hữu hiệu nhằm thực hiện vai trò của Nhà nước trong điều hành kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kết quả thực hiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia giai đoạn 2013 - 2023 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác sau:

Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật dự trữ quốc gia được thể chế hóa ở khung pháp lý cao nhất đó là Luật Dự trữ quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 01 Nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định hướng dẫn thi hành; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Quyết định phê duyệt Quy hoạch, Chiến lược, Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia để quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia; Bộ Tài chính đã ban hành khoảng 40 thông tư hướng dẫn các hoạt động dự trữ quốc gia.

Thứ hai, nguồn lực dự trữ quốc gia từng bước được phát triển và củng cố. Đến hết năm 2023, ước tổng mức dự trữ quốc gia tăng gấp gần 1,5 lần năm 2015 và gấp khoảng 2 lần so với năm 2010, góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý, điều hành, xuất cấp, sử dụng hàng dự trữ quốc gia.

Thứ ba, nguồn lực dự trữ quốc gia được quản lý và sử dụng kịp thời, hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) đã xuất cấp lượng hàng hóa trị giá trên 20.500 tỷ đồng, trong đó xuất cấp khoảng 1.418.000 tấn gạo, trị giá khoảng 14.800 tỷ đồng (khoảng 538.000 tấn gạo để cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; khoảng 820.000 tấn gạo để hỗ trợ học sinh ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các dự án trồng rừng và xuất khoảng 60.000 tấn gạo để cứu trợ, viện trợ) cùng nhiều mặt hàng vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn khác; hàng quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, y tế. Riêng năm 2023, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp xuất cấp lương thực, vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia trị giá khoảng 1.448 tỷ đồng, gồm: 108.118 tấn gạo trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng và vật tư, thiết bị trị giá khoảng 148 tỷ đồng.

Hàng dự trữ quốc gia được xuất cấp góp phần ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân các vùng bị thiên tai, dịch bệnh; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường quan hệ quốc tế và thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ tư, công tác quản lý dự trữ quốc gia tại các bộ, ngành trong những năm qua đã được tổ chức thực hiện tốt; bộ máy tổ chức quản lý dự trữ quốc gia được kiện toàn và phát triển; nguồn nhân lực được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã rà soát, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị đảm bảo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn; kết hợp phân định chức năng, nhiệm vụ gắn với chủ trương cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức cả về số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, việc quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia và bảo quản hàng dự trữ quốc gia được quan tâm, tăng cường triển khai theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hệ thống kho dự trữ quốc gia từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa và thực hiện thuê kho bảo quản của các doanh nghiệp theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẵn sàng xuất cấp trong mọi tình hình huống đột xuất, cấp bách.

Thứ sáu, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động dự trữ quốc gia được quan tâm triển khai thường xuyên, kịp thời. Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động dự trữ quốc gia đã được Tổng cục Dự trữ Nhà nước tăng cường chỉ đạo triển khai hiệu quả. Qua thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã phát hiện, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế từ đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và dự trữ quốc gia nói riêng. Đáng chú ý, qua thanh tra, kiểm tra đã đề xuất các giải pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý dự trữ quốc gia, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trên cả nước.

Thứ bảy, công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật dự trữ quốc gia được phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, trên Bản tin Dự trữ Nhà nước. Năm 2023, Tổng cục Dự trữ Nhà nước phối hợp với Tạp chí Tài chính và các báo chí trong và ngoài ngành Tài chính tổ chức thông tin tuyên truyền kịp thời về tình hình hoạt động của ngành Dự trữ Nhà nước.

Đổi mới, hiện đại hóa hoạt động quản lý dự trữ quốc gia trong tình hình mới

Trong thời gian tới, dự báo kinh tế trong nước và tình hình quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường ngày càng rộng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng của đất nước cũng là vấn đề cần quan tâm. Trong bối cảnh đó, để đáp ứng mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ dự trữ quốc gia trong giai đoạn tới, ngành Dự trữ Nhà nước sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, đổi mới, cải cách thể chế để quản lý chặt chẽ nguồn lực dự trữ quốc gia thông qua thường xuyên rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo điều hành của cấp có thẩm quyền về dự trữ quốc gia để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để làm tốt nhiệm vụ này, ngành Dự trữ Nhà nước tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia của các bộ, ngành làm cơ sở để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, dự toán NSNN chi cho dự trữ quốc gia 5 năm, hàng năm và phục vụ cho công tác nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo quy định.

Hai là, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, huy động, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia; qua đó xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia có quy mô đủ mạnh, cơ cấu hợp lý, danh mục mặt hàng chiến lược, thiết yếu.

Đồng thời, xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia đồng bộ, tiên tiến, hiện đại hóa và cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng để phục vụ ngày càng tốt hơn nữa cho hoạt động quản lý nguồn lực dự trữ quốc gia nhằm sẵn sàng, chủ động xuất cấp nhanh chóng, kịp thời hàng dự trữ quốc gia khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.

Ba là, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, cần tập trung nghiên cứu, đề ra các giải pháp đổi mới để huy động nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động dự trữ quốc gia, góp phần tăng cường lực lượng dự trữ quốc gia ngày càng vững mạnh. Tập trung xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm, trong đó ưu tiên mua sắm các mặt hàng thiết yếu, chiến lược đưa vào dự trữ quốc gia và bố trí dự trữ tại các địa bàn trọng điểm, các khu vực chiến lược trên cả nước để bảo đảm chủ động ứng phó nhanh, hiệu quả khi có quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia của cấp có thẩm quyền.

Bốn là, tăng cường đổi mới, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng bảo quản hàng dự trữ quốc gia; chú trọng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất, bảo quản nhằm kéo dài thời hạn lưu kho của hàng hóa; đảm bảo hàng dự trữ quốc gia khi xuất kho luôn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo quy định.

Năm là, đổi mới, cải tiến quy trình làm việc, quy trình phối hợp, chuẩn hóa nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ thông tin theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra. Đây là điểm then chốt trong việc tổ chức các hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ công tác hiện đại hóa của ngành Dự trữ Nhà nước.

Xây dựng hệ thống điện tử kết nối và liên thông từ Trung ương tới địa phương, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin gắn chặt với công cuộc cải cách hành chính; đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các dữ liệu bảo mật của ngành Dự trữ Nhà nước; đảm bảo cung cấp các thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia.

Sáu là, đổi mới, phát triển nguồn nhân lực dự trữ quốc gia chất lượng cao, bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị, năng lực công tác; trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Cùng với đó, sắp xếp, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực theo vị trí việc làm, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của ngành Dự trữ Nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Từ thực tiễn hoạt động quản lý dự trữ quốc gia giai đoạn vừa qua, trước những dự báo về kinh tế - xã hội trong nước, thế giới nói chung và dự báo về các nhân tố có ảnh hưởng đến dự trữ quốc gia nói riêng trong giai đoạn tới, đòi hỏi việc đổi mới, hiện đại hóa hoạt động quản lý nguồn lực dự trữ quốc gia phải chủ động, hiệu quả hơn nữa để hàng dự trữ quốc gia thực sự là một trong những công cụ hữu hiệu của Nhà nước, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ mới.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2 tháng 1/2024